Thứ Tư, 19/01/2011 12:15

Giải phóng mặt bằng mở rộng QL1 - không thể chậm trễ hơn!

Tại Hội nghị triển khai công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), bảo đảm an toàn giao thông các dự án đầu tư mở rộng Quốc lộ (QL) 1 đoạn Thanh Hoá - Cần Thơ và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên vừa diễn ra đầu tuần này tại Đà Nẵng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: GPMB là khâu quan trọng đầu tiên trong quá trình đầu tư xây dựng, mở rộng QL1 và tiến độ thực hiện dự án phụ thuộc phần lớn vào quá trình GPMB của các địa phương có dự án đi qua. Tuy nhiên, quá trình GPMB thời gian qua tồn tại những yếu kém, hạn chế, bất cập do nhiều địa phương chưa quyết liệt, chủ động trong công tác này để bàn giao mặt bằng sạch cho các nhà đầu tư, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ của dự án cũng như các hoạt động khác. Đặc biệt, việc phát sinh chi phí đầu tư dự án cao hơn nhiều lần dự toán ban đầu, gây bức xúc trong dư luận nhân dân.

Để đến năm 2013, dự án đầu tư mở rộng QL1 được GPMB nhằm thúc đẩy việc hoàn thành cả tuyến cuối năm 2016, trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đồng ý cho Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng áp dụng cơ chế chỉ định nhà đầu tư, nhà thầu theo đơn giá quy định của Nhà nước với yêu cầu phải tập trung thực hiện tốt công tác GPMB và bảo đảm tiến độ thi công. Tuy nhiên, quá trình thực hiện công tác này, sự phối hợp giữa các chủ đầu tư và địa phương chưa chặt chẽ ảnh hưởng đến việc triển khai dự án. “Đây là việc cấp bách, nhạy cảm và “nóng” đối với các bộ, ngành, địa phương nên Nhà nước sẽ tập trung nguồn lực hoàn thành dự án cấp bách, quan trọng hàng đầu này để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và giảm hàng vạn người chết mỗi năm. Do vậy, ai đó hay đơn vị nào làm chậm, làm ẩu và làm hỏng là có tội với nhân dân” - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa lưu ý.

Tại Thừa Thiên Huế, với vai trò Chủ đầu tư Tiểu dự án GPMB, tái định cư công trình trên, Giám đốc Sở GTVT Ngô Văn Tuân cho hay: về công tác GPMB các công trình ngầm và công cộng trên toàn tuyến (đoạn từ Km791A+500 - Km848+875), đến nay, cơ quan này tích cực đôn đốc các đơn vị liên quan có kế hoạch di dời các công trình ra khỏi phạm vi thi công. Hiện, các đơn vị đang triển khai công tác khảo sát thiết kế và lập phương án di dời để trình cơ quan chức năng phê duyệt. Riêng đoạn tuyến Km791A+500 - Km794+737 (xã Phong Thu - thị trấn Phong Điền) với chiều dài hơn 3 km, UBND huyện Phong Điền cam kết bàn giao trước mặt bằng cho nhà đầu tư triển khai thi công vào ngày 20-7 sắp đến (sớm so với kế hoạch hơn hai tháng). Các đoạn tuyến còn lại, đơn vị tiếp tục hoàn thiện hồ sơ trình cơ quan chức năng phê duyệt, chậm nhất đến cuối năm nay hoàn tất. Công tác chi trả đền bù và tái định cư của UBND huyện để bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư dự kiến đến cuối tháng 3-2014 kết thúc. Ngoài ra, Sở GTVT cũng có công văn đề nghị Công ty TNHH Trùng Phương (Đà Nẵng) có kế hoạch chuyển tiền để đơn vị chi trả cho các ban GPMB của các huyện, thị xã có kinh phí triển khai thực hiện bảo đảm tiến độ.
 
Theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách và đặc biệt, quá trình GPMB của các địa phương phải có sự tăng cường phối hợp với Bộ GTVT để thực hiện nghiêm túc, quyết liệt trên tuyến đường huyết mạch này. Các cơ quan liên quan tích cực tuyên truyền vận động nhân dân về những lợi ích của dự án để việc GPMB tạo sự đồng thuận cao. Nếu các dự án đầu tư QL1 được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp phép để bàn giao mặt bằng kịp thời, các chủ đầu tư và nhà thầu sẽ có điều kiện hơn trong việc thực hiện dự án đúng tiến độ. Ngược lại, ngay trong tháng 8 năm nay, nếu các chủ đầu tư và nhà thầu không thực hiện thì phải thay thế, không để tình trạng dây dưa, chậm trễ đối với dự án; đồng thời, quy trách nhiệm cụ thể đối với các địa phương để chậm tiến độ GPMB.
Vĩnh Cự
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hà Nội hoàn thành chỉ tiêu “Chỉ số Hài lòng năm 2023 đạt trên 83 ”
Hà Nội hoàn thành chỉ tiêu “Chỉ số Hài lòng năm 2023 đạt trên 83%”

Chỉ số Hài lòng năm 2023 của Hà Nội đạt 83,57%, xếp thứ 21/63 tỉnh/thành phố, tăng 3,41%, tăng tới 9 bậc so với năm trước và đứng thứ 2 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Với kết quả này, Hà Nội đã hoàn thành chỉ tiêu đề ra là Chỉ số Hài lòng năm 2023 đạt trên 83%.

Làng nghề truyền thống trước xu hướng thương mại điện tử
Làng nghề truyền thống trước xu hướng thương mại điện tử

Trong xu thế hội nhập quốc tế, thương mại điện tử (TMĐT) đã và đang trở thành kênh quảng bá mang lại hiệu quả cao, không chỉ đối với thị trường trong nước, mà còn có cơ hội lan tỏa ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, tiềm năng từ ứng dụng TMĐT vào sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề trên địa bàn Thành phố vẫn là một vấn đề cần quan tâm nghiên cứu để có hướng đi thích hợp.

Cần thay đổi tư duy phát triển nhà ở xã hội
Cần thay đổi tư duy phát triển nhà ở xã hội

Dữ liệu nghiên cứu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, kể từ năm 2018 đến nay, nguồn cung nhà ở có xu hướng sụt giảm nghiêm trọng. Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong việc ban hành chính sách nhằm thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển, cải thiện nguồn cung phân khúc nhà ở xã hội. Tuy nhiên, những chính sách này vẫn còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, tạo ra nhiều điểm nghẽn khiến chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc tiếp cận.

Kiến tạo động lực tăng trưởng mới
Kiến tạo động lực tăng trưởng mới

Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2023 với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức ngày 19/9/2023 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia.