Thứ Hai, 07/12/2015 14:45

Phát triển Viện công nghệ sinh học trở thành trung tâm nghiên cứu lớn

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định 523/QĐ-TTg (ngày 14/5/2018) phê duyệt Đề án phát triển Viện công nghệ sinh học (CNSH), Đại học (ĐH) Huế đã chỉ đạo các phòng, ban liên quan và Viện CNSH khẩn trương nghiên cứu, đề ra các giải pháp nhanh chóng thực hiện lộ trình mục tiêu đã được phê duyệt, hướng đến phát triển viện trở thành trung tâm CNSH cấp Quốc gia tại miền Trung.

Phát triển công nghiệp sinh họcKhởi động dự án đào tạo sau đại học về y sinh họcĐẩy mạnh phát triển, ứng dụng công nghệ sinh học

PGS.TS. Trương Thị Hồng Hải, Viện trưởng Viện CNSH - ĐH Huế cho biết, sự ra đời của đề án góp phần giải quyết những khó khăn hiện nay ở Viện, đồng thời hình thành trung tâm CNSH xứng tầm, có khả năng giải quyết các nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản và chuyển giao công nghệ đáp ứng nhu cầu xã hội.

PGS. TS. Trương Thị Hồng Hải, Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học - ĐH Huế

Bà vừa nói, đề án ra đời sẽ giải quyết những khó khăn, vậy khó khăn đó là gì, thưa bà?

Viện CNSH là đơn vị trực thuộc ĐH Huế. Trong bối cảnh tinh giản biên chế và tự chủ ĐH cũng tạo ra những khó khăn nhất định cho đơn vị. Cụ thể, thời gian qua ngân sách nhà nước phân cấp cho viện chỉ trả lương và các khoản trích theo lương cho 8 cán bộ là viên chức và cán bộ làm công tác quản lý tại viện. Toàn bộ kinh phí chi trả lương cho 13 lao động hợp đồng, 2 hợp đồng thuê khoán chuyên môn, 2 hợp đồng cộng tác viên và 1 hợp đồng thuê chuyên gia người nước ngoài, viện phải tìm nguồn. Để giải quyết tình trạng này, viện phải giao các bộ môn (thuộc viện) tự chủ kinh phí để hoạt động, nhưng thực sự rất khó.

Do còn khó khăn kinh phí nên chưa trích lập quỹ khoa học và công nghệ để đầu tư cho các nghiên cứu mang tính phát triển các mặt hàng và thương mại hóa sản phẩm để tăng nguồn thu.

Cơ sở vật chất cũng là vấn đề trăn trở. Từ nguồn đầu tư năm 2003, đến nay nhiều máy móc đã hư hỏng nặng, khó hoặc không thể sửa chữa, nguyên nhân là do sử dụng đã lâu và điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Bên cạnh đó, viện không có kinh phí để nâng cấp, bảo dưỡng, mua sắm mới trang thiết bị đáp ứng nhu cầu nghiên cứu và các hoạt động khai thác các nguồn thu khác. Điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động chuyên môn cũng như tìm kiếm nguồn thu của viện.

Ở mô hình mới, những khó khăn đó sẽ được giải quyết ra sao?

Đề án này mở ra cơ hội để viện có được sự quan tâm của nhiều cơ quan bộ ngành Trung ương. Các bộ, ngành liên quan sẽ có những chính sách ưu tiên, nhất là Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ có ưu tiên trong việc tuyển chọn các chương trình khoa học công nghệ về CNSH, đặt hàng hoặc trực tiếp giao các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học (NCKH) và chuyển giao công nghệ.

Viện cũng sẽ được đầu tư cơ sở hạ tầng, khu ươm tạo, hoàn thiện các phòng thí nghiệm từ đó phát triển các dịch vụ, hoạt động NCKH để tạo nguồn thu ổn định. Bên cạnh đó, sẽ có cơ chế tuyển dụng để đáp ứng đủ nguồn nhân lực đảm bảo cho sự phát triển của viện.

Mô hình nuôi cá thử nghiệm tại Viện Công nghệ sinh học - ĐH Huế

Bà có thể cho biết về lộ trình thực hiện đề án?

Mục tiêu, lộ trình đề án có hai giai đoạn. Từ nay đến năm 2020 sẽ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng mới, khu ươm tạo và sản xuất thử nghiệm (nhà kính, nhà lưới và sản xuất vaccine, chế phẩm sinh học). Hoàn thiện, tổ chức hoạt động 4 phòng thí nghiệm: Công nghệ gen, công nghệ enzyme và protein, vi sinh vật học và công nghệ lên men, tế bào gốc.

Từ sau năm 2020 đến năm 2025 sẽ đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm để phát triển Viện CNSH thành một trong ba trung tâm CNSH quốc gia đạt trình độ tương đương khu vực ASEAN. Tổ chức hoạt động các phòng thí nghiệm: Miễn dịch học và vaccine, tin sinh học, hoạt chất sinh học và công nghệ hóa sinh, công nghệ bào chế, sinh học biển, xây dựng các khu ươm tạo, thử nghiệm và sản xuất.

Trong giai đoạn này sẽ phát triển và ứng dụng công nghệ nền để tạo ra các sản phẩm khoa học có giá trị, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước; chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực nông lâm thủy sản, chăm sóc sức khỏe và bảo vệ môi trường vùng ven biển và đồi núi.

Trước mắt, ĐH Huế cùng các phòng, ban liên quan và viện đã có cuộc họp đề ra các nhiệm vụ. Trong năm nay sẽ cố gắng hoàn thiện các thủ tục xin đất. Tỉnh đã có quy hoạch diện tích 20ha để xây dựng viện CNSH. Ngoài ra, Ban cơ sở vật chất của ĐH Huế và viện cũng đang viết các dự án để thực hiện các mục tiêu đến năm 2020.

Trong năm, dự kiến sẽ tổ chức tuyển dụng nhân sự, nhất là nhân sự cho các phòng thí nghiệm. Quan điểm của ĐH Huế và viện là chọn người thực sự tài giỏi và tâm huyết với nghề. Trong đó, ưu tiên tuyển các ứng viên có trình độ tiến sĩ. Với các ứng viên trình độ thạc sĩ thì phải có nhiều năm kinh nghiệm.

Điểm khác rõ nhất giữa mô hình mới với mô hình cũ là gì, thưa bà?

Chúng tôi dự kiến thành lập công ty trực thuộc viện nhằm thực hiện nhiệm vụ thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu – vấn đề bức thiết của NCKH hiện nay.

Trước đây, chúng tôi chưa có mô hình này, nếu muốn thương mại hóa sản phẩm phải liên kết công ty bên ngoài vì viện không có điều kiện, nhưng cách làm này vô hình trung đã chuyển giao công nghệ cho họ, thương hiệu và giá trị nghiên cứu của viện bị mờ nhạt. Đây là vấn đề chúng tôi rất trăn trở. Giải quyết được vấn thương mại hóa sản phẩm sẽ chứng tỏ được sự phát triển của viện.

Xin cảm ơn bà!

Hữu Phúc (thực hiện)

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ba cây chụm lại
Ba cây chụm lại

Việc thành lập các mô hình liên kết phát triển sản xuất, kinh doanh của hội viên phụ nữ tại nhiều địa phương bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Nhân rộng và phát triển các mô hình sinh kế giảm nghèo
Nhân rộng và phát triển các mô hình sinh kế giảm nghèo

Kết quả đạt được trong thực hiện giảm tỷ lệ hộ nghèo và giảm nghèo bền vững của tỉnh trong thời gian qua phải kể đến những mô hình phát triển sinh kế đưa về các địa phương, hộ dân một cách kịp thời và thiết thực.

Chuyển đổi số Tư duy, hành động mới
Chuyển đổi số: Tư duy, hành động mới

Tại Thừa Thiên Huế, chuyển đổi số (CĐS) trong hoạt động của nhiều đơn vị, doanh nghiệp (DN), địa phương đang có nhiều chuyển biến hiệu quả, thích ứng với tình hình thực tế.

ASEAN và EU nắm giữ vai trò quan trọng trong phục hồi đa dạng sinh học
ASEAN và EU nắm giữ vai trò quan trọng trong phục hồi đa dạng sinh học

Đây là nhận định được đưa ra trong một bài viết được đăng tải trên Tờ The Straits Times, của các tác giả là ông Shawn Lum, Chủ tịch Hiệp hội Tự nhiên (Singapore) và ông Vinayagan Dharmarajah, Giám đốc khu vực châu Á thuộc Hiệp hội BirdLife International (Vương quốc Anh).