Ông Bạch Chơn Đông
Chương trình hành động của UBND tỉnh chỉ rõ: Thực hiện việc sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế gắn với cải cách chế độ công vụ, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC); đẩy mạnh xã hội hóa, tách cung ứng dịch vụ công và quản lý sản xuất kinh doanh ra khỏi chức năng quản lý nhà nước nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước theo hướng dẫn của Trung ương.
Quá trình thực hiện cần bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước trong việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn tỉnh tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Vậy, ông có thể cho biết nguyên tắc sắp xếp dựa trên những tiêu chí nào?
Trước hết, việc rà soát, sắp xếp lại tổ chức được tiến hành đồng bộ, toàn diện từ việc rà soát chức năng, nhiệm vụ của đơn vị gắn với việc sắp xếp, bố trí công chức, viên chức phù hợp và đảm bảo chất lượng, số lượng để nâng cao hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ được giao, đẩy mạnh việc phân cấp quản lý cho các đơn vị.
Giao dịch tại Trung tâm Hành chính công tỉnh
Sắp xếp, kiện toàn bộ máy phải đảm bảo nguyên tắc cùng nhóm nhiệm vụ chỉ có một tổ chức, đơn vị thực hiện, đồng thời phù hợp với các điều kiện về kinh tế - xã hội của địa phương theo hướng tinh gọn, hiệu quả, tránh chia nhỏ, phân tán hoặc chồng chéo nhiệm vụ.
Những lĩnh vực, nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp mà các doanh nghiệp hoặc thành phần kinh tế khác thực hiện được thì từng bước chuyển giao, thực hiện chuyển đổi sang mô hình hoạt động như doanh nghiệp hoặc thực hiện xã hội hóa. Đơn vị sự nghiệp hoạt động hiệu quả thấp thì xem xét giải thể; những đơn vị sự nghiệp có khả năng khai thác nguồn thu hợp pháp thì chuyển sang đơn vị tự trang trải kinh phí hoạt động.
Thực hiện việc rà soát và phân loại các lĩnh vực dịch vụ công đang cung cấp cho xã hội như: nhóm dịch vụ phải chuyển sang đấu thầu cạnh tranh; nhóm dịch vụ Nhà nước cần phải hỗ trợ duy trì để đảm bảo các yêu cầu của xã hội; nhóm dịch vụ do Nhà nước đảm bảo toàn bộ và nhóm dịch vụ mang tính chất đặc thù chuyên ngành.
Những kết quả ban đầu mà tỉnh đã thực hiện được như thế nào thưa ông?
Số lượng đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh trước năm 2017 là 764 đơn vị. Đến nay, đã sắp xếp giảm được 16 đầu mối đơn vị sự nghiệp thuộc sở, ban, ngành cấp tỉnh. Theo kế hoạch, sẽ sắp xếp lại để giảm 55 đơn vị sự nghiệp thuộc sở, ban, ngành thông qua việc sáp nhập, hợp nhất, chuyển giao các trung tâm, trường, chiếm tỉ lệ 7,28%.
Trong quý III/2018, sẽ tiếp tục sáp nhập, hợp nhất thêm các đơn vị theo quy định. Đáng chú ý là việc kiện toàn tổ chức bộ máy Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND tỉnh; thí điểm hợp nhất Văn phòng cấp ủy với Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện ở những nơi có điều kiện theo quy định; sắp xếp tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và UBND cấp huyện…
Mục tiêu cụ thể của lộ trình là gì, thưa ông?
Đến năm 2021, giảm tối thiểu toàn tỉnh 10% đơn vị sự nghiệp công lập và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2015; có 10% đơn vị tự chủ tài chính, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2011 - 2015.
Hoàn thành cơ bản việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp có đủ điều kiện thành công ty cổ phần (trừ các bệnh viện và trường học); hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công (tính đủ tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và khấu hao tài sản) đối với một số lĩnh vực cơ bản như y tế, giáo dục - đào tạo, giáo dục nghề nghiệp.
Lâu nay, bộ máy cơ quan nhà nước vẫn tồn tại việc một sở, ban, ngành, hoặc một phòng có nhiều cấp phó, vấn đề này được thực hiện như thế nào?
Hiện nay, Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện và khung số lượng cấp phó của các tổ chức. Theo đó, sẽ có những quy định cụ thể về số lượng cấp phó ở cấp phòng, cấp sở...
Tỉnh đã có những đề án, phương án gì nhằm thu hút nguồn nhân lực, nâng cao hiệu quả, hiệu lực của cán bộ, công chức?
Sở Nội vụ đã xây dựng kế hoạch trình UBND tỉnh quy định về cơ chế, chính sách thu hút người có đức, có tài vào làm việc trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức của hệ thống chính trị, bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủ. Thực hiện thí điểm việc kiêm nhiệm một số chức danh lãnh đạo, quản lý phù hợp với đặc điểm, tình hình của cơ quan, đơn vị, địa phương. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin, chống lãng phí, góp phần tinh gọn bộ máy và tinh giản biên chế.
Sắp xếp đầu mối, tinh giản biên chế là việc làm khó, phức tạp, vậy theo ông tỉnh ta nên triển khai từ khâu nào trước?
Trước tiên, phải xác định đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của từng cơ quan, đơn vị và từng CBCCVC, người lao động trong mỗi cơ quan, đơn vị. Yêu cầu đặt ra là mỗi cơ quan, đơn vị phải thực hiện việc tổ chức sắp xếp lại bộ máy theo hướng giảm khâu trung gian, giảm cấp phó, giảm biên chế.
Quá trình thực hiện việc tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế sẽ tác động đến tất cả các vị trí trong mỗi cơ quan, đơn vị. Vì vậy, muốn sắp xếp, tổ chức lại bộ máy bảo đảm tinh gọn nhưng hoạt động hiệu quả đòi hỏi các cơ quan, đơn vị phải tổ chức đánh giá khách quan, chính xác hiệu quả hoạt động của tổ chức cũng như hiệu quả, năng lực làm việc của từng vị trí trong tổ chức, kể cả vị trí lãnh đạo, quản lý. Do đó, trách nhiệm ở đây có cả tập thể, cá nhân trong cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu.
Qua quá trình làm việc với các đơn vị, địa phương về công tác sắp xếp đầu mối, tinh giản biên chế, ông thấy có những vấn đề gì cần quan tâm giải quyết ngay?
Vấn đề cần quan tâm nhất hiện nay là nhận thức và tư tưởng của CNCCVC, người lao động trong toàn bộ hệ thống chính trị về nhiệm vụ tinh gọn bộ máy và tinh giản biên chế ở các mức độ khác nhau. Vì vậy, quan trọng là phải thực hiện thật tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng để CBCCVC, người lao động nhận thức chủ trương này cần thực hiện ngay từ bây giờ.
Tuyên truyền tốt để tránh tình trạng CBCCVC, người lao động chỉ quan tâm đến việc tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế ở cơ quan, đơn vị, địa phương khác mà không thấy trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ này ngay tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình; tuyên truyền để tạo được sự tích cực, chủ động, quyết liệt từ từng địa phương, cơ sở, đặc biệt là người đứng đầu.
Xin cảm ơn ông!
THÁI BÌNH (Thực hiện)