Thứ Bảy, 29/10/2016 12:17

Hướng đến nông sản sạch

Theo ông Hồ Đăng Khoa, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản, thủy sản tỉnh, để sản phẩm nông nghiệp sạch (NNS) thực sự có chỗ đứng, ngoài thực hiện đúng quy trình sản xuất an toàn, các chủ cơ sở sản xuất cần liên kết với các cửa hàng kinh doanh xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Hình thành chuỗi cung ứng nông sản từ khâu sản xuất đến tiêu thụPhong Điền hướng đến sản xuất nông sản sạchQuảng Điền hướng đến nông sản sạchCoi trọng nông nghiệp hữu cơĐưa nông sản Việt sạch đến tận tay người tiêu dùng

Trồng dưa lưới trong nhà màng của Công ty CP Cấp nước Thừa Thiên Huế

Từ cây đến con

Sau khi có quyết định tái cơ cấu ngành nông nghiệp (giữa năm 2016) với những định hướng phát triển nông nghiệp bền vững, đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất; đưa NNS trở thành mũi nhọn phát triển với các chính sách hỗ trợ, nhiều mô hình sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao xuất hiện.

Từ nguồn nước sạch đạt chuẩn, gần 1 năm trước, Công ty CP Cấp nước Thừa Thiên Huế đầu tư phát triển mô hình trồng rau công nghệ cao theo hướng thủy canh tại Nhà máy Quảng Tế 1. Khu vực trồng rau được thiết kế với hệ thống nhà màng rộng 1.500m2, quy trình khép kín, cách ly hoàn toàn với môi trường bên ngoài. Hệ thống lấy sáng và tưới nước, cung cấp dinh dưỡng đều được tự động hóa hoàn toàn.

Ông Dương Xuân Quý, cán bộ trực tiếp phụ trách vườn rau chia sẻ: Nguồn nước sử dụng trồng rau hoàn toàn đã qua xử lý, chất dinh dưỡng được hòa tan tự động trong nước theo tỷ lệ hợp lý trước khi dẫn vào hệ thống thủy canh, đảm bảo và kiểm soát được thành phần dinh dưỡng cung cấp cho rau. Rau sau khi thu hoạch được kiểm nghiệm chỉ tiêu chất lượng, quy trình sản suất theo tiêu chuẩn VietGAP và tiến hành sục ozone khử khuẩn, đóng gói trước khi đến tay người tiêu dùng.

Mô hình trồng cà chua trong nhà màng của Trường ĐH Nông lâm Huế

Ngoài mô hình thủy canh rau từ nguồn nước sạch sẵn có, HueWACO đầu tư mở rộng thêm gần 2 ha dưa lưới công nghệ cao tại Phú Lộc. Hiện HueWACO thử nghiệm thành công gần 1.500m2 dưa lưới trái vụ đã cho thu hoạch và tiếp tục mở rộng diện tích.

Ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất theo hướng an toàn hữu cơ… hiện toàn tỉnh có 1.100 ha lúa, 103 ha rau ứng dụng tiêu chuẩn VietGAP; 194 ha sản xuất theo hướng hữu cơ; 29.000m2 tương ứng 28 hệ thống nhà lưới sản xuất rau, hoa ứng dụng công nghệ cao.

Trong chăn nuôi cũng bắt đầu xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi theo hướng VietGAP, hữu cơ có sự tham gia của các doanh nghiệp (DN), trong đó một số DN lớn liên kết với người dân tạo chuỗi cung ứng thực phẩm. Điểm mạnh của các mô hình liên kết theo chuỗi này là vừa giải quyết tốt đầu ra, đầu vào, quản lý tốt vấn đề dịch bệnh, ổn định thị trường.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh thông tin, toàn tỉnh có 14 trang trại có liên kết chuỗi. Ngoài ra, còn có 6 trang trại đang phát triển chăn nuôi theo hướng VietGAP; một số trang trại chăn nuôi hữu cơ quy mô nhỏ và vừa cũng được người dân, DN ứng dụng, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm thịt động vật.

Tiếp sức từ chính sách hỗ trợ

Về công tác quản lý chất lượng các mặt hàng nông sản, ông Hồ Đăng Khoa, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản, thủy sản cho biết, hàng năm, Chi cục tiến hành lấy mẫu xét nghiệm, kiểm nghiệm mặt hàng nông sản tại các chợ, cửa hàng, siêu thị trên địa bàn; liên thông với các chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản, thủy sản trong cả nước xử lý các vi phạm liên quan đến chất lượng nông, lâm, thủy sản. Riêng năm 2018, Chi cục đã gửi 273 mẫu gửi đến phòng phân tích kiểm nghiệm, kết quả mẫu không đạt là 08/273 mẫu, chiếm tỷ lệ 2,9%, đã tiến hành xử lý.

Theo ông Hồ Đăng Khoa, nông nghiệp an toàn, nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) đang được tiếp sức bằng các chủ trương, chính sách. Theo đó, các dự án đầu tư cơ sở sản xuất NNCNC có quy mô từ 500m2 trở lên (đối với trồng trọt);­ 2.000m2 (đối với nuôi trồng thủy sản) được hỗ trợ 50% chi phí nhưng không quá 500 triệu đồng/cơ sở để đầu tư xây dựng; hỗ trợ đường giao thông, hệ thống điện, cấp nước đến hàng rào dự án…

Các sản phẩm được xác nhận đảm bảo được các cơ quan chức năng giám sát từ khâu ban đầu, đến sơ chế, chế biến và cửa hàng bày bán, tạo niềm tin cho khách hàng.

Hiện, Chi cục đã hỗ trợ xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho 10 chuỗi với 15 sản phẩm. Ngoài ra, trên địa bàn TP. Huế hiện có 10 cửa hàng chuyên cung cấp các thực phẩm an toàn, có nguồn gốc, xuất xứ hoặc do cửa hàng tự sản xuất hay liên kết nông hộ sản xuất và bao tiêu sản phẩm; được Chi cục thường xuyên kiểm tra giám sát. Việc đưa các mặt hàng NNS vào các cửa hàng sẽ giúp các đơn vị phát triển nông nghiệp được theo dõi chất lượng và bớt đi ảnh hưởng từ sự cạnh tranh của các sản phẩm bên ngoài.

Mới đây, tại hội nghị triển khai kế hoạch xây dựng chương trình mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP) năm 2019, ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT chia sẻ: Để có một nền nông nghiệp phát triển, việc đồng hành cùng nhà nông là cần thiết. Vì thế, khi triển khai thực hiện Chương trình OCOP, tỉnh tập trung cho các chính sách hỗ trợ như: hướng dẫn thực hiện sản xuất đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm; thiết kế, tiêu chuẩn hóa sản phẩm; hỗ trợ thiết kế bao bì, nhãn mác, đăng ký, công bố sản phẩm, tư vấn luật, quản lý sản xuất bằng hệ thống tem điện tử thông minh…

Thông qua nhiều kênh, nhiều nguồn kinh phí từ các chương trình dự án sẽ tập trung đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm cho các mặt hàng nông sản nói chung và sản phẩm OCOP nói riêng.

NNS là một trong những hướng đi bền vững của ngành nông nghiệp. Hiện nay, nhiều sản phẩm NNS đã có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng và mở rộng thị trường ra một số tỉnh, thành... Tuy nhiên, nhìn chung việc tiếp cận thị trường vẫn là bài toán khó đối với các cơ sở sản xuất nông sản sạch.

Bài, ảnh: Hoàng Loan

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

HueWACO đảm bảo cấp nước an toàn, ổn định dịp Tết Nguyên đán 2023
HueWACO đảm bảo cấp nước an toàn, ổn định dịp Tết Nguyên đán 2023

Trước nhu cầu sử dụng nước tăng cao vào dịp Tết Nguyên đán, Công ty CP Cấp nước Thừa Thiên Huế (HueWACO) đã lên kế hoạch, triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo cấp nước an toàn, ổn định, liên tục trước, trong và sau tết cho người dân trên địa bàn toàn tỉnh.

Những thành tựu tiêu biểu của năm 2022
Những thành tựu tiêu biểu của năm 2022

Với định hướng phát triển gắn với “3 mục tiêu đột phá - 5 giải pháp trọng tâm” trong giai đoạn 2022 - 2026, năm 2022 Công ty CP Cấp nước Thừa Thiên Huế (HueWACO) đã hoàn thành “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh (SXKD).

Hiện đại hóa dịch vụ cấp nước
Hiện đại hóa dịch vụ cấp nước

Với mục tiêu đảm bảo cấp nước an toàn (CNAT) cho gần 100% dân số toàn tỉnh vào năm 2025, Công ty CP Cấp nước Thừa Thiên Huế (HueWACO) cải tiến dịch vụ chăm sóc khách hàng để đáp ứng, hỗ trợ và giải quyết nhanh chóng những vấn đề gặp phải liên quan đến hệ thống cấp nước.