Thứ Tư, 26/10/2016 09:13

Doanh nghiệp tăng xuất khẩu những mặt hàng có lợi thế từ CPTPP

Nhiều mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam có lợi thế tăng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Canada nhờ cam kết cắt giảm thuế về 0%.

Tôm Việt thêm rộng đường sang MỹLâm sản xuất siêu 2,4 tỷ USD trong 4 tháng

Kể từ ngày 14/1/2019, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam. Trong số 11 quốc gia thành viên của CPTPP, Canada là một trong những đối tác tiềm năng lớn của Việt Nam. Với CPTPP đây là lần đầu tiên và duy nhất Việt Nam và Canada có thỏa thuận thương mại tự do, tạo căn cứ pháp lý quan trọng, hứa hẹn sẽ thúc đẩy mạnh mẽ thương mại và đầu tư của hai nước, nhất là trong bối cảnh hai nền kinh tế có tình bổ trợ cho nhau.

Đánh giá về thị trường Canada hiện nay, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu Thủy sản (VASEP) cho rằng, Canada thời gian qua luôn nằm trong top những thị trường xuất khẩu thủy sản rất đáng quan tâm của Việt Nam, khi đứng thứ 8 trong số các thị trường nhập khẩu thủy sản tính theo doanh số. Trong khối CPTPP gồm 10 quốc gia đang nhập khẩu thủy sản của Việt Nam thì Canada đứng thứ 2 với kim ngạch nhập khẩu thủy sản gia tăng trung bình mỗi năm vào khoảng từ 8 – 12%.

“Riêng trong năm 2018 quốc gia này nhập khẩu đến 240 triệu USD mặt hàng thủy sản. Đây là thị trường vô cùng tiềm năng của Việt Nam để các doanh nghiệp gia tăng xuất khẩu những mặt hàng có chất lượng, là thế mạnh của Việt Nam”, ông Nam cho hay.

Dệt may, thủy sản... là những mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường Canada.

Nhận xét về khả năng tận dụng CPTPP đối với các doanh nghiệp dệt may để phát triển thị trường Canada, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam cho rằng, Canada là thị trường tiềm năng và trong thời gian vừa qua, mặc dù Việt Nam chưa có FTA với Canada thì ngành dệt may Việt Nam đã có xuất khẩu vào quốc gia này với kim ngạch xuất khẩu năm 2018 khoảng 690 triệu USD.

Theo ông Cẩm, đây tuy là con số không lớn nhưng Canada vẫn đứng vào hàng thứ 6 các quốc gia nhập khẩu sản phẩm dệt may của Việt Nam với số lượng lớn sau Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực, cơ hội lớn nhất để các doanh nghiệp dệt may Việt Nam tận dụng chính là Canada cam kết cắt giảm nhanh nhiều dòng thuế.

“Canada là quốc gia có thu nhập rất cao và GDP lớn với nền kinh tế mạnh, nên ngành dệt may hi vọng trong thời gian tới, các nhà đầu tư của Canada có thể sẽ đầu tư vào ngành dệt may Việt Nam với tốc độ lớn hơn”, ông Cẩm nhận định.

Mặc dù được đánh giá là thị trường xuất khẩu đầy tiềm năng của Việt Nam với nhiều mặt hàng chủ lực, song nhiều chuyên gia vẫn cho rằng, Canada là thị trường tương đối khó tính bởi những quy định khắt khe về quy chuẩn chung cũng như những tiêu chuẩn riêng.

Ông Nguyễn Hoài Nam cho biết: Canada có chuẩn an toàn thực phẩm khá cao, tương đương với Hoa Kỳ. Tại thị trường Canada họ có cái để so sánh, trước tiên là nguồn lợi thủy sản khai thác lên, ở điều kiện mặt nước, điều kiện khai thác biển, do đó, cần phải luôn giữ được chất lượng hàng hoá trong quá trình lưu thông, tiêu thụ.

Một vấn đề nữa ông Nam cũng lưu ý các doanh nghiệp, đó là những quốc gia nằm trong khối G7 như Canada, khi nhu cầu nhập khẩu tăng lên, có những doanh nghiệp, cá nhân đã gây niềm tin với doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, họ đăng đăng ký với doanh nghiệp Việt Nam ở một địa chỉ, nhưng mở LC ở một quốc gia khác và thanh toán ở một ngân hàng khác nên các doanh nghiệp thuỷ sản, nông sản hết sức lưu ý trong các giao dịch.

Còn theo ông Trương Văn Cẩm, trong CPTPP quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi là quy tắc rất khó vì dệt may gia công xuất khẩu với lượng kim ngạch lớn, nguyên phụ liệu chủ yếu nhập khẩu từ nước ngoài. Để tận dụng được cơ hội CPTPP đem lại riêng đối với thị trường Canada, việc đầu tiên các doanh nghiệp cần làm đó là liên kết với nhau để sử dụng nguyên phụ liệu trong nước vì hiện nay mối liên kết giữa các doanh nghiệp chưa thực sự chặt chẽ.

Thông tin về thị trường Canada, cơ hội phát triển xuất khẩu cũng như hợp tác đầu tư trong khuôn khổ Hiệp định CPTPP, bà Đỗ Thị Thu Hương, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Canada cho biết, Canada là thị trường khá thiên về nhập khẩu, nếu tính theo trị giá nhập khẩu trên đầu người thì thị trường Canada cao gấp đôi thị trường Mỹ. 60% người nhập cư của Canada là người châu Á nên nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam là khá lớn.

Đặc biệt, Canada là quốc gia có chính sách mở về thương mại và đã ký 15 FTA với các nước và khu vực trên thế giới như EU, Mỹ, Mexico và đặc biệt có CPTPP với 11 nước châu Á – Thái Bình Dương. Canada cũng áp dụng những chính sách ưu đãi thuế quan phổ cập đối với các quốc gia kém và đang phát triển như Việt Nam.

Theo bà Hương, để doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam có thể tiếp cận thị trường Canada cũng cần phải qua các bước như nghiên cứu thị trường, xác định mã HS hàng hóa để biết mức thuế nhập khẩu cũng như các chứng từ chứng minh xuất xứ hàng hóa cũng như xác định phương tiện vận tải.

“Ngoài việc xác định xu hướng tiêu dùng, chủng loại hàng hóa, quy định chung của Canada cũng như quy định riêng của từng bang đối với một số loại hàng hóa đặc thù. Canada quy định khá chặt về quy cách đóng gói cũng như việc ghi nhãn mác hàng hóa và nước này có hệ thống tra cứu nhà nhập khẩu trực tuyến giúp cho doanh nghiệp dễ dàng tìm kiếm đối tác”, bà Hương nêu rõ.

Đặc biệt, các sản phẩm nông sản xuất khẩu của Việt Nam vào Canada cần áp dụng theo Luật An toàn thực phẩm mới có hiệu lực của Canada từ tháng 1/2019. Trong đó có thay đổi về quy trình kiểm tra chất lượng hàng hóa, theo hướng nhà nhập khẩu phải chịu toàn bộ trách nhiệm từ truy xuất nguồn gốc, nuôi trồng đến việc xuất khẩu, chế biến đóng gói và đưa sản phẩm vào Canada.

“Nhà xuất khẩu, nhà chế biến hay nhà nhập khẩu đều phải xây dựng chương trình, kế hoạch phòng ngừa rủi ro về an toàn thực phẩm, luật ghi nhãn đóng gói, luật phân bón do cơ quan kiểm dịch thực vật Canada chịu trách nhiệm quản lý. Các mặt hàng công nghiệp sẽ phải tuân thủ theo một số các quy định về hàng tiêu dùng của Tổng cục cạnh tranh Canada hoặc quy định của Bộ Y tế”, bà Hương lưu ý.

Theo VOV

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Bà đỡ” cho doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ
“Bà đỡ” cho doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ

Lấy doanh nghiệp (DN) làm trung tâm đổi mới và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) là phương châm của tỉnh, của ngành nhằm tạo ra các sản phẩm chủ lực, trọng điểm và hình thành, phát triển các sản phẩm, hàng hóa thương hiệu có khả năng cạnh tranh về chất lượng, giá thành, thị trường tiêu thụ.

Thành lập Hội đồng tư vấn nghề Cơ điện tử theo tiêu chuẩn của Đức
Thành lập Hội đồng tư vấn nghề Cơ điện tử theo tiêu chuẩn của Đức

Chiều 23/2, tại Trường cao đẳng Công nghiệp Huế (HueIC), Chương trình “Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam”- GIZ phối hợp với HueIC tổ chức hội nghị thành lập Hội đồng tư vấn nghề Cơ điện tử theo tiêu chuẩn CHLB Đức tại Thừa Thiên Huế. Hội nghị có sự góp mặt của đại diện 16 doanh nghiệp (DN) có nhu cầu nguồn nhân lực ngành Cơ điện tử đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước và các giảng viên chuyên ngành Cơ điện tử tại HueIC.