Thứ Sáu, 11/11/2016 13:00

Lặng lẽ dấu chân cựu chiến binh – bài 3: Khi người dân đồng thuận

Đi đầu trong các phong trào, làm để dân noi gương, bằng tiếng nói uy tín của người lính Cụ Hồ, những cựu chiến binh (CCB) TP. Huế đã tìm được tiếng nói đồng thuận từ người dân.

Lặng lẽ dấu chân cựu chiến binh - Bài 2: Vì sự bình yên của phố phường

Bờ kè sông Đông Ba thuộc phường Phú Bình được người dân bê tông sạch đẹp, thoáng mát

Bãi rác thành điểm vui chơi

Rác đóng thành ụ, nhếch nhác, bẩn thỉu. Mặc dù các đoàn thể địa phương thường xuyên ra quân dọn vệ sinh môi trường, nhưng dọn xong người dân lại vứt bừa bãi nên “đâu lại vào đấy”. Nhất là đoạn dọc bờ kè trước chợ Phú Bình có đủ loại rác, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Chị Hằng, một người dân ở phường bức xúc: “Cứ dọn xong thì vài ngày sau là rác lại chất thành đống; không những vứt trên bờ kè, nhiều người còn ném xuống lòng sông khiến nước sông đen ngòm, hôi thối…”.

Rác cũng vứt bừa bãi từ sự thiếu ý thức của một số hộ dân dọc bờ kè sông Đông Ba đoạn từ cầu Thanh Long qua phường Phú Bình (TP. Huế). Nhưng giờ đây, những đống rác đã được thay thế bằng những bồn hoa, cây cảnh tốt tươi, đủ sắc màu. Đường đất được bê tông hóa sạch đẹp.

Cơn gió chiều thoảng qua, cái náo nhiệt ồn ào của phố xá nhường chỗ cho không gian thoáng đãng nơi dọc bờ sông Đông Ba. Người lớn ngồi hóng mát, nhâm nhi tách trà, tán gẫu dưới gốc cây; trẻ nhỏ vô tư chạy nhảy, chơi đùa. Khu vực bờ kè sông Đông Ba, đoạn qua đường Đào Duy Anh, phường Phú Bình đã trở thành “khu vui chơi” thoáng mát, sạch sẽ cho người dân sống xung quanh khu vực. Để biến “bãi rác” thành “công viên” như ngày hôm nay là trái ngọt của sự kiên trì vận động từng hộ dân của các hội viên CCB phường Phú Bình.

Ông Đoàn Kim Thiên, Chủ tịch Hội CCB phường Phú Bình cho biết, trước đây, do bờ kè sông Đông Ba từ cầu Thanh Long đến UBND phường chưa được bê tông hóa, cây cối mọc um tùm nên một số người dân cũng vô tư đổ rác bừa bãi, khiến bờ kè thêm nhếch nhác và gây ô nhiễm cho dòng sông.

Hội CCB phường thường xuyên ra quân dọn vệ sinh, thu gom rác thải ở khu vực này, nhưng được một thời gian cây dại mọc lại thì đâu lại vào đấy. Để trả lại cảnh quan môi trường và hạn chế ô nhiễm cho sông Đông Ba, Hội CCB phường kiến nghị chính quyền địa phương vận động người dân chung tay bê tông hóa bờ kè ngay trước mặt nhà mình và tuyên truyền người dân không được vứt rác bừa bãi. Sau khi được chính quyền địa phương phê duyệt, hội lên kế hoạch cụ thể để vận động người dân.

Để tạo được sự đồng thuận của bà con, Hội CCB quán triệt hội viên, đảng viên phải nêu gương trước. Đối với người dân thì thông qua các buổi sinh hoạt cộng đồng, họp tổ dân phố (TDP) để giải thích việc bê tông hóa bờ kè không những trả lại cảnh quan môi trường đô thị mà bà con chính là người trực tiếp hưởng lợi. Vì bờ kè trước mặt nhà mình được bê tông, không còn rác ứ đọng thì ngôi nhà cũng sẽ đẹp, thông thoáng hơn. Đối với những hộ gia đình chưa đồng thuận, Hội CCB đến tận nhà kiên trì vận động.

Để hoàn tất được gần 1km bờ kè, hội viên CCB đã phải đi “mòn giày” để thuyết phục những hộ gia đình không đồng thuận.

Dù năm lần bảy lượt hội viên CCB đến nhà, nhưng bà N.T.L. (TDP4) vẫn kiên quyết không đồng ý chung tay bê tông hóa bờ kè của phường, với lý do bà không vứt rác trước cửa nhà và chưa đủ điều kiện nên không làm. Nhưng hội viên CCB vẫn quyết không bỏ cuộc. Bằng cái lý, cái tình, hội viên CCB phân tích cho bà L. hiểu, cửa nhà bà sạch đẹp, nhà hàng xóm sạch đẹp thì cả con đường mới đẹp được. Còn về vấn đề kinh phí bê tông, bà khó khăn đến đâu hội CCB sẽ tìm cách gỡ đến đó, miễn là bà đồng ý làm.

“Khi mới nghe vận động, tôi cũng chưa đồng ý vì cứ nghĩ đây là tuyến đường lớn, nên Nhà nước phải có trách nhiệm làm. Nhưng khi thấy những gia đình xung quanh sau khi bê tông hóa bờ kè thì không gian trước mặt nhà trở nên thông thoáng, sạch sẽ hẳn nên tôi đồng ý”, bà L. tâm sự. Không những gia đình bà L., mà nhiều hộ gia đình được các CCB giải thích, dân vận họ mới “thông”.

Tham gia không thiếu một buổi vận động nào, cũng là một trong những người đi đầu trong phong trào bê tông hóa bờ kè, CCB Phan Văn Bình (TDP 1, phường Phú Bình) bộc bạch: “Khi có chủ trương, gia đình tôi tán thành liền. Bờ kè được bê tông hóa không những dẹp bỏ được vấn nạn ô nhiễm do rác thải vứt bừa bãi mà còn tạo không gian thoáng đãng, có nơi vui chơi cho con trẻ. Mỗi hộ chỉ tham gia hai ngày công và đóng góp kinh phí 4,5 triệu đồng mà có một “mặt tiền” sạch sẽ thì ai lại không làm. Mình làm đã mới vận động được mọi người”.

Sau gần 1 năm, Hội CCB phường vừa vận động người dân, vừa bắt tay bê tông bờ kè sông Đông Ba đoạn từ cầu Thanh Long đến UBND phường Phú Bình rộng 5m, dài gần 1km với kinh phí trên 600 triệu đồng.

Không những vận động người dân bê tông hóa, “xóa sổ” vấn nạn ô nhiễm môi trường tại khu vực bờ kè, Hội CCB phường còn vận động người dân góp tiền lắp đặt camera tại những tuyến đường vắng. Đến nay, 13 điểm “nóng” về ANTT ở phường Phú Bình đã được lắp đặt camera giám sát.

Việc gì cũng thành

Địa bàn phường Kim Long khá rộng, tình hình ANTT không được đảm bảo, thường xuyên xảy ra nạn trộm cắp vặt, nhất là vấn nạn trộm chó. Hưởng ứng chủ trương của phường, Hội CCB đã “xắn tay” đến từng nhà, gõ từng cửa để vận động người dân góp tiền lắp đặt hệ thống camera trên toàn bộ các tuyến đường kiệt. Đến nay, trên 80% tuyến đường kiệt và tất cả các tuyến đường chính đều có lắp đặt camera giám sát giao thông và ANTT với tổng kinh phí trên 400 triệu đồng.

Nhờ hệ thống camera giám sát, tháng 6/2018, công an phường đã nhanh chóng bắt được đối tượng trộm cắp ngay trong ngày, trả lại xe máy cho người bị mất. Nhận thấy lợi ích thiết thực từ việc lắp đặt hệ thống camera, người dân đã nhiệt tình hưởng ứng. Trung bình, mỗi hộ gia đình đóng góp 200 ngàn đồng, nhiều hộ ủng hộ 1 -2 triệu đồng.

Ông Mai Công Hiệu (TDP 6, phường Kim Long) cho biết, từ khi có camera giám sát, các tệ nạn xã hội trên địa bàn phường giảm đáng kể. Cùng với đó, các hội viên CCB tuần tra thường xuyên cũng giúp người dân yên tâm hơn.

Cũng thông qua hệ thống camera giám sát, và nguồn tin từ việc phối hợp tuần tra của hội viên CCB, năm 2018, công an đã xử lý 30/32 vụ trộm cắp tài sản, thu hồi hơn 200 triệu đồng cho người bị hại. Vấn nạn trộm chó được giảm đáng kể.

Để có được sự đóng góp về sức người và sức của của người dân, giúp nhiều tuyến đường kiệt được bê tông hóa sạch đẹp cũng là thành quả của quá trình làm dân vận của Hội CCB phường.

 Trước đây, kiệt 69 đường Phạm Thị Liên chưa mưa đã sình lầy, ban đêm xe máy lưu thông rất nguy hiểm. Nhưng giờ đây, người dân đã được đi trên con đường bê tông thông thoáng, hai bên cờ bay phấp phới. “Đi vận động người dân tới nỗi “chai mặt”, giờ gặp ai cũng quen, cũng hỏi, cũng chào. Nhưng chúng tôi làm vì lợi ích của mọi người, tất cả đều minh bạch, nên luôn được bà con ủng hộ, tin tưởng”, ông Mai Viết Khoản, Chủ tịch Hội CCB phường Kim Long bộc bạch.

Từ đầu năm 2018 đến nay, hội viên Hội CCB TP. Huế đã phát hiện và đấu tranh có hiệu quả 24 vụ việc vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội; giải quyết 40 điểm nóng tại địa bàn; tham gia hòa giải 152 vụ việc mâu thuẫn trong dân cư; giáo dục, cảm hóa 82 đối tượng lầm lỗi và nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng.

Bài, ảnh: THANH THẢO

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Không để ai bị bỏ lại phía sau
Không để ai bị bỏ lại phía sau

Bằng những việc làm mang lại hiệu quả thiết thực, các cấp hội phụ nữ Thừa Thiên Huế hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Dâng hương kỷ niệm 55 năm tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968
Dâng hương kỷ niệm 55 năm tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968

Chiều 30/1, Đoàn Cựu chiến binh (CCB) Quân khu Trị Thiên B4 – B5 tại Quân khu 4 phối hợp với huyện Phú Vang tổ chức dâng hương và đặt vòng hoa tại nghĩa trang liệt sĩ huyện. Đây là hoạt động kỷ niệm 55 năm Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968.