Thứ Năm, 17/11/2016 18:59

Quảng Điền vào mùa du lịch đầm phá

Từ hai tháng nay, du khách, trong đó có khách nước ngoài về vùng sông nước Quảng Điền rất đông. Một tháng trở lại đây, hầu như ngày nào ông Nguyễn Nhân ở thôn Ngư Mỹ Thạnh cũng đón 2-3 đoàn khách thuê thuyền.

Chú trọng phát triển các sản phẩm hàng lưu niệm và quà tặng mang bản sắc HuếCác quốc gia đang phát triển ở Đông Á đang đối diện với nhiều thách thứcDu thuyền sông Hương, vẫn còn quá yên ắng

Trải nghiệm đời sống sông nước

Thỏa lòng du khách

Không khí trong lành, mát mẻ được điều hòa từ những khu rừng ngập mặn chạy dọc ven phá từ đầu đến cuối xã Quảng Lợi (huyện Quảng Điền) khiến du khách mê đắm. Họ thỏa sức tắm, hoặc thuê thuyền dạo quanh ngắm cảnh đẹp vùng sông nước phá Tam Giang. Du khách cũng có thể kết hợp trải nghiệm các nghề nò sáo trên phá, chơm cá, bắt cua… ở các khu rừng ngập mặn.

Du khách Lê Thanh Tâm ở TP. Huế dù bao lần đến đây vẫn mê mẩn cảnh đẹp, đời sống sông nước cư dân vùng đầm phá Quảng Điền. Lần trở lại này, gia đình anh vẫn thuê thuyền dạo quanh khu vực đầm phá từ bến đò Cồn Tộc đến đập Cửa Lác và ngược lại. “Hành trình” du thuyền, gia đình anh Tâm được chủ đò giới thiệu, hướng dẫn cách đổ nò, bủa lưới, câu cá… Những trộ nò đánh bắt được những con tôm, cá tươi rói, anh Tâm đều mua hết, phục vụ chế biến thức ăn cho chuyến du lịch của gia đình.

Từ hai tháng nay, du khách, trong đó có khách nước ngoài về vùng sông nước Quảng Điền rất đông. Một tháng trở lại đây, hầu như ngày nào ông Nguyễn Nhân ở thôn Ngư Mỹ Thạnh cũng đón 2-3 đoàn khách thuê thuyền. Mỗi lần thuê trong vòng 1 giờ có giá 150-200 ngàn đồng, sau khi trừ cho phí xăng dầu, mỗi ngày ông Nhân thu nhập 200-300 ngàn đồng.

Bà Trần Thị Cúc, chủ nhà hàng Cúc ở bến đò Cồn Tộc nhận thấy chưa bao giờ vùng sông nước Quảng Điền lại sôi động như bây giờ. Tại bến đò Cồn Tộc có 3 nhà hàng hầu như ngày nào cũng đông khách, một số mặt hàng thủy hải sản có khi bị "cháy” như mực, cua, ghẹ... Đó chưa kể các ngày lễ, cuối tuần, các nhà hàng có khi hết chỗ, phải bố trí cho khách những chỗ ngồi tạm nhưng vẫn cố gắng phục vụ chu đáo.

Trước khi vào mùa du lịch, bà Cúc cũng như các chủ nhà hàng ở Cồn Tộc, hay nhà hàng Tam Giang đã sửa chữa, thay mới các thiết bị vệ sinh, hệ thống điện, nước, máy quạt, máy điều hòa… Các lmón ăn chủ yếu là đặc sản của ngư dân vùng đầm phá, ven biển như cua, ghẹ, mực, các loại cá, ốc, trìa… Các loại thủy, hải sản đều được thu mua từ ngư dân đánh bắt trong ngày nên thường tươi ngon, chất lượng. Điều mà bà Cúc cũng như các chủ nhà hàng quan tâm ngoài chất lượng phục vụ, vệ sinh an toàn thực phẩm còn giá cả luôn “phải chăng”, phù hợp với nhiều đối tượng du khách.

Bắt đầu chuyến "du thuyền" trên phá

Ngày càng chuyên nghiệp

Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi - Phan Đăng Bảo đánh giá, dù là ngư dân chất phác, ngày ngày “theo đuôi con tôm con cá” nhưng qua các lớp tập huấn, nâng cao nhận thức, người dân Ngư Mỹ Thạnh phần nào nắm bắt một số kỹ năng cơ bản trong việc làm du lịch. Người dân luôn niềm nở, nhiệt tình, biết đáp ứng nhu cầu để làm hài lòng du khách. Giá cả các dịch vụ cũng “phải chăng”, mỗi giờ du thuyền chỉ 150-200 ngàn đồng phù hợp với nhu cầu của các nhóm khách.

Từ đầu năm, UBND xã Quảng Lợi đã kiểm tra và nhắc nhở các nhà hàng đầu tư sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu phục vụ du khách ngày càng khắt khe. Chính quyền địa phương phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức cho các nhà hàng cam kết đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, niêm yết công khai giá cả các dịch vụ. Quá trình kiểm tra gắn với tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các chủ nhà hàng, nhân viên phục vụ không nâng giá “chặt chém” du khách.

Qua khảo sát ý kiến, hầu hết du khách đều tỏ ra hài lòng với chất lượng, giá cả các dịch vụ tại bến đò Cồn Tộc cũng như các dịch vụ du thuyền trên đầm phá Tam Giang. Có lẽ đây là một trong nhưng yếu tố “chinh phục” du khách, đến tham quan vùng sông nước Quảng Điền ngày càng đông. Tại các điểm du lịch còn được huyện hỗ trợ mua sắm thuyền và các trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn.

Mới đây, 10 bức tranh “làng bích họa Ngư Mỹ Thạnh” được các họa sỹ, tình nguyện viên của Trường đại học Nghệ thuật và Trường đại học Nông lâm - Đại học Huế vẽ trên những bức tường nhà dân tạo thêm điểm nhấn, mới lạ, độc đáo cho vùng quê du lịch Ngư Mỹ Thạnh. Từ khi các bức tranh vẽ hoàn thành đã thu hút nhiều du khách đến tham quan, thưởng thức, chụp hình lưu niệm.

Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền - Nguyễn Đình Đức nhận định, phát triển du lịch đầm phá Quảng Điền đang đi đúng hướng. Mặc dù chỉ mới đầu tư bước đầu nhưng “diện mạo” vùng du lịch đã bắt đầu hình thành rõ nét. Tại khu vực Cồn Tộc đã mọc lên nhiều nhà hàng và nhà nghỉ phục vụ nhu cầu ăn uống, lưu trú. Các dịch vụ du thuyền cùng với những người làm “hướng dẫn viên” cho du khách tham quan, trải nghiệm các nghề sông nước ngày càng chuyên nghiệp.

Theo ông Nguyễn Đình Đức, qua đánh giá, khảo sát lượng khách, cũng như doanh thu từ các dịch vụ du lịch từ đầu năm đến nay có thể tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Trong đó các nguồn thu chủ yếu là từ các dịch vụ ăn uống, du thuyền, lưu trú…

Bài, ảnh: Hoàng Triều

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khám phá, trải nghiệm dịch vụ du lịch ở Nam Đông
Khám phá, trải nghiệm dịch vụ du lịch ở Nam Đông

Trong hai ngày 25 - 26/2, Sở Du lịch phối hợp với UBND huyện Nam Đông, Hiệp hội Du lịch tỉnh, Hội Lữ hành tỉnh, Hiệp hội Du lịch và Hội Lữ hành TP. Đà Nẵng tổ chức chương trình khảo sát sản phẩm du lịch tại huyện Nam Đông.

Nông dân Quảng Điền làm giàu
Nông dân Quảng Điền làm giàu

Phong trào sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi tạo động lực cho nhiều hộ nông dân nghèo ở Quảng Điền vươn lên khá giả, làm giàu chính đáng.

Thi thể phân hủy trôi dạt vào bờ biển Quảng Điền
Thi thể phân hủy trôi dạt vào bờ biển Quảng Điền

Sáng 25/2, tin từ UBND xã Quảng Ngạn (huyện Quảng Điền) cho biết, chính quyền địa phương đang phối hợp cơ quan chức năng xác minh danh tính, thân nhân của một nạn nhân được phát hiện tử vong, trôi dạt vào bờ biển của xã trong tình trạng thi thể đã phân hủy.