Thêm chuyến bay mới, mở ra cơ hội phát triển không riêng cho ngành du lịch. Ảnh: H. HẢI
Nếu không có gì thay đổi và mọi việc hanh thông, Vietravel Airline sẽ là hãng hàng không thứ sáu của Việt Nam, sau Vietnam Airlines, Vasco, Jestar Pacific, Vietjet Airlines và Bamboo Airways. Thông tin ban đầu cho thấy, Vietravel Airlines sẽ có mức đầu tư ban đầu vào khoảng 1.000 tỷ đồng và “đại bản doanh” sẽ đặt tại Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài. Hiện, Vietravel đã và đang xúc tiến mọi hoạt động để chuyến bay đầu tiên có thể cất cánh vào ngày 1/1/2020.
Điều này cho thấy một sự bắt nhịp ở cả hai phía khi Thừa Thiên Huế đã bàn giao 44,52/45,94 ha ở giai đoạn 1 cho Cục Hàng không Việt Nam và Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) để thực hiện Dự án mở rộng Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài vào cuối tháng 4/2019. Nguồn vốn đầu tư cho dự án này được xác định vào khoảng 2.200 tỷ đồng, quy mô đón 5 triệu khách/năm (4 triệu khách nội địa và 1 triệu khách quốc tế) với 2 hợp phần chính, bao gồm mở rộng sân đỗ máy bay; xây dựng nhà ga khách T2 có quy mô diện tích hơn 16.000m2, gồm 2 cao trình, hành khách đi và đến độc lập được liên kết bởi đường tầng và các hạng mục phụ trợ: đường ra vào, sân đỗ ô tô, hệ thống chiếu sáng… Theo kế hoạch, dự án sẽ được khởi công và đưa vào khai thác trong quý IV/2020. Nâng cao năng lực phục vụ, tiệm cận với quy mô của một cảng hàng không quốc tế là điều đang được mong đợi từ dự án này. Trước hết, dự án cũng sẽ có thêm những chuyến bay mới và mở rộng đường bay nội địa hiện có của Phú Bài - một hạ tầng cần thiết để xóa điểm nghẽn trong phát triển du lịch- dịch vụ vùng Huế. Theo dự kiến, đến năm 2020, lượng khách qua cảng đạt 3 - 3,5 triệu và đến năm 2025 sẽ đạt 6,5 - 7 triệu hành khách/năm (năm 2018 mới chỉ là 1,83 triệu lượt khách).
Du khách đến Huế qua Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài. Ảnh: Đức Quang
Về phía Vietravel, việc thành lập một hãng bay mới có thể được xem là sự đầu tư táo bạo nhưng không hề mạo hiểm. Tôi còn nhớ ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Vietravel đã chia sẻ tại diễn đàn Business forum của Forber rằng, tiêu chí của Vietravel là luôn nắm vững nhu cầu thị trường, biết mong muốn của mình là gì để từ đó, tập trung vào việc tạo đột phá, nắm bắt thời cơ để đi trước. Ông Kỳ cũng cho hay, hiện 70% doanh thu của du lịch là từ dịch vụ, 30% còn lại là từ phần cứng của các công ty du lịch. Vấn đề là ở đây lại đang có sự đầu tư ngược khi rất nhiều doanh nghiệp du lịch lại đầu tư sâu vào bất động sản mà không đi vào dịch vụ. Có lẽ, từ những khoảng hẫng này, Vietravel đã xác lập “đường băng” của mình từ người dẫn đầu vốn có kỹ năng lèo lái con thuyền Vietravel vượt bão khi cứ qua mỗi cơn khủng hoảng, Vietravel lại đánh dấu mốc phát triển vượt bậc.
Đi cùng nhau là phương thức để phát triển và cùng phát triển của Vietravel. “Chúng tôi luôn phát triển theo hệ thống, kéo cả hệ thống đi cùng mình. Luôn cùng doanh nghiệp, đối tác khác bàn bạc, hiến kế để tìm ra phương thức tốt nhất để hợp tác cùng phát triển” – ông Kỳ khẳng định. Thời gian gần đây, Vietravel đã trở thành một trong những đối tác chiến lược của Thừa Thiên Huế. Ngoài hệ thống lữ hành đã có, trong hai năm gần đây, Vietravel đã tham gia hỗ trợ các sự kiện lớn của tỉnh, tư vấn các hoạt động của phố đi bộ về đêm, theo tuyến Chu Văn An - Phạm Ngũ Lão - Võ Thị Sáu; khánh thành công trình chiếu sáng mỹ thuật “Thắp sáng Kỳ đài Huế”…
Có vẻ như, với cách chọn và đi cùng Huế, Vietravel và không chỉ Vietravel kỳ vọng sẽ tạo nên (một và những) dấu cộng để xác lập hiệu quả từ những chuyến bay mới, đường bay mới từ tiềm năng mà hai bên đang có.
MINH HÀ