Thứ Ba, 27/12/2016 14:15

Chủ động hợp tác để nâng cao chất lượng đào tạo

Thông qua các chương trình hợp tác quốc tế, Trường đại học (ĐH) Kinh tế, ĐH Huế đã xây dựng, bồi dưỡng năng lực giảng dạy và nghiên cứu của đội ngũ cán bộ giảng viên, nâng cao chất lượng đào tạo, cải thiện cơ sở vật chất.

Nâng vị thế Đại học Huế thông qua hợp tác quốc tế

PGS.TS Trần Văn Hòa - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, ĐH Huế và GS. Yang Wu-Hsun – ĐH Chi Nan cùng ký kết thỏa thuận hợp tác. Ảnh: Trường ĐH Kinh tế, ĐH Huế cung cấp

Đặng Thị Thanh Thương, lớp K48 chuyên ngành Kinh tế và Quản lý tài nguyên môi trường (niên khóa 2014 - 2018), Trường ĐH Kinh tế, ĐH Huế được tham gia nhiều chương trình hợp tác quốc tế thông qua thực tập, thực tế, trao đổi sinh viên tại Mỹ, Philippines, Thái Lan. “Cơ hội được tham gia các chương trình quốc tế đã giúp em tự tin hơn rất nhiều trong giao tiếp. Các chương trình giao lưu, hợp tác quốc tế cho  em mở mang kiến thức bổ ích về vấn đề kinh tế, chính trị, văn hóa cũng như các vấn đề thời sự hiện nay và giúp em có thêm nhiều kinh nghiệm, trải nghiệm mới, được thử sức với các hoạt động mang tính quốc tế" - Thương bày tỏ.

Hợp tác quốc tế là vấn đề được lưu tâm nhằm nâng cao chất lượng đào tạo tại Trường ĐH Kinh tế, ĐH Huế và hiện trường có mối quan hệ hợp tác với hơn 40 trường ĐH, viện nghiên cứu và tổ chức quốc tế. Trường đã và đang triển khai các chương trình hợp tác đào tạo, như: Chương trình đào tạo đồng cấp bằng trình độ đại học ngành tài chính ngân hàng, liên kết với Đại học Rennes 1, Cộng hòa Pháp, từ năm 2007 đến nay; Chương trình tiên tiến đào tạo cử nhân song ngành kinh tế nông nghiệp – tài chính, liên kết với Đại học Sydney, Úc, từ năm 2010 đến nay; Chương trình liên kết đào tạo quốc tế cử nhân ngành quản trị kinh doanh, liên kết với Viện Công nghệ Tallaght, Ailen, từ năm 2016 đến nay. Nhiều cán bộ giảng viên của trường là thành viên của các mạng lưới quốc tế.

Hoạt động hợp tác quốc tế còn mở ra nhiều cơ hội cho sinh viên tiếp cận thị trường giáo dục, thị trường lao động (như Thái Lan, Hàn Quốc, Đài Loan, Bungari…) thông qua các chương trình trao đổi ngắn hạn. Qua đó, xây dựng môi trường văn hóa, giáo dục quốc tế. Nhiều sinh viên của trường đã tham gia học thạc sĩ, tiến sĩ hay tham gia thị trường lao động nước ngoài. Qua khảo sát, tỷ lệ sinh viên có việc làm ngay trong năm thứ nhất sau khi tốt nghiệp đạt từ 81 – 90%.

Là một “sản phẩm” của chương trình hợp tác quốc tế, PGS. TS. Trương Tấn Quân, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, ĐH Huế từng có cơ hội được học chuyên ngành kinh tế nông nghiệp bậc thạc sĩ ở Úc và tiếp tục học tiến sĩ tại New Zealand, cho hay: “Mục tiêu chung của nhà trường là nâng cao chất lượng đào tạo, hội nhập được với thị trường lao động trong nước và quốc tế. Hoạt động hợp tác quốc tế được coi là phương tiện, công cụ và là định hướng của nhà trường nhằm bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ giảng viên chất lượng cao”.

Đến nay, có khoảng 50% giảng viên của trường được đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ và chứng chỉ ở các khóa đào tạo ngắn hạn tại nước ngoài. Thông qua hợp tác quốc tế, trường có thể “nhập khẩu” hoặc cải tiến, chuyển đổi chương trình đào tạo phù hợp hơn; đồng thời, hình thành nhiều dự án, nghiên cứu khoa học, cơ hội trao đổi chuyên môn, học thuật, nghiên cứu với các giáo sư nước ngoài.

PGS. TS. Trương Tấn Quân chia sẻ, ở giai đoạn trước, khi có nhiều cơ hội tiếp cận hợp tác quốc tế thì năng lực cán bộ giảng viên nhà trường còn hạn chế. Hiện nay, khi đội ngũ cán bộ giảng viên đã đủ năng lực tiếp nhận thì các nguồn tài trợ đã giảm. Vậy nên, nhà trường chuyển hướng từ thụ động sang chủ động tìm đối tác. Những cán bộ của trường không chỉ được đào tạo mà còn thiết lập những mối quan hệ với đối tác nước ngoài. Chính những mối quan hệ cá nhân đó đã phát triển thành mối quan hệ chính thức giữa trường và các đơn vị giáo dục quốc tế.

Phước Ly

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giải quyết khó khăn, thách thức để phát triển Đại học Huế
Giải quyết khó khăn, thách thức để phát triển Đại học Huế

Chiều 17/2, Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội do ông Nguyễn Đắc Vinh, UVTW Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Đại học (ĐH) Huế về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục, đào tạo. Cùng tham dự buổi làm việc có ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.

Từ sợ đến đam mê công nghệ thông tin
Từ sợ đến đam mê công nghệ thông tin

Đó là câu chuyện của Lê Ngọc Hoàng, 22 tuổi, hiện là sinh viên khóa 43 ngành Công nghệ Thông tin Trường đại học Khoa học, Đại học Huế. Hoàng còn được biết đến là một sinh viên giỏi với nhiều thành tích đáng nể.

Xét tuyển đại học hệ chính quy ngành thứ 2 năm 2023
Xét tuyển đại học hệ chính quy ngành thứ 2 năm 2023

Chiều 15/2, Trường đại học (ĐH) Kinh tế, ĐH Huế cho biết, đã có thông báo xét tuyển ĐH hệ chính quy ngành thứ 2 năm 2023 dành cho sinh viên ĐH hệ chính quy đã hoàn thành năm thứ nhất trở lên tại các trường ĐH thành viên, các khoa trực thuộc của ĐH Huế.