Thứ Hai, 20/02/2017 06:00

Thanh trà mất mùa, người trồng thất thu

Thời điểm này đang bắt đầu vụ thu hoạch thanh trà, song tại các vùng chuyên canh trồng loại cây này, sản lượng lẫn chất lượng giảm hẳn so với mọi năm.

Phong Điền: Thanh trà mất mùa do nắng nóng“Giải hạn” cho cây thanh trà

Thanh trà ở Phong Điền được bọc trong túi tránh ánh nắng mặt trời

Thu nhập sụt giảm

Phường Thủy Biều (TP. Huế) có hơn 145 ha thanh trà nổi tiếng không chỉ ở Thừa Thiên Huế mà còn cả nước. Thanh trà Thủy Biều ngoài mang lại thu nhập cho người dân còn góp phần thu hút khách du lịch. Khác với mọi năm, thanh trà Thủy Biều vụ này mất mùa, trái nhỏ, thưa thớt và chất lượng thấp.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Hảo (tổ dân phố 15, phường Thủy Biều) trồng hơn 30 gốc thanh trà, những năm trước mang lại thu nhập gần 60 triệu đồng/năm. Song, năm nay, thanh trà phát triển kém và sản lượng rất thấp.

Ông Hoàng Trọng Di, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Thủy Biều cho biết: “Chất lượng trái thanh trà Thủy Biều vụ này khá thấp, sản lượng giảm sâu so với mọi năm. Ngoài ra, một số diện tích thanh trà chết rải rác. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nắng nóng kéo dài, một số chủ vườn phản ứng chậm nên bị thiệt hại. Mặc dù chúng tôi cũng khuyến cáo người trồng bổ sung nguồn nước và các biện pháp canh tác nhưng tình trạng mất mùa cũng xảy ra”.

Huyện Phong Điền có gần 300 ha thanh trà. Nắng nóng kéo dài khiến tỷ lệ đậu quả ở mức thấp. Xã Phong Thu là địa phương có diện tích thanh trà chiếm gần một nửa huyện Phong Điền. Năm 2018, loại cây này cho thu nhập gần 15 tỷ đồng.

“Tại địa phương, cây thanh trà mang lại thu nhập cho hơn 100 hộ dân. Tuy nhiên, thanh trà năm nay mất mùa, sản lượng tại địa phương giảm khoảng 30%, người trồng thất thu”, ông Nguyễn Bá Nam, Chủ tịch UBND xã Phong Thu nói.

Tiếp tục chăm sóc

Toàn tỉnh hiện có hơn 800 ha thanh trà, trong đó có nhiều vùng chuyên canh cây thanh trà lớn ở TP. Huế, TX. Hương Trà và huyện Phong Điền. Loại cây này trở thành đặc sản của địa phương, mang lại thu nhập cao cho người dân. Hiện nay, mặc dù đã vào vụ thu hoạch nhưng thanh trà chậm lớn nên nhiều chủ vườn vẫn phải chờ.

Ông Hồ Đắc Thọ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh thừa nhận, đây là vụ mùa không đạt hiệu quả như mong muốn, sản lượng thanh trà thấp hơn nhiều so với những năm trước. Ông Thọ cho rằng, trước diễn biến phức tạp của thời tiết, người trồng thanh trà cần có sự đầu tư về hệ thống tưới tiêu cũng như áp dụng những biện pháp chăm sóc cây phù hợp trong mùa nắng nóng.

“Dù đang vào vụ thu hoạch nhưng vẫn còn nhiều diện tích trái chưa đủ tiêu chuẩn để thu hoạch. Do vậy, người trồng cần tăng cường chăm sóc, bổ sung nguồn nước để trái phát triển, đáp ứng được chất lượng, cải thiện thu nhập trong bối cảnh thanh trà đang mất mùa”, ông Thọ nói.

Hiện nay, để thanh trà trở thành cây có giá trị cao, UBND tỉnh đang khuyến khích các hoạt động nghiên cứu khoa học; tập huấn chuyển giao vào sản xuất các quy trình canh tác tiên tiến, quy trình quản lý dịch hại, quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), công nghệ tưới phun, tưới nhỏ giọt..., công nghệ xử lý, bảo quản, chế biến sau thu hoạch; thay thế dần các giống cũ bằng các giống mới, cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Tạo điều kiện cho hộ gia đình phát triển mở rộng diện tích sản xuất theo tiêu chí cánh đồng lớn. Khuyến khích phát triển liên kết hộ nông dân với các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức khoa học…

Theo kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu thanh trà đến năm 2025 của UBND tỉnh, diện tích vùng nguyên liệu sẽ mở rộng diện tích trồng mới thanh trà khoảng 116 ha. Phấn đấu đến năm 2020 ổn định diện tích vùng nguyên liệu đạt 942 ha, trong đó diện tích cho sản phẩm khoảng 643 ha, năng suất trái đạt 17-18 tấn/ha, sản lượng ước đạt khoảng 10.900 - 11.500 tấn quả/năm. Xây dựng mô hình thâm canh, cải tạo vườn cây già cỗi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả.

Bài, ảnh: L.Thọ

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Nâng tầm” trái thanh trà
“Nâng tầm” trái thanh trà

Dù được công nhận là một trong 50 loại đặc sản quả nổi tiếng ở Việt Nam, thanh trà là cây trồng không những mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông hộ mà còn là biểu trưng của ẩm thực Cố đô Huế. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ trái thành trà còn khép kín, chủ yếu bán ở dạng tươi cho thương lái.