Thứ Ba, 21/02/2017 05:45

Hỗ trợ phụ nữ vùng biên ổn định cuộc sống

Giúp phụ nữ vùng biên giới phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, góp phần bảo vệ và phát triển vùng biên cương được Hội Liên Hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đưa vào nhiệm vụ trọng tâm của hội từ hai năm nay.

Nhiều hoạt động đồng hành cùng phụ nữ biên cươngĐong đầy yêu thương

Hỗ trợ dê giống giúp phụ nữ các xã biên giới phát triển kinh tế

Đồng hành

Đầu tháng 8 năm nay, chuỗi hoạt động trao “Mái ấm tình thương”, trao sinh kế, tặng nhu yếu phẩm… cho phụ nữ khó khăn ở 3 xã biên giới Hương Nguyên, Hồng Vân và Hồng Thái (huyện A Lưới) và chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” được Hội LHPN tỉnh phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức.

Chị Hồ Thị Nhược ở thôn A Rý, xã Hương Nguyên đã có kế hoạch sử dụng "cần câu" trước khi được trao. Chị chủ động vào rừng lấy tre nứa về làm chuồng cho dê ở. Kiến thức chăm sóc dê đã được cán bộ tập huấn. “Trước đây, được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò, tôi vay vốn mua một con bò giống, qua 6 năm chăm sóc đã tăng thêm được 5 con. Chồng bị bệnh, không làm được việc nặng nhưng gia đình tôi vẫn vươn từ nghèo lên hộ cận nghèo. Nay được hỗ trợ thêm dê giống, tôi sẽ áp dụng kỹ thuật được tập huấn và đặt mục tiêu cho bản thân là vươn lên thoát nghèo”, chị Nhược tự tin.

Niềm tin thoát nghèo với chị Hồ Thị Kiều ở thôn Kêr, xã Hồng Vân là khi chị được chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” hỗ trợ “Mái ấm tình thương”.

Gia đình chị Kiều thuộc hộ nghèo. Từ lâu, 5 thành viên trong gia đình ở trong ngôi nhà tạm bợ. "Được hỗ trợ 30 triệu đồng, tôi sẽ vay mượn thêm và nhờ giúp đỡ ngày công của bà con lối xóm để xây dựng ngôi nhà kiên cố trước mùa mưa bão năm nay", chị Kiều trải lòng.

Là một trong 80 hội viên khó khăn được tặng quà tại ngày hội, chị Mai Thị Lá ở xã Hồng Thái bày tỏ: “Tôi rất biết ơn trước tình cảm của các cấp hội, của người dân miền xuôi dành cho chị em vùng biên giới chúng tôi. Tình cảm này là động lực, là sức mạnh để chúng tôi yên tâm bám đất, giữ rừng”.

Đồng hành cùng phụ nữ biên cương, chị Nguyễn Thị Hồng Loan, Giám đốc khối kinh doanh, Công ty cổ phần Thương mại dược phẩm Mạnh Tý- Việt Mỹ chia sẻ: “Tham gia lần này, công ty tặng 80 suất quà với tổng trị giá 20 triệu đồng cho người dân các xã biên giới. Chứng kiến niềm vui của các chị khi nhận quà chúng tôi rất vui. Chúng tôi sẽ phối hợp với các y, bác sĩ để cấp phát thuốc miễn phí cho người dân”.

Ông Trịnh Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Nguyên cho biết: “Được Hội LHPN tỉnh đồng hành hỗ trợ cho cán bộ, hội viên, phụ nữ xã nhà, chúng tôi rất phấn khởi. Chúng tôi đã chỉ đạo Hội LHPN xã tích cực vận động hội viên, phụ nữ tranh thủ sự đồng hành giúp đỡ này để vươn lên trong cuộc sống, góp phần cùng chính quyền giảm tỷ lệ hộ nghèo một cách bền vững”.

Hướng đến tính bền vững

Sau 2 năm, chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đã trao 7 "Mái ấm tình thương", tặng 300 suất quà với tổng trị giá 500 triệu đồng; trao sinh kế cho hàng chục hộ gia đình hội viên, phụ nữ; tổ chức hàng chục lớp trang bị kỹ năng cho phụ nữ và trẻ em vùng biên giới… 

Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" được Hội LHPN tỉnh đưa vào nhiệm vụ trọng tâm từ 2 năm nay.

Để có những hoạt động thiết thực, hàng năm, công tác vận động cán bộ, hội viên ủng hộ, đồng hành cùng phụ nữ biên cương được Hội LHPN tỉnh đưa vào chỉ tiêu thi đua. Hội LHPN tỉnh đã phát động tới toàn thể cán bộ, hội viên, phụ nữ nhắn tin ủng hộ phụ nữ, trẻ em vùng biên cương; tích cực kết nối và kêu gọi các doanh nghiệp trong, ngoại tỉnh; tranh thủ khai thác các dự án để tạo nguồn lực cho chương trình.

Theo chị Trần Thị Kim Loan, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, các hoạt động hỗ trợ và đồng hành của chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” bám sát vào nhu cầu hội viên, phụ nữ các xã biên giới. Để đảm bảo tính bền vững của chương trình, công tác hỗ trợ hội viên, phụ nữ biên giới khó khăn được thực hiện theo hướng trao “cần câu” và hướng dẫn cách “câu” hiệu quả để họ tự phát huy nội lực, chủ động tích cực vượt khó. Bên cạnh hỗ trợ vật chất, hội còn tổ chức tuyên truyền bổ sung kiến thức, hướng dẫn kỹ năng cho phụ nữ phương pháp hoạch định kinh tế chi tiêu trong gia đình, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc... “Mục tiêu đến năm 2020 khi chương trình kết thúc, toàn bộ cán bộ, hội viên, phụ nữ ở 3 xã được giúp đỡ phải có sự thay đổi tích cực về mọi mặt, góp phần rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa miền núi và miền xuôi, giữa vùng biên cương và đồng bằng, chung sức giữ gìn, bảo vệ và phát triển vùng biên cương của Tổ quốc”, chị Loan khẳng định.

Ngoài những hoạt động trên, Hội LHPN tỉnh còn tổ chức nhiều đợt thăm, tặng quà cho cán bộ, hội viên phụ nữ và người dân các xã biên giới huyện A Lưới; đảm nhận xây dựng tuyến đường hoa… Đồng thời, phối hợp với Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền về biên giới, biển đảo; pháp luật về phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội; phòng, chống tệ nạn buôn bán người cho cán bộ, hội viên, phụ nữ các xã biên giới.

Bài, ảnh: Hải Thuận

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cải thiện cuộc sống cho người khuyết tật
Cải thiện cuộc sống cho người khuyết tật

Không chỉ cung cấp các dịch vụ y tế chất lượng, các hoạt động của dự án CBM (Community – Based Rehabilitation) giúp người khuyết tật tự tin hòa nhập cuộc sống.

Nhân rộng mô hình phụ nữ khởi nghiệp
Nhân rộng mô hình phụ nữ khởi nghiệp

Gắn với thực hiện Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các cấp hội phụ nữ ở TP. Huế đã và đang nhân rộng mô hình phụ nữ khởi nghiệp.

Không để ai bị bỏ lại phía sau
Không để ai bị bỏ lại phía sau

Bằng những việc làm mang lại hiệu quả thiết thực, các cấp hội phụ nữ Thừa Thiên Huế hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Áo dài lan tỏa giữa cuộc sống thường nhật
Áo dài lan tỏa giữa cuộc sống thường nhật

Áo dài đã trở thành hình ảnh quen thuộc trong đời sống con người xứ Huế từ xưa cho đến nay. Và hình ảnh ấy đang ngày được lan tỏa trong đời sống đương đại. Có thể bắt gặp hình ảnh áo dài từ những lễ hội lớn nhỏ, cho đến các buổi gặp mặt giao lưu, hay những khoảnh khắc đời thường ở các phiên chợ, rồi được du khách đón nhận theo kiểu “nhập gia tùy tục”…