Chủ Nhật, 26/03/2017 14:00

Làm được, nếu có giải pháp đồng bộ

Các doanh nghiệp du lịch cho rằng, nếu các tuyến phố quanh Đại Nội, gồm 23 Tháng 8, Đoàn Thị Điểm, Đặng Thái Thân và Lê Huân trở nên lung linh, có nhiều dịch vụ mới, thì đây chính là điểm nhấn rất lớn, tạo sức hút cho Huế, nhất là vào ban đêm.

Cơ hội cho các điểm đếnHuế chưa đủ sáng về đêm

Cửa Hiển Nhơn được sáng đèn vào ban đêm, nhưng xung quanh lại rất tối

Chuyện cũ nhưng luôn mới

Vấn đề “sáng đèn” và hình thành các dịch vụ du lịch quanh các tuyến phố khu vực Đại Nội không chỉ mới được nhắc đến gần đây, mà đã nhiều năm qua. Tại nhiều hội nghị, diễn đàn du lịch được tổ chức về phát triển sản phẩm du lịch Huế, ít nhiều có bàn đến ý tưởng, cũng như đóng góp các giải pháp để cụ thể hóa, biến không gian này trở thành sản phẩm du lịch mới cho Huế.

Tại hội nghị tổng kết ngành du lịch năm 2018 và định hướng 2019, lãnh đạo tỉnh cũng đã định hướng, yêu cầu ngành du lịch sớm có những kế hoạch để hình thành sản phẩm tại khu vực quanh Đại Nội theo định hướng “mỗi năm, một sản phẩm”. Tuy nhiên hiện tại, ý tưởng vẫn chỉ là ý tưởng. Gần đây, hệ thống đèn chiếu sáng quanh Đại Nội, nơi mà người dân hay đi bộ thể dục vào ban đêm cũng ít hoạt động, nhiều khu vực đèn không sáng khiến khu vực quanh Đại Nội đã tối nay càng tối hơn.

Mới đây, đoàn gồm các doanh nghiệp du lịch, công nghệ đến Huế tham dự diễn đàn du lịch Huế 2019 và có chuyến khảo sát, trải nghiệm dịch vụ mới ở Đông Khuyết Đài, bên trong Đại Nội. Sau khi đoàn kết thúc trải nghiệm và tiến ra cửa Hiển Nhơn, khá nhiều thành viên trong đoàn, nhất là doanh nghiệp du lịch tỏ ra khá hụt hẫng vì không gian quá tĩnh lặng, bóng tối gần như bao trùm, tiếc cho Huế khi không khai thác được lợi thế.

Đường Đoàn Thị Điểm chỉ mới khai thác du lịch vào ban ngày

Ông Vũ Văn Chương, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Tự hào Việt Nam - Huế cho rằng, phải có những so sánh để thấy Huế chưa thể biến các tài nguyên du lịch thành lợi thế. Chẳng hạn như Hội An và Huế là hai thành phố nổi tiếng về di sản và văn hóa. Xét về quy mô và giá trị, Huế được đánh giá vượt xa Hội An. Ở Hội An, vào ban ngày không có gì nổi bật, nhưng khi phố lên đèn, Hội An như khoác lên một tấm áo sặc sỡ, nhiều sắc màu chỉ với đèn lồng và ánh điện. Các dịch vụ cũng bắt đầu tấp nập khi phố về đêm. Còn với Huế, cảm giác khi vào khu vực quanh Đại Nội, “trung tâm” của di sản và văn hóa vẫn đang còn chìm trong “giấc ngủ”.

Ai từng đến Huế đều khẳng định Huế đẹp, không nơi nào sánh bằng, nhưng vào ban đêm Huế thiếu những sắc màu lung linh, huyền ảo. Hội Lữ hành tỉnh nhìn nhận, nếu những sản phẩm về đêm ở Huế không sớm vận động phát triển thêm, dù khách vẫn sẽ tăng, nhưng tỷ lệ lưu lại qua đêm sẽ ít dần.

Không để lãng phí tài nguyên

Nếu nói về ý tưởng, không hề thiếu đối với khu vực quanh Đại Nội. “Sáng đèn” là điều đầu tiên cần phải làm nếu muốn đưa khách vào đây. Tại các tuyến đường 23 Tháng 8, Đoàn Thị Điểm, Đặng Thái Thân và Lê Huân cần trang trí hệ thống đèn lồng theo phong cách đặc trưng hay được trang trí trong các dịp Festival Huế và Festival Nghề truyền thống. Ở bốn bức tường quanh Đại Nội, lắp đặt thêm hệ thống đèn phản chiếu từ dưới đất lên để thấy được nét cổ kính của di tích.

Về dịch vụ, tại đây sẽ là “trung tâm” của các mặt hàng đặc sản, quà lưu niệm mà Huế đang có, là các không gian ẩm thực đặc trưng… Tất nhiên, các dịch vụ phải quy củ, chỉn chu, sang trọng và bố trí phù hợp. Tại những quỹ đất còn trống do Nhà nước quản lý, cần xã hội hóa, cho doanh nghiệp thuê và khai thác. Với các hộ gia đình, cần có một chiến lược để vận động người dân chuyển dịch sang kinh doanh du lịch. Nhà nước sẽ hỗ trợ tập huấn kỹ năng phục vụ khách, cơ chế về miễn giảm thuế trong một thời gian mới hoạt động. Chỉ khi người dân cùng tham gia, có nguồn lợi mới bảo tồn, gìn giữ truyền thống và phát triển lâu dài.

Khi ánh đèn được bật lên, khu vực quanh Đại Nội bắt buộc phải cấm xe máy và ô tô. Theo lãnh đạo ngành du lịch, đây được xem là “bài toán” khó về giao thông đô thị, khi sự phát triển ngày càng lớn, mật độ giao thông càng đông đúc hơn. Tuy nhiên, nếu quyết tâm và có giải pháp đồng bộ Huế vẫn làm được. Cấm xe cơ giới từ khoảng 18h hàng ngày đến nửa đêm. Nếu sức tải của các cửa vào Thành nội không đủ, có thể vẫn để xe vào hai cửa Ngăn và Quảng Đức, nhưng sẽ làm con đường mới, sát ở cửa và bắt buộc rẽ phải và trái, sang hai bên chứ không vào đường 23 Tháng 8. Nếu có một kịch bản phù hợp và hướng đến phát triển chung của thành phố, việc tìm được sự đồng tình của người dân là điều có thể.

Ông Vũ Văn Chương góp ý, tại các tuyến phố khi đã hình thành các dịch vụ, vì không gian khá lớn nên có thể khai thác dịch vụ xích lô và xe đạp. Các dịch vụ này phải đưa vào một đầu mối và có chung một mẫu mã xe đồng bộ, bài bản. Tại con kênh chạy theo quanh Đại Nội cũng cần được làm sạch, chỉnh trang và đưa vào khai thác dịch vụ chèo thuyền trên con kênh này. Sau đó, tiến tới hình thành những điểm diễn xướng nghệ thuật. Đó chắc chắn cũng là một dịch vụ hấp dẫn.

Bài, ảnh: Đức Quang

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khám phá, trải nghiệm dịch vụ du lịch ở Nam Đông
Khám phá, trải nghiệm dịch vụ du lịch ở Nam Đông

Trong hai ngày 25 - 26/2, Sở Du lịch phối hợp với UBND huyện Nam Đông, Hiệp hội Du lịch tỉnh, Hội Lữ hành tỉnh, Hiệp hội Du lịch và Hội Lữ hành TP. Đà Nẵng tổ chức chương trình khảo sát sản phẩm du lịch tại huyện Nam Đông.

Khách châu Á ​​kỳ vọng thúc đẩy du lịch Thụy Sĩ trong năm 2023
Khách châu Á ​​kỳ vọng thúc đẩy du lịch Thụy Sĩ trong năm 2023

Cơ quan Du lịch Thụy Sĩ (Switzerland Tourism) ngày 23/2 cho hay, khách du lịch châu Á được kỳ vọng sẽ hỗ trợ sự phục hồi của ngành du lịch Thụy Sĩ trong năm 2023, sau khi khách du lịch Mỹ đã đưa ngành này thoát khỏi tình trạng ảm đạm do đại dịch hồi năm ngoái.

Điểm đến phải hấp dẫn
Điểm đến phải hấp dẫn

Không còn lâu nữa, nhà ga T2, Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài sẽ đưa vào khai thác. Đây là thời điểm cần chủ động các giải pháp để kết nối, đưa khách đến trong thời gian đến.