Thứ Tư, 26/04/2017 13:15

Ma Nê hồi sinh sau lũ

Mỗi mùa lũ lụt đi qua, thôn Ma Nê - vùng thấp trũng nhất thuộc xã Phong Chương (Phong Điền) đều chịu thiệt hại nặng nề; đặc biệt trong cơn Đại hồng thủy năm 1999, Ma nê gần như "trắng tay"...

Dấu ấn công trình “chống lũ”Hai mươi năm sau cơn lũ lịch sử...

Đường thôn Ma Nê đã được bê tông hóa 100%, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong đi lại

Ông Trần Văn Có, trú tại thôn Ma Nê nhớ lại: Khoảng chiều tối ngày 1/11/1999, nước bắt đầu vào sân nhà ông. Quen với lũ nên ông không lo lắng nhiều và cứ ung dung chất hàng hóa, gạo lên cao. Tuy nhiên, nước lên rất nhanh, kê đến đâu nước lên theo đến đó.

Khoảng 4h sáng ngày 2/11, nước đã lên gần như ngập cả căn nhà. Ông cùng vợ là bà Phạm Thị Khóa chỉ kịp leo lên thuyền nhà có sẵn và chui vào bụi tre để trú, không kịp mang theo tài sản gì. Gió to, lũ lớn và cộng với mưa, nên ông và vợ chỉ biết ngồi trên thuyền và cầu trời phật.

Đến sáng, có thuyền máy của nhà thông gia - ông Trần Văn Bác, Đội trưởng đội sản xuất thôn Ma Nê (thời điểm đó) đến đón vợ ông về Điền Hương trú ẩn. Ông tiếp tục bám trụ để chuẩn bị chăm lo cho các hộ còn lại trong thôn.

Ông Trần Văn Bác, nay là Bí thư Chi bộ thôn Ma Nê nhớ lại, thời kỳ đó không có phương tiện thông tin liên lạc như bây giờ để kêu cứu. Ma Nê ngập sâu trong biển nước trong 3 ngày đầu mưa to, gió lớn và đến 8 ngày sau nước mới rút. Cũng may, nhà thông gia biết được tình hình và đưa thuyền máy qua chở người về Điền Hương trú lũ trên các độn cát, nhà cao tầng. Nếu không, chắc chắn nhiều người dân thôn Ma Nê đã mất mạng vì lũ.

Theo lời kể của người dân, khi nước rút, toàn thôn chỉ còn trơ trọi hơn 10 ngôi nhà. 43 ngôi nhà của người dân cùng tài sản gom góp bao nhiêu năm theo lũ cuốn ra biển. Ruộng vườn, đường sá bị xóa sạch; 57 hộ dân với gần 1.500 nhân khẩu trắng tay sau lũ.

Nghề gia công lưới đảm bảo công việc thường xuyên cho 30 phụ nữ thôn Ma Nê

Sau đó, nhờ sự kêu gọi, vận động của các cấp chính quyền, Tổ chức CRS đã hỗ trợ 43 hộ dân Ma Nê 43 căn nhà và 1 ngôi trường 2 tầng 6 phòng học, vừa để con em trong thôn được đi học, vừa là nơi tránh lũ cho người dân; đồng thời hỗ trợ người dân con đường đất từ thôn Phú Lộc đến thôn Ma Nê cùng hệ thống điện. Trong một năm sau lũ, người dân Ma Nê vẫn phải được Nhà nước hỗ trợ gạo ăn để dần ổn định cuộc sống.

Trước lũ năm 1999, Ma Nê chủ yếu sống bằng nghề độc canh cây lúa và chỉ làm được lúa 1 vụ do thấp trũng. Sau lũ, điện, nước được đưa về thôn Ma Nê. Đê Tây sông Ô Lâu bằng đất và 2 máy tiêu úng cũng được đầu tư xây dựng. Nhờ đó, Ma Nê đã làm được lúa 2 vụ.

Đến Ma Nê ngày nay, chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay rất rõ của vùng quê này. Đường làng, ngõ xóm đều được bê tông, thuận tiện cho người dân đi lại. Hiện, toàn thôn có 68 hộ với 158 khẩu. Ma Nê không còn độc canh cây lúa mà người dân còn làm nghề đan lưới, trồng sen, nuôi cá, chăn nuôi trâu, bò, heo, gia cầm…

Ông Trần Văn Bác, Bí thư chi bộ thôn Ma Nê cho biết, từ chỗ chỉ có 1 vụ lúa với năng suất khoảng 1,8 tạ/ha, đến nay Ma Nê đã có 2 vụ lúa, năng suất bình quân 65 tạ/ha. Đàn bò, trâu và dê phát triển lên gần 100 con, cùng với phát triển đàn heo, gia cầm trên 1.500 con.

Ma Nê đã đưa vào sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng VietGAP với diện tích 40/64ha; đồng thời chuyển đổi những diện tích lúa năng suất thấp sang trồng sen kết hợp nuôi cá cho thu nhập khá. Năm 2019, thôn đã triển khai bê tông hóa 2 đoạn đường còn lại với chiều dài 600m, tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng, đưa 100% đường ngõ, xóm của Ma Nê đã được bê tông hóa.

Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của thôn Ma Nê khoảng 30 triệu đồng/năm. 98% hộ có nhà ở kiên cố và bán kiên cố; 100% hộ dân được sử dụng điện, nước sạch, có phương tiện nghe nhìn, thông tin liên lạc, 70% hộ có xe máy. Trẻ em đến độ tuổi đi học được đến trường, không có học sinh bỏ học giữa chừng. Tỷ lệ trẻ em tốt nghiệp bậc TH, THCS 3 năm qua đạt 100%. Từ 20 hộ nghèo năm 1999 nay giảm xuống còn 7 hộ là những hộ già cả, tàn tật...

Ông Lê Viết Phước, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phong Chương khẳng định: Thôn Ma Nê ngày nay đã phát triển về mọi mặt. Các thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng, như: sân bóng đá, bóng chuyền, nhà văn hóa cộng đồng... Hệ thống chính trị được củng cố, từ 3 đảng viên khi mới tách chi bộ, đến nay Ma Nê có 7 đảng viên đều là trưởng các ban, ngành, đoàn thể.

Từ một thôn nghèo nhất của xã, đến nay, Ma Nê đã là thôn khá của Phong Chương, góp phần chung tay cùng xã trong việc xây dựng nông thôn mới.

Bài, ảnh: HẢI HUẾ

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Om ngự hồi sinh
Om ngự hồi sinh

“Ngọc oa ngự dụng” xưa đang dần được hồi sinh và hòa vào nhịp sống hiện đại để hội nhập và phát triển.

Hồi sinh trên mảnh đất “da cam”
Hồi sinh trên mảnh đất “da cam”

Thống kê toàn huyện A Lưới hiện có gần 5.000 người bị nhiễm chất độc hóa học, tác động của nó đã đến thế hệ thứ 3 và thứ 4; trong đó sân bay A So là vùng đất có nhiều nhất những mất mát, đau thương.

Du lịch Châu Á Những điểm sáng về sự hồi sinh
Du lịch Châu Á: Những điểm sáng về sự hồi sinh

Du lịch ở châu Á - Thái Bình Dương dù vẫn chưa phục hồi hoàn toàn, nhưng cũng đã có một vài “mầm xanh” cho thấy sự hồi sinh của “ngành công nghiệp không khói” này. Thực tế, sự phục hồi chậm của ngành du lịch có thể gây những tác động lâu dài, như đóng cửa kinh doanh và trì hoãn đầu tư vào cơ sở hạ tầng vật chất, cũng như có nguy cơ làm mất giá và cản trở đầu tư vào nguồn nhân lực trong ngành.