Chủ Nhật, 21/05/2017 15:03

Vận hội mới của Huế

Tại buổi làm việc của Bộ Chính trị, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Bộ Chính trị đã có buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 48-KL/TW (gọi tắt là KL 48), ngày 25/5/2009 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020, tập thể Bộ Chính trị thống nhất việc sớm ban hành một nghị quyết mới cho tỉnh Thừa Thiên Huế, trong đó có nhiều ý kiến cần thiết xây dựng cho Thừa Thiên Huế một bộ tiêu chí riêng có để xây dựng đô thị di sản, cảnh quan thiên nhiên. Đây là vận hội mới của Huế.

Thống nhất ban hành nghị quyết về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế theo cơ chế, chính sách đặc thù

Di sản, cảnh quan được xác định là thế mạnh đặc thù của Huế. Ảnh: THANH TOÀN

Sau 10 năm, từ Kết luận (KL 48) đến việc thống nhất ban hành một nghị quyết riêng cho Thừa Thiên Huế có thể hiểu là một quyết tâm của Bộ Chính trị, tạo cho Thừa Thiên Huế một cơ chế đặc biệt để phát triển. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh đến điều này bằng những đánh giá hết sức cụ thể: Nói đến Huế là nói đến Cố đô, vùng đất rất đặc thù. Con người sâu lắng, trầm tư, ít ồn ào, từ giọng nói đến tính cách; là Thừa Thiên Huế có những nét rất riêng biệt, rất khác so với nhiều địa phương khác trong cả nước về những giá trị di sản văn hóa;…

Ở đây, ngoài những đánh giá cao về những giá trị vốn có, khác biệt của Thừa Thiên Huế; những nỗ lực thực hiện KL 48 của Bộ Chính trị của Thừa Thiên Huế và các ban ngành Trung ương liên quan…, chúng ta bắt gặp một khái niệm mới được nêu ra, đó là: “thành phố di sản”.

Huế, cố nhiên là một nơi có nhiều di sản vào bậc nhất của Việt Nam. Nhiều người, đặc biệt là những nhà lãnh đạo, các chuyên gia văn hóa, những nhà quản lý… đặt rất nhiều mong muốn đối với một thành phố có quá nhiều di sản và nét đặc thù. Vì thế, đều có chung một ý hướng về việc Huế phải được nâng lên một tầm cao hơn, không gian mở ra rộng hơn – thành phố di sản.

Du khách tham quan lăng Khải Định thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế. Ảnh: PN

Thành phố di sản hay đô thị di sản là một khái niệm mới, tức là nó chưa có tiền lệ. Rồi đây những nhà lập chính sách sẽ nghiên cứu, ban hành một hành lang pháp lý và cơ chế chính sách cho Huế. Đây sẽ là một cơ chế đặc thù riêng có với một vùng đất đặc biệt.

Khi ban hành nghị quyết và khi Bộ Chính trị công nhận Huế là một “thành phố di sản”, chúng ta có thể hình dung thành phố di sản có nội dung như thế nào; cơ chế chính sách và cách thức vận hành của một thành phố hoặc đô thị di sản nó khác biệt với những thành phố khác ra sao… Ở đây, người viết xin được mạo muội bày tỏ một vài suy nghĩ về thành phố di sản.

Một nơi dày đặc các giá trị văn hóa (di sản: gồm vật thể và phi vật thể; có cảnh quan thiên nhiên đẹp) có một tính cách Huế nhẹ nhàng sâu sắc; thậm chí là một nền ẩm thực khác biệt: có lẽ chẳng nơi nào có hai dòng ẩm thực song song tồn tại và đang được gìn giữ, bảo tồn và phát huy, đó là ẩm thực cung đình và ẩm thực đời sống hết sức phong phú (tạm gọi là ẩm thực bình dân) như Huế… Như thế, gọi là một thành phố di sản có lẽ cũng chẳng sai. Thành phố di sản không tự nhiên mà có, mà nó phải được xây dựng bởi những chủ nhân của thành phố ấy – “chủ nhân” của di sản.

Có hai yếu tố quan trọng trong “chủ nhân” của di sản, đó là: Huế phải xây dựng cho được một đội ngũ lãnh đạo xứng tầm trên cả hai mặt đức và tài; có khát vọng cống hiến; có phong cách làm việc chuyên nghiệp và đầy sáng tạo, đột phá… Và một đội ngũ lãnh đạo biết truyền cảm hứng đến cho người dân. Điều này là hết sức quan trọng vì nhân dân là số đông; nhân dân là chủ nhân; nhân dân là người trực tiếp thực hiện việc này việc nọ, làm việc kia chứ không ai khác. Nhân dân không mang một phong cách, trình độ, một tầm cao văn hóa…thì đừng nói chuyện đến thành phố di sản hay không di sản.

Một ví dụ cụ thể diễn ra hàng ngày trong đời sống: đô thị nề nếp hay nhếch nhác; giao thông lộn xộn hay trật tự; cư xử hài hòa hay thiếu nhã nhặn… điều này chính quyền chỉ có thể tác động chứ không làm thay được. Vì vậy, mọi người dân cũng cần nhận thức điều này. Chúng ta thừa biết, không phải đợi giàu có mới có tính cách đẹp, ứng xử văn hóa trên nhiều phương diện. Làng xã chúng ta trước đây đâu có giàu nhưng đó là những bức tranh quê đẹp cả cảnh quan và tâm hồn của người dân sống trong đó.

Nêu vấn đề như vậy để thấy, xây dựng một thành phố di sản là điều không hề đơn giản. Nhưng có đi thì có đến. Chúng ta đã thấy Huế có nhiều chuyển biến hết sức tích cực từ kinh tế đến xã hội; từ lãnh đạo của các ngành các cấp đến người dân. Huế ngày càng giàu có hơn, nề nếp hơn, đẹp hơn lên… là điều chúng ta dang nhìn thấy hàng ngày.

NGUYỄN SƠN

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Du lịch tại chỗ
Du lịch tại chỗ

Nhiều người đã đi du lịch nhiều nơi, trải nghiệm nhiều dịch vụ trên khắp cả nước và thế giới, nhưng đi xích lô tham quan TP. Huế, mặc cổ phục tham quan di sản, đi nghe ca Huế trên sông Hương... lại là trải nghiệm lần đầu.

Người Huế
Người Huế

Hôm nào đó, ở một nơi xa lắc người Huế buồn tình ngồi mơ giấc mơ không lớn lắm, chỉ là mâm cơm nhẹ từng có mấy món thương nhớ từ nhỏ đến lớn vẫn ăn dầm ăn dề (nghe như nằm gai nếm mật) nhưng hóa ra chỉ là những thứ chua - cay mà đậm đà hương vị khó phôi phai của xứ mình.

Góc cối xay đến hẻm gió và sách
Góc cối xay đến hẻm gió và sách

Nhà dưới chân Đồi Trọ, cạnh cái ga Xép với cỏ may và gió. Làng nghèo bốn mùa đắp đổi chi cũng thiếu. Chỉ có gió là dư. Mạ kể suốt ngày nó lúp xúp đòi ngoại kể chuyện cổ tích.