Thứ Năm, 10/08/2017 07:30

Thu nợ bảo hiểm xã hội: Cần giải pháp mang tính đồng bộ

Nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) ở Thừa Thiên Huế đặt ra nhiều vấn đề đáng suy nghĩ. Ngành bảo hiểm xã hội rất cần giải pháp mang tính đồng bộ và sự phối hợp của các ban, ngành có chức năng liên quan.

Nợ bảo hiểm xã hội, khó cũng kiên quyết đòiBảo hiểm xã hội Hương Thủy: Tăng thu & giảm nợCùng “đòi nợ” bảo hiểm

 Tham gia BHXH, người lao động sẽ yên tâm làm việc (ảnh minh họa)

Nợ vẫn còn nhiều

Tình hình nợ đóng, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN vẫn diễn biến phức tạp, số nợ tăng lên, công nhân, người lao động gửi đơn khiếu nại, tố cáo chủ sử dụng lao động... ảnh hưởng đến hàng vạn lao động trong việc đảm bảo các quyền lợi, các chế độ BHXH của người lao động đến tuổi nghỉ hưu, nghỉ ốm đau thai sản, nghỉ việc.

Theo báo cáo của BHXH Thừa Thiên Huế, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT và BHTN tính đến ngày 31/12/2019 là 132.413 triệu đồng (bao gồm: nợ của đơn vị sử dụng lao động là 96.223 triệu đồng, nợ lãi là 31.366 triệu đồng, số tiền do ngân sách Nhà nước đóng, hỗ trợ đóng cho các đối tượng chưa chuyển là 4.825 triệu đồng). Số tiền nợ của các đơn vị thuộc diện bị tính lãi là 75.413 triệu đồng, chiếm tỷ lệ nợ là 2,55% so với kế hoạch thu BHXH, BHYT và BHTN.

Một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh nên việc chuyển nộp tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN không kịp thời, dẫn đến nợ đọng. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều doanh nghiệp cố tình trốn đóng, thường xuyên nợ đọng, chiếm dụng tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN dẫn đến nợ kéo dài, số tiền nợ lớn. Công tác khởi kiện còn nhiều vướng mắc nên hiệu quả chưa cao. Cơ chế xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN chưa được các cơ quan chức năng thực hiện một cách thường xuyên và chưa đủ sức răn đe các đơn vị vi phạm. Đó được xem là nguyên nhân của tình trạng nợ BHXH, BHYT và BHTN ở Thừa Thiên Huế vẫn còn nhiều và phức tạp.

Đóng BHXH, người lao động sẽ yên tâm làm việc (ảnh minh họa)

Tăng cường hoạt động phối hợp

Để giảm nợ đọng, bảo đảm kịp thời quyền lợi cho NLĐ, thời gian qua, BHXH tỉnh thực hiện nhiều giải pháp thu nợ khá đồng bộ và quyết liệt, như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền chế độ, chính sách BHXH đến các đơn vị, NLĐ; tổ chức các cuộc làm việc với các doanh nghiệp nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN lớn và hội nghị đối thoại với đơn vị nợ BHXH đóng trên địa bàn để đôn đốc thu; thực hiện công khai danh sách đơn vị nợ BHXH trên các phương tiện thông tin đại chúng.

BHXH tỉnh thường xuyên tham mưu cho UBND tỉnh tăng cường công tác chỉ đạo; tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tổ chức thực hiện quyết liệt các biện pháp thu nợ BHXH, BHYT, BHTN. BHXH tỉnh cũng phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các đơn vị nợ kéo dài; kiên quyết xử lý các đơn vị vi phạm.

Năm 2019, BHXH tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với ban ngành chức năng liên quan tổ chức thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BHTN tại 90 đơn vị sử dụng lao động (SDLĐ); kiểm tra công tác thực hiện chính sách BHXH, BHYT tại 30 đơn vị SDLĐ; thanh tra, kiểm tra liên ngành tại 22 đơn vị; kiểm tra 15 đại lý thu, đại diện chi trả BHXH, BHYT; kiểm tra nội bộ tại 4 cơ quan BHXH cấp huyện; kiểm tra công tác KCB tại 4 cơ sở khám chữa bệnh (KCB). Đồng thời, đã thực hiện 39 cuộc thanh tra đột xuất tại 101 đơn vị SDLĐ.

Qua thanh tra, kiểm tra, đã kiến nghị truy thu BHXH, BHTN và BHYT đối với 441 người lao động thuộc đối tượng tham gia nhưng chưa đóng, đóng thiếu thời gian tham gia với tổng số tiền trên 2,1 tỷ đồng; kiến nghị truy thu cho 689 người lao động đóng thiếu mức quy định, với tổng số tiền trên 500 triệu đồng.

Kiên quyết xử lý theo luật

Hội nghị đánh giá công tác phối hợp hoạt động giữa 3 đơn vị năm 2019 và kế hoạch phối hợp hoạt động của 3 đơn vị BHXH tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức vào cuối tháng 12/2019 nêu rõ, công tác phối hợp kiểm tra pháp luật lao động nói chung, Luật BHXH nói riêng và đặc biệt là Luật Công đoàn còn ít so với số doanh nghiệp đang hoạt động. Việc phối hợp giữa các đơn vị trực thuộc chưa thường xuyên nên kết quả triển khai ở các địa phương chưa được như mong muốn. Các chế tài xử lý sau phúc tra chưa mạnh và việc công khai thông tin các đơn vị vi phạm, trong đó có nợ BHXH, chưa được chú trọng...

Theo quy định pháp luật, nợ, trốn đóng BHXH là hành vi sai phạm, hành vi bị nghiêm cấm. Vụ kiện dân sự thì có đúng, có sai và tòa án là cơ quan phán quyết; nếu đúng thì tòa buộc doanh nghiệp phải trả, nếu sai thì tòa bác đơn. Còn đã là vi phạm thì không thể đưa sang tòa án xử xem đúng hay sai, mà chỉ là vi phạm đến mức nào. Ðây là lý do khiến việc kiện dân sự vướng mắc thời gian qua. Gần đây nhất, Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao đã ban hành Nghị quyết 05/2019/NQ-HÐTP hướng dẫn áp dụng Ðiều 214, Ðiều 215, Ðiều 216 Bộ luật Hình sự. Đây được xem hành lang pháp lý thống nhất trong việc xử lý các trường hợp vi phạm về BHXH, BHYT và BHTN.

Ngành BHXH tỉnh cùng với các ban ngành, địa phương trong tỉnh cần phối hợp để sớm đưa quy định này vào cuộc sống. Có như vậy mới hạn chế được tình trạng trốn đóng, chây ỳ nộp BHXH, góp phần bảo đảm quyền lợi cho người lao động.

Bài, ảnh: Huế Thu

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phụng sự xã hội, lan tỏa yêu thương
Phụng sự xã hội, lan tỏa yêu thương

Hội Phản ứng nhanh (PUN) 75 Huế đã có những tháng ngày xông pha chống dịch đầy hiểm nguy, song rất đáng tự hào. Bước sang tuổi thứ hai, những con người luôn mang tinh thần xung kích tình nguyện ấy vẫn sẵn sàng “đáp lời” khi cộng đồng cần…

Truyền thông các chính sách bảo hiểm xã hội
Truyền thông các chính sách bảo hiểm xã hội

Nhân kỷ niệm 28 năm Ngày thành lập ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam (16/02/1995- 16/02/2023), ngày 16/2, BHXH tỉnh tổ chức nhiều hoạt động truyền thông thiết thực góp phần tạo động lực, tiền đề thúc đẩy các hoạt động truyền thông chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn.