Thứ Bảy, 30/09/2017 06:15

Gia tăng người lao động nhận trợ cấp thất nghiệp

Dịch COVID-19 đã tác động mạnh mẽ tới thị trường lao động. Dự báo, trong quý II, số lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) sẽ gia tăng do nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm chi phí và nhân sự để duy trì hoạt động.

Hỗ trợ người lao động nghèo phòng chống dịch COVID-19Đồng hành cùng doanh nghiệp và người lao động trong mùa dịch

Lao động đến đăng ký nhận trợ cấp BHTN tại Trung tâm Dịch vụ việc làm

Tác động trực tiếp đến người lao động

8h sáng, tại Trung tâm Dịch vụ việc làm vẫn tấp nập người đến đăng ký làm thủ tục hưởng BHTN. Tất cả đều đeo khẩu trang, rửa tay, đo thân nhiệt trong quá trình tư vấn, giao dịch các dịch vụ tại trung tâm.

 Anh Đặng Văn Hạnh (TP. Huế) đang chờ tới lượt mình, cho biết: “Tôi làm nhân viên tại một khách sạn được 7 năm. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, khách sạn buộc phải cắt giảm nhân sự. Tôi đăng ký hưởng BHTN, vẫn biết có thể không được nhiều nhưng sẽ hỗ trợ một phần sinh hoạt trong thời gian tìm công việc mới”. Với bối cảnh dịch như hiện nay, anh Hạnh chắc chắn phải chờ thêm thời gian nữa mới có thể tìm kiếm công việc đúng ngành nghề của mình.

Chị Nguyễn Mỹ Nhung, nhân viên kế toán cho biết: Dự án kết thúc đúng lúc dịch bệnh bùng phát, tôi tạm thời nghỉ việc, muốn xin việc ở một công ty khác nhưng chưa tìm được vị trí mong muốn. Dự đoán sẽ khó tìm được việc làm ngay nên tranh thủ đến trung tâm để khai báo BHTN. Hiện tại, tôi sẽ kinh doanh một số mặt hàng trên online để ổn định cuộc sống.

 Lao động đến đăng ký nhận trợ cấp BHTN tại Trung tâm Dịch vụ việc làm

Theo ông Nguyễn Duy Thông, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm, quý I, toàn tỉnh có 1.162  lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (tăng 30% so với cùng kỳ năm trước). Số lượng lao động nghỉ việc do đơn vị giải thể, thay đổi cơ cấu tổ chức, thu hẹp sản xuất. Riêng lao động bị ảnh hưởng của dịch COVID -19 tập trung vào lao động hợp đồng ở các ngành giáo dục, nhân viên cấp dưỡng, nhân viên bán hàng…Số lao động có độ tuổi dưới 35 tuổi chiếm 62,8%. Người lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp rơi vào nhóm có bằng cấp, chứng chỉ (chiếm 47,9%), đại học và trên đại học (chiếm 21,5%).

Sẽ còn tăng lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp

Con số gia tăng trợ cấp thất nghiệp trong thời điểm hiện tại vẫn chưa phản ánh đúng thực tế tình hình ảnh hưởng của dịch COVID- 19. Vì từ khi thực hiện chính sách BHTN đến nay, số người tham gia tăng đều hằng năm, nên số người thụ hưởng BHTN tăng tương ứng. Tuy nhiên, theo ông Thông, với tác động của dịch COVID-19, dự báo trong quý II số lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp có thể tăng đột biến do tác động của 2 yếu tố kép.

Sau nghỉ tết, người lao động đã tích luỹ kỹ năng, chuyên môn và mong muốn tìm công việc tốt hơn nên chuyển đổi công việc. Nếu chưa tìm được việc, họ dồn hưởng trợ cấp thất nghiệp trong những tháng đến. Hơn nữa, trong bối cảnh dịch COVID-19, do thiếu hụt nguồn nguyên liệu sản xuất, nhiều doanh nghiệp thu hẹp kinh doanh, việc làm của người lao động bị ảnh hưởng.

Kinh nghiệm từ thực tiễn cho thấy, người lao động vẫn đủng đỉnh, chưa muốn hưởng trợ cấp thất nghiệp do họ có khoảng thời gian trong vòng 3 tháng để đăng ký nên nhiều lao động mất việc trong tháng 1, tháng 2 vẫn đang trong thời gian hoàn thiện hồ sơ. Hơn nữa, thời điểm này không ít lao động lo ngại dịch bệnh nên chưa đến trung tâm để đăng ký hưởng BHTN.

Để hỗ trợ người lao động trong thời điểm khó khăn này, theo Luật Việc làm, khi lao động thất nghiệp nộp đầy đủ hồ sơ sẽ được hưởng trợ cấp với điều kiện đã tham gia đóng BHXH từ 12 - 36 tháng, sẽ được hỗ trợ 3 tháng. Mỗi năm tăng thêm sẽ được tăng thêm 1 tháng với mức bình quân 60% của tháng lương tối thiểu. Đây là nguồn hỗ trợ rất tích cực để người lao động trang trải trong thời gian thất nghiệp. Ngoài kinh phí hỗ trợ hàng tháng, người lao động còn được nhân viên Trung tâm Dịch vụ việc làm tư vấn hỗ trợ việc làm và đào tạo nghề.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, nhân viên đào tạo Trung tâm Dịch vụ việc làm cho hay: “Khi lao động đến với trung tâm khai báo tình trạng thất nghiệp, chúng tôi tư vấn cụ thể công việc mới phù hợp với vị trí việc làm trước khi họ thất nghiệp. Tuy nhiên, thời điểm này nhiều lao động vẫn chưa muốn tìm việc làm, nhất là lao động nữ có nguyện vọng ở nhà chăm con khi các cháu không đến trường”.

Để tăng cường kết nối cung - cầu lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm đã phối hợp với các đơn vị, địa phương tiến hành thu thập thông tin, dữ liệu về những vị trí việc làm còn trống cũng như thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp. Đồng thời, khai thác nhu cầu tìm việc của những người đến làm thủ tục đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp và đối tượng lao động tự do. Từ đó, xây dựng cơ sở dữ liệu về cung - cầu lao động đồng bộ nhằm thúc đẩy hoạt động trên hệ thống sàn giao dịch việc làm trực tuyến thay thế phiên giao dịch truyền thống trong thời gian này.

Bài, ảnh: Huế Thu

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tạo sức hút từ những việc nhỏ
Tạo sức hút từ những việc nhỏ

Gần gũi với người lao động (NLĐ), hiểu và giúp đỡ NLĐ kịp thời các vấn đề liên quan đến đời sống và việc làm là cách Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Phong Điền tạo sức hút cho công đoàn.

Gian nan tìm việc làm
Gian nan tìm việc làm

Nếu chẳng may bị mất việc, phụ nữ tuổi trung niên sẽ gian nan tìm việc làm do các cở sở sản xuất, kinh doanh… chủ yếu tuyển dụng lao động trong độ tuổi từ 18 - 35.

Yên tâm gắn bó với doanh nghiệp
Yên tâm gắn bó với doanh nghiệp

Duy trì việc làm ổn định, đảm bảo thu nhập và phúc lợi... nhiều doanh nghiệp tạo niềm tin để công nhân lao động yên tâm gắn bó.