Chủ Nhật, 22/10/2017 09:39

Di dân Khu vực 1 Kinh thành Huế: Lịch sử và nghĩa tình - kỳ 1: Trả lại đất cho di sản

Trải qua hàng chục năm lên kế hoạch với vô vàn trắc trở, cuối cùng, cuộc di dân với quy mô lên đến hàng ngàn hộ sống ở Khu vực 1 Kinh thành Huế cũng được triển khai. Đây được xem là cuộc di dân lớn nhất từ trước đến nay trong lịch sử xây dựng và bảo tồn Kinh thành Huế.
 

 

Việc trả Thượng Thành trở về đúng nghĩa vai trò di sản không thể tách rời trong Quần thể Di tích Cố đô Huế không còn xa

 

 

Tháng 3/2020, hàng trăm hộ dân đầu tiên đã tự tháo dỡ nhà cửa để chuẩn bị di dời về nơi tái định cư mới ở Hương Sơ, TP. Huế. Hình hài những ngôi nhà kiên cố đang dần hình thành trong những niềm vui thật sự vỡ òa...

 

 

Chị Vân nằm trong danh sách 25 hộ nghèo được hỗ trợ nhà theo hình thức “chìa khóa trao tay”. Mỗi căn có diện tích 61m2, bao gồm nhà 1 tầng và 1 gác lửng với kinh phí xây dựng khoảng 200 triệu đồng. Trước đó, chị đã dọn ra khỏi ngôi nhà chật chội mà hàng chục năm qua, 3 thế hệ nhà chị đã nương náu ở Thượng Thành (thuộc phường Thuận Lộc, TP. Huế) để trả lại đất cho di sản.

Khu dân cư Thượng Thành giữa những ngày các hộ dân thuộc diện giải tỏa, di dời đợt 1 đang tất bật dọn dẹp nhà cửa, trả lại đất cho di sản. Những tấm tôn, cột gỗ, mái tre… phủ dày các lớp bụi thời gian đang được hạ giải.  

Men theo những đường kiệt sâu hun hút dẫn lối lên Thượng Thành, nhiều đoạn tường thành được người dân “mượn” làm một phần vách nhà vẫn còn nguyên vẹn. Những mảng gạch lộ thiên vẫn còn như mới dù đã được kiến tạo từ hơn 200 năm trước.

 

 

Vừa dọn xong đồ đạc, dựa lưng vào bức tường thành, ánh mắt chị Lê Thị Lan (47 tuổi) trầm tư khi nói về những năm tháng sinh sống trong ngôi nhà chẳng có gì ngoài ba bức vách. Bức còn lại mượn tường kinh thành. Những mái tôn cũng tạm bợ. Chị bảo việc hạ giải không có gì khó khăn, chỉ nhờ mấy phát vồ mạnh của búa tạ.

Gia đình nghèo khó. Năm chị 17 tuổi, cha mẹ dẫn máy đứa con lên Thượng Thành dựng tạm nhà, làm nơi chui ra chui vào. Lớn lên, rồi có chồng, có con nhưng vì cái nghèo, cái khó mà đến giờ, chị Lan vẫn sống nhờ trên đất di sản.

Chị Lê Thị Lan – Người dân Thượng Thành tự nguyện di dời đợt 1

Không phải xưa. Nay dân ở đây vẫn còn khổ. Người đạp xe thồ. Người bán vé số. Người làm mướn, làm thuê… nhưng xóm giềng bao bọc. Khi khó chia nhau miếng cơm, bát cháo. “Vì rứa mà đi, ai cũng tiếc nhớ. Nhớ mà mừng. Khổ cả mấy chục năm rồi. Ở Thượng Thành mang tiếng là đất di sản, đất của vua chúa ngày xưa nhưng nhà cửa tạm bợ, không được sửa chữa. Giờ được Nhà nước tạo điều kiện, dân chúng tôi vui lắm. Ra khu tái định cư, được cấp đất vuông vắn, hỗ trợ xây nhà. Tưởng nằm mơ ai ngờ là thật”! Rơm rớm nước mắt, chị Lan mơ đến ngày ra khu tái định cư, cuộc sống sẽ ổn. Con cái thoát cảnh chật chội, cha mẹ già cũng được sung sướng khi cái tuổi gần đất xa trời cận kề…

Là một trong những hộ dân di dời khỏi Thượng Thành, ông Nguyễn Phúc Liên Kiên không khỏi bồi hồi.  

 

Ông Nguyễn Phúc Liên Kiên bên căn nhà gắn liền với cuộc đời của mình ở Thượng Thành. Ngày hạ giải ngôi nhà để trả lại đất cho di sản để đi nơi ở mới ông bồi hồi xúc động

Ông Kiên kể, sau ngày giải phóng, hai vợ chồng ông đưa đứa con nhỏ lên Thượng Thành dựng mái nhà tre. Lần lượt 5 đứa con nữa ra đời. 45 năm trôi qua, cái nghèo vẫn bủa vây gia đình ông. Về già, hai vợ chồng sống với  người con trai chạy xe ôm, người còn lại khờ khạo không làm được gì.

Ngày được thông báo được di dời trong đợt đầu tiên, cả nhà ông Kiên không nén được hạnh phúc. “Tui đi bốc thăm đất, rồi cả nhà dẫn nhau ra xem. Đất vuông vắn, đẹp lắm. Rồi mai mốt sẽ xây nhà theo mẫu quy hoạch nữa”, ông Kiên hào hứng, dù không khỏi lo về khoản kinh phí xây nhà.

 

 
Mâm cúng tất niên cuối năm của người dân Thượng Thành, trước khi rời đi trả lại đất cho di sản

Hỏi nhớ gì nhất về mảnh đất Thượng Thành đã cưu mang, người đàn ông đã qua cái tuổi “thất thập cổ lai hi” nói, cái được nhất là vùng đất này không bao giờ lụt lội. Tuy nghèo, nhưng tình làng nghĩa xóm bao giờ cũng ấm áp, chở che. Cái tình, cái nghĩa ấy với hàng ngàn hộ dân Thượng Thành như ông Kiên là khó có gì đánh đổi.

Ở Thượng Thành, hơn 500 hộ dân di dời đợt đầu tiên ai cũng lâng lâng hạnh phúc. Niềm hạnh phúc đến sau hàng chục năm dài đằng đẵng chờ đợi. 

Trước ngày rời đi, vào đêm Giao thừa cuối năm 2019, bà con Thượng Thành  rủ nhau làm bữa cơm để ngồi lại, hàn huyên những vui buồn, thăng trầm nơi chốn mà họ từng nương náu. Bữa cơm đặc biệt ấy có một vị khách đặc biệt, đó là Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ.

 

 
Ông Phan Ngọc Thọ mừng tuổi người dân Thượng Thành trong bữa cơm đêm Giao thừa

Ông Nguyễn Thìn (81 năm sống trên Thượng Thành) góp mặt trong bữa cơm ấy cảm kích: “Đã rất lâu rồi mới có một lãnh đạo, đặc biệt là vị lãnh đạo tỉnh đến xóm nghèo này để quây quần cùng bà con ăn bữa cơm cuối năm”.

Bữa cơm không sơn hào hải vị, chỉ những món ăn truyền thống người dân tự tay làm để “đãi” vị Chủ tịch tỉnh nhưng tình cảm thì không gì sánh được. Ông chính là người đã đồng hành cùng với bà con trong suốt quá trình triển khai đề án. Các cụ già, em nhỏ dự bữa cơm đặc biệt ấy còn vui hơn khi nhận được mừng tuổi năm mới từ ông Chủ tịch.  

Không chỉ ngồi với dân ở bữa cơm đêm Giao thừa, Chủ tịch Phan Ngọc Thọ trước đó đã không biết bao nhiêu chuyến đi thực tế, tiếp xúc với người dân Thượng Thành, dù là ngày làm việc, hay những ngày nghỉ cuối tuần để tìm hiểu, hỏi thăm cuộc sống từng người dân. Những đề nghị, nguyện vọng của người dân đều được người đứng đầu chính quyền tỉnh ghi nhận và đồng hành, hỗ trợ, từ  khâu di dời, đến nơi an cư, sinh kế…

 

 
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ (thứ 3, từ trái) trò chuyện với chị Lê Thị Thùy Vân (50 tuổi) – một trong những hộ nghèo ở Thượng Thành di dời ra Hương Sơ được tài trợ nhà với hình thức “chìa khóa trao tay”

 

Khi bắt tay lên kế hoạch cho đề án di dân Thượng Thành, chính quyền tỉnh đã tính toán, bằng mọi giá phải giải quyết theo hướng có lợi nhất cho người dân. Trước mục tiêu trả lại tính nguyên vẹn, khang trang cho di sản và đô thị Huế, phải là chuyện an dân.

Một số tiền lớn đã được vận động, quyên góp để hỗ trợ 25 hộ nghèo trong số hơn 500 hộ di dời đợt đầu tiên xây nhà với hình thức “chìa khóa trao tay”. Để có được số tiền này, đích thân ông Thọ đã vận động từ nhiều nguồn khác nhau. “Có chuyến tôi phải ra tận Hà Nội, gặp cựu học sinh Huế đang sinh sống, làm việc tại đây để vận động. Khi nghe tôi chia sẻ, họ đã đồng ý tài trợ phần kinh phí tăng thêm để ủng hộ cho việc xây dựng 25 ngôi nhà cho các hộ khó khăn thật sự”, ông Thọ nhớ lại.

 

 

Ngày khởi công những ngôi nhà ấy, ông Thọ cũng có mặt và cùng người dân thực hiện nghi thức đặt đá trước niềm vui vô bờ của dân nghèo Thượng Thành.  

Tin vào những gì lãnh đạo tỉnh đã nghe, đã nói, đã làm, người dân vững lòng về một cuộc di dân lịch sử mà họ đã trông chờ hàng chục năm, qua nhiều đời chính quyền. “Không ngờ ngày vui lại đến với chúng tôi nhanh đến vậy. Khi những căn nhà này xây xong, tôi và bà con Thượng Thành sẽ mời ông Chủ tịch tỉnh bà con lối xóm đến chung vui...” – chị Vân rưng rưng khi nói về cái ngày sẽ được đến những ngôi nhà mới đã cận kề...

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nói về việc di dời người dân Thượng Thành

 

 
UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu nói về mục tiêu di dời dân và bảo tồn di tích Khu vực 1 Kinh thành Huế

 

Nội dung: PHAN THÀNH

Hình ảnh: PHAN THÀNH-NGỌC MINH-THANH TOÀN-TRẦN THIỆN

Thiết kế: QUANG THIỀU

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phạm Đức Lương, cậu học trò đam mê lịch sử
Phạm Đức Lương, cậu học trò đam mê lịch sử

Với cậu học trò Trường THPT Thừa Lưu (Phú Lộc) Phạm Đức Lương, việc học không đơn thuần chỉ là thu nạp kiến thức, đó còn là hành trình chinh phục và vượt qua những thách thức của bản thân.

Trang mới của “Giấc mơ Thượng Thành”
Trang mới của “Giấc mơ Thượng Thành”

Sau gần 4 năm triển khai Dự án (DA) di dời dân cư, giải phóng mặt bằng (GPMB) khu vực I di tích Kinh thành Huế, đến nay hơn 1.000 hộ dân với khoảng 4.000 nhân khẩu đã an cư, lạc nghiệp và bước sang trang mới bên khu phố mới - khu dân cư (KDC) Bắc Hương Sơ.