Thứ Tư, 18/10/2017 14:00

Bảo tàng phải là biểu tượng văn hóa

Theo chủ trương của tỉnh, trên tuyến đường Lê Lợi sẽ hình thành phố bảo tàng. Để thu hút khách tham quan, bảo tàng cần được đầu tư để trở thành không gian sống động, là biểu tượng văn hóa của vùng đất.

Gìn giữ biểu tượng văn hóa vùng đất

Các em thiếu nhi trải nghiệm làm bánh tại Bảo tàng Văn hóa Huế

Sống động sẽ hút khách

Dịp nghỉ Tết Nguyên đán, các em học sinh đến từ làng trẻ em SOS Huế và một số trường học ở TP. Huế đã rất hào hứng khi tham gia sáng tác tranh về những con vật ngộ nghĩnh từ lá cây tại Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị. Với các em, trải nghiệm với bút màu trên lá cây là cảm xúc hoàn toàn mới mẻ, thú vị.

Đây là hoạt động trong khuôn khổ triển lãm sắp đặt đương đại có chủ đề “Chất hữu cơ” của nghệ sĩ Yumiko Ono (đến từ Nhật Bản), do Bảo tàng Mỹ thuật Huế tổ chức. Không chỉ mang đến cho các em học sinh trải nghiệm mới mẻ với tranh ghép hoa lá, chương trình còn giáo dục cho các em về tình yêu môi trường thông qua việc trân trọng từng chiếc lá. Những hoạt động tương tự như vậy vừa mang đến không gian sống động cho bảo tàng, vừa gieo mầm tình yêu nghệ thuật cho thế hệ trẻ.

Với nỗ lực làm sống lại văn hóa Huế, những năm gần đây, Bảo tàng Văn hóa Huế tổ chức các không gian trưng bày về tết cổ truyền, áo dài xưa, ẩm thực, đám cưới, Đông y, sách, báo chí… Những không gian trưng bày này đều được Bảo tàng Văn hóa Huế tái hiện sinh động, chân thật bằng những tư liệu, hình ảnh, hiện vật liên quan. Sự tham gia trình diễn trực tiếp của các nghệ nhân, những nhân chứng sống, cũng giúp người xem cảm nhận được một không gian trưng bày thật sự sống động và đầy cảm xúc; tạo ra sự tương tác, kết nối công chúng tìm về những giá trị xưa.

Dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân, Bảo tàng Văn hóa Huế cũng tổ chức các hoạt động trải nghiệm làm bánh truyền thống, nặn tò he, làm lồng đèn, trống lung tung, tranh làng Sình… dành cho các em thiếu nhi. Các em được tham gia vào quy trình làm bánh và các sản phẩm thủ công truyền thống nên rất hào hứng.

Những triển lãm, trưng bày mang tính tương tác như trên thu hút đông đảo công chúng đến tham quan, thưởng ngoạn. Tuy nhiên, những hình thức tiếp cận với người xem thông qua việc trưng bày theo phương pháp hiện đại vẫn chưa phổ biến ở các bảo tàng. Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, lối trưng bày của các bảo tàng hiện nay chủ yếu là trưng bày tương tác đơn tuyến, chưa phải là tương tác đa chiều. Điều đó khiến bảo tàng thiếu hấp dẫn. Những hoạt động dành cho thiếu nhi tới tham quan, vui chơi, vẽ tranh ở các bảo tàng chính là tương tác đa chiều nhưng vẫn còn ít.

Cần được đầu tư

Thừa Thiên Huế hiện có 7 bảo tàng, trong đó có 5 bảo tàng công lập và 2 bảo tàng ngoài công lập. Dù các bảo tàng đã nỗ lực trong tổ chức hoạt động, đổi mới trưng bày nhưng vẫn còn khá đơn điệu, lượng khách tham quan vẫn khiêm tốn.

TS. Trần Đình Hằng, Trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Huế, cho rằng, trong quan niệm cố hữu phổ biến lâu nay, bảo tàng là nơi tập hợp cổ vật, hiện vật khô khan nên khó hấp dẫn người xem do thiếu những hoạt động bổ trợ sinh động, sôi nổi. Ở các nước Âu châu, mô hình bảo tàng đời sống (Musée de la vie) rất được chú trọng, đi sâu xử lý bằng cách bổ sung nhiều hoạt động sống, như là một dạng thức tái hiện, thực hành đời sống văn hóa. Nhờ đó, các bảo tàng mới thực sự đủ sức hấp dẫn du khách và người dân, trở thành một địa chỉ văn hóa, du lịch thực thụ. Đây là một hướng đi khả dĩ, cần được đầu tư phát triển nhiều hơn trong tương lai.

Theo TS. Phan Thanh Hải, hệ thống bảo tàng công lập đang yếu vì đầu tư về cơ sở vật chất chưa đến nơi, đến chốn. Ngoài Bảo tàng Hồ Chí Minh được xây dựng mới, các bảo tàng còn lại đều tận dụng cơ sở vật chất cũ. Bảo tàng Lịch sử tá túc tạm ở Quốc Tử giám, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế vốn là điện Long An được xây dựng từ năm 1923. Ngoài Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị và Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng đã có sẵn, Bảo tàng Mỹ thuật Huế vẫn chưa có trụ sở, chưa có nơi trưng bày tác phẩm.

Nguồn hiện vật của các bảo tàng cũng chưa thật phong phú. Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế hiện quản lý 13 nghìn cổ vật, nhưng địa điểm chỉ trưng bày được tối đa 500 hiện vật. Bảo tàng Lịch sử có mấy chục ngàn hiện vật, nhưng để trở thành hệ thống trưng bày hấp dẫn cần phải chọn lọc tinh túy và sưu tầm bổ sung thêm. Số lượng tác phẩm của Bảo tàng Mỹ thuật Huế cũng chưa có bao nhiêu, cần tiếp tục sưu tầm.

Cơ sở vật chất, hạ tầng còn nhiều hạn chế, các bảo tàng không đủ điều kiện để hình thành những bảo tàng quy mô lớn. Ở các nước phương Tây, bảo tàng được xem là không gian giáo dục về văn hóa, các trường học, gia đình thường đến bảo tàng tham quan, vui chơi vào dịp cuối tuần để thấm dần các giá trị văn hóa. Muốn vậy, không gian bảo tàng phải đạt chuẩn, được tạo cơ chế chính sách để tổ chức các dịch vụ đi kèm, thường xuyên diễn ra các sinh hoạt văn hóa...

TS. Phan Thanh Hải nhấn mạnh, muốn khai thác, phát huy tốt giá trị, bảo tàng cần được đầu tư về cơ sở vật chất, thiết bị và con người. Đồng thời, có chính sách khuyến khích làm tốt công tác xã hội hóa bảo tàng, kéo cả xã hội tham gia vào công tác bảo tàng bằng nhiều cách: khiến người dân, cộng đồng coi nó là biểu tượng văn hóa để tham gia đóng góp nguồn lực, công sức, trí tuệ, hiến tặng hiện vật, cổ vật. Hoặc, vận động để mua cổ vật vốn là của Huế đang lưu lạc ở khắp nơi.

Bài, ảnh: MINH HIỀN

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tiếp nhận và xây dựng văn hoá mới từ nền tảng Đề cương về văn hoá Việt Nam năm 1943
Tiếp nhận và xây dựng văn hoá mới từ nền tảng Đề cương về văn hoá Việt Nam năm 1943

Nhân kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943, TS. Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (nay là Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục), Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa - Xã hội (Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam) và GS.TS. Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, khẳng định, bản Đề cương đến nay vẫn còn nguyên giá trị, thể hiện sức mạnh soi đường quốc dân đi của văn hoá.

Triển lãm tranh dân gian và trải nghiệm thư pháp
Triển lãm tranh dân gian và trải nghiệm thư pháp

Sáng 23/2, tại Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao huyện Quảng Điền, Bảo tàng Mỹ thuật tỉnh phối hợp với UBND huyện Quảng Điền tổ chức triển lãm chuyên đề Sắc Xuân.

Hội Báo toàn quốc 2023  Đoàn kết, Chuyên nghiệp, Văn hóa, Sáng tạo
Hội Báo toàn quốc 2023: "Đoàn kết, Chuyên nghiệp, Văn hóa, Sáng tạo"

Theo thông tin từ Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Báo toàn quốc 2023 với chủ đề "Đoàn kết, Chuyên nghiệp, Văn hóa, Sáng tạo" dự kiến diễn ra từ ngày 17-19/3 tại Bảo tàng Hà Nội, đường Phạm Hùng, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Hội Báo toàn quốc 2023 có quy mô toàn quốc với nhiều đổi mới, sáng tạo tạo sức hấp dẫn cho công chúng.

Người đàn ông Tà Ôi lan tỏa văn hóa các dân tộc
Người đàn ông Tà Ôi lan tỏa văn hóa các dân tộc

Không chỉ am hiểu những món ăn truyền thống của người đồng bào mình, ông Hồ Nhật Tân (SN 1958, người đồng bào Tà Ôi, ngụ xã A Ngo, huyện A Lưới) còn có khả năng học ngôn ngữ của dân tộc khác rất nhanh...