Chủ Nhật, 22/10/2017 06:30

Chuẩn bị cho “Ngày hội Áo dài Huế”

“Tổ chức các hoạt động “Ngày hội Áo dài Huế” phải phát huy được thế mạnh bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Huế tại Festival Huế 2020. Qua đó, làm tăng hiệu quả phát triển kinh tế, văn hóa - du lịch và góp phần khẳng định áo dài là trang phục truyền thống của Việt Nam, làm cơ sở xây dựng đề án Huế Kinh đô áo dài”- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ khẳng định như vậy tại cuộc họp với các sở, ban, ngành, địa phương ngày 21/4 về xây dựng đề án tổ chức “Ngày hội Áo dài Huế”.

Luôn là “kinh đô ẩm thực”Festival Huế 2020: Sẽ là một lễ hội an toànFestival Huế 2020 sẽ dời thời gian tổ chức

Nhiều cơ quan, đơn vị hưởng ứng mặc áo dài đến công sở. Trong ảnh: nữ nhân viên phòng tài vụ Văn phòng UBND tỉnh với trang phục áo dài làm việc tại công sở

Trở thành hoạt động thường niên

Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Phan Thanh Hải, mục tiêu của “Ngày hội Áo dài Huế” nhằm đổi mới hoạt động Festival Huế theo hướng tăng cường các chương trình nghệ thuật, quảng diễn mang tính cộng đồng; xã hội hóa hoạt động văn hóa nghệ thuật; phát huy giá trị văn hóa Huế và vai trò người dân là chủ thể; nhất là đưa “Ngày hội Áo dài Huế” trở thành hoạt động thường niên trong 4 mùa lễ hội, tạo điểm nhấn tại các kỳ Festival.

“Ngày hội Áo dài Huế” lần đầu tiên tổ chức tại Festival Huế 2020 (dự kiến cuối tháng 8/2020) với chuỗi sự kiện nhằm tôn vinh áo dài Huế. Các hoạt động chính gồm: Hội thảo về áo dài Việt Nam; tri ân tiền nhân có công khai sáng trang phục áo dài Việt Nam; chương trình áo dài nghệ thuật. Điểm nhấn là chương trình áo dài cộng đồng bằng việc phát động người dân tham gia mặc áo dài trong suốt thời gian diễn ra Festival, trong đó có hoạt động áo dài với nữ sinh, áo dài trong sinh hoạt đời thường, áo dài trong lễ hội truyền thống, áo dài trong nghi lễ gia tộc… 

Ông Phan Thanh Hải chia sẻ, Huế được xem là quê hương của áo dài với công người khai sáng là chúa Nguyễn Phúc Khoát (năm 1744). Trước năm 1945, gần như mọi người Huế đều mặc áo dài. Phụ nữ Huế còn mặc áo dài đi chợ, đàn ông mặc áo dài tại các nghi lễ. Do đó, áo dài là một trong những di sản quý của Huế.

Thướt tha áo dài. Ảnh: Trần Như Đăng Tuyên

Nam giới cùng đồng hành với áo dài

Ông Hồ Đăng Thanh Ngọc, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh khẳng định, áo dài là chuẩn mực về ăn mặc của xứ đàng trong - là chủ trương cải tổ triều phục, là trang phục chính thức nên cần làm sống lại các chuẩn mực văn hóa áo dài, các giá trị về sự kín đáo, tinh tế, nền nã vốn có của áo dài Huế. Hằng năm, cần phải tổ chức các chương trình giới thiệu lịch sử áo dài, có những cuộc thi hoa khôi áo dài, thi về thiết kế áo dài và cũng đến lúc đàn ông Huế cũng phải mặc áo dài vào những dịp lễ hội tại một số khu vực, ngày nhất định. “Hiện đã có nhiều tầng lớp hưởng ứng mặc áo dài, có cả đàn ông. Các thành viên Câu lạc bộ nhiếp ảnh Đặng Huy Trứ mặc áo dài trong các dịp lễ hội, tiếp khách là một ví dụ cần nhân rộng”- ông Hồ Đăng Thanh Ngọc chia sẻ.

Nhà nghiên cứu Trần Đình Hằng, Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế đánh giá, đề án này rất quan trọng và được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh. Huế là nơi mà các nhà thiết kế áo dài, may áo dài truyền thống rất nhiều. Cần thành lập một hiệp hội những người may, sưu tầm, lưu giữ áo dài, quy tụ những người thợ may giỏi. Tỉnh cũng cần kết nối những người có công trong phục dựng và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa áo dài Huế. Đồng thời, đề xuất cần xây dựng trung tâm lễ phục truyền thống để phát huy giá trị đặc trưng của áo dài Huế.

Với quan điểm đóng góp cho chương trình áo dài cộng đồng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Tân cho biết, ngoài việc cho học sinh mặc áo dài vào những ngày ấn định, tổ chức các cuộc thi nữ sinh với áo dài truyền thống, ngành sẽ tổ chức khen thưởng học sinh giỏi, xuất sắc tại Di Luân Đường, nữ sinh sẽ mặc áo dài. Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Võ Lê Nhật cho hay, sẽ có chính sách ưu đãi cho du khách mặc áo dài tham quan di tích.

Nói áo dài, người ta nghĩ ngay đến Huế

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh, qua nhiều lần góp ý của các nhà nghiên cứu lịch sử, nhà văn hóa, nhà thiết kế và các chuyên gia, Sở Văn hóa và Thể thao đã hoàn thành đề án rất cơ bản. “Ngày hội Áo dài Huế” cần có nét đặc trưng riêng, làm sống dậy và tôn vinh văn hóa áo dài, xây dựng, khẳng định Huế là chiếc nôi của áo dài Việt Nam.

“Làm sao khi diễn ra ngày hội, phải hội tụ được những người thiết kế, nhà tạo mẫu, may mặc áo dài về Huế với không gian tự nhiên của Huế, hướng đến “Ngày hội toàn dân mặc áo dài” có ý nghĩa nhân văn, ý nghĩa văn hóa. Làm sao khi nói đến may đo áo dài người ta nghĩ ngay đến Huế và đến Huế để may sắm áo dài”- Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.   

Từ năm 2022 tổ chức 4 mùa 4 Festival đặc trưng

Cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ chủ trì cuộc họp đóng góp ý kiến về Đề án tổ chức Festival 4 mùa để Huế thực sự là thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam. Theo đó, dự kiến mùa xuân tổ chức Festival Dân gian Huế; mùa hạ Festival Huế (năm chẵn) và Festival Nghề truyền thống Huế (năm lẻ); mùa thu Festival Ẩm thực Quốc tế Huế; mùa đông Festival Âm nhạc Huế. Dự kiến Festival 4 mùa sẽ được thực hiện từ năm 2022.

Bài, ảnh: Thái Bình

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sẽ tổ chức hội thảo khẳng định giá trị địa điểm lịch sử cách mạng tại Bàu Bàng
Sẽ tổ chức hội thảo khẳng định giá trị địa điểm lịch sử cách mạng tại Bàu Bàng

Ban Tuyên giáo Huyện ủy Phú Lộc cùng Ban Tuyên giáo Thành ủy Huế, Ban Tuyên giáo Thị ủy Hương Thủy và Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế vừa tổ chức họp bàn kế hoạch chuẩn bị tổ chức Hội thảo khoa học về địa điểm lịch sử cách mạng tại Bàu Bàng ở thôn Hòa Vang, xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc.

Tiếp nhận và xây dựng văn hoá mới từ nền tảng Đề cương về văn hoá Việt Nam năm 1943
Tiếp nhận và xây dựng văn hoá mới từ nền tảng Đề cương về văn hoá Việt Nam năm 1943

Nhân kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943, TS. Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (nay là Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục), Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa - Xã hội (Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam) và GS.TS. Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, khẳng định, bản Đề cương đến nay vẫn còn nguyên giá trị, thể hiện sức mạnh soi đường quốc dân đi của văn hoá.

Nhiều kỳ vọng từ Aeon Mall Huế
Nhiều kỳ vọng từ Aeon Mall Huế

Khởi công ngày 11/2/2022, dự kiến hoạt động vào nửa cuối năm tài chính 2024, Trung tâm Thương mại (TTTM) Aoen Mall Huế (khu đất TM-DV7 thuộc khu A – Đô thị mới An Vân Dương (P. An Đông, TP. Huế) hứa hẹn có nhiều đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.