Thứ Bảy, 04/11/2017 10:31

Đó không chỉ là tham ô

Trong lúc Chính phủ phải thắt lưng buộc bụng, cả xã hội cùng căng mình chung tay… thì lại có những kẻ nhân danh “kiểm soát bệnh tật” để xà xẻo, ăn chia một cách vô sỉ.

Thông báo khẩn về những nơi bệnh nhân COVID-19 số 237 từng đếnCẬP NHẬT dịch COVID-19 và ứng phó: Thông báo khẩn số 8

Nhiều cửa hiệu phải đóng cửa, treo biển sang nhượng trong dịch COVID-19

Xét đề nghị của Bộ Công an về tình hình vi phạm trong việc sử dụng kinh phí chống dịch COVID-19 tại một số địa phương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương rà soát, chấn chỉnh, thẩm định lại và thanh tra việc thực hiện các gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, thuốc chữa bệnh… phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, nhất là các gói thầu mua sắm hệ thống máy xét nghiệm sinh hóa, máy thở, khẩu trang y tế, hóa chất vật tư tiêu hao; nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì chuyển hồ sơ, tài liệu cho cơ quan điều tra để điều tra làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đó là thông báo từ Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về xử lý vi phạm trong sử dụng kinh phí phòng, chống dịch COVID-19.

Chuyện bắt đầu từ việc một số cá nhân ở Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cấu kết, thông đồng, nâng khống giá trị gói thầu mua sắm thiết bị phòng chống dịch COVID-19 lên gấp 3 lần giá trị thực để trục lợi “vỡ lở” và bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam để xử lý. Từ Hà Nội, chuyện mua sắm thiết bị xét nghiệm COVID-19 “đồng dạng” cũng bắt đầu gây “chấn động” đến một số địa phương khác khiến Quảng Ninh phải cho tiến hành thanh tra, làm rõ; Quảng Nam yêu cầu sở y tế giải trình; Thái Bình “đàm phán giảm giá” sau khi đã mua, sử dụng; Hải Phòng, Bắc Giang, Bệnh viện Phổi Trung ương thì “mới chỉ dùng thử”; và thông tin mới nhất là Ninh Bình thì giá mua không chỉ 7 hoặc hơn 7 tỷ mà là gần 7,9 tỷ đồng…

Cả các điểm tham quan du lịch nổi tiếng nhất cũng phải "đóng băng". Thế nên những hành vi trục lợi nhân đại dịch COVID-19 cần phải được lên án. (Ảnh minh họa)

Lỗi đến đâu, bản chất thế nào… sẽ được cơ quan điều tra kết luận làm rõ. Tuy nhiên, dấu hiệu trục lợi- mà là trục lợi khủng- từ việc mua máy xét nghiệm Realtime PCR cùng các thiết bị thì cho dù là người đại khái nhất, dễ tính nhất cũng không thể tin là không có.

“Hoa hồng”, “lại quả” là câu chuyện râm ran xưa nay trong dư luận. Ai cũng nghe, ai cũng biết là nó diễn ra khá phổ biến, nhất là ở khối doanh nghiệp, cơ quan nhà nước. Thế nhưng việc tìm bằng chứng thì có vẻ hơi khó, bởi cả chủ thể và khách thể “cho” - “nhận” có quyền lợi gắn kết với nhau, “môi hở răng lạnh”, “làm ăn lâu dài” nên thông tin khó lộ lọt cho người ngoài. Bây giờ thì…nhờ “cô vy”, một trong những câu chuyện tệ hại ấy đã hở lưng lộ mặt. Có điều, dư luận hết sức sửng sốt, không tin nổi khi cái tỷ lệ “chọt mút” sao mà nó kinh hoàng, khủng khiếp đến vậy. Lại càng tệ hại hơn khi trong lúc Chính phủ phải thắt lưng buộc bụng, cả xã hội cùng căng mình chung tay; ngay đến những mẹ già trăm tuổi vẫn gom góp từng mớ rau và những đồng trợ cấp ít ỏi của mình để ủng hộ; những em bé không chút băn khoăn đập heo đất lấy tiền gửi đến các nơi tiếp nhận; tất cả đều một niềm mong được góp phần giúp đỡ đồng bào trong cơn ngặt nghèo, được tiếp sức cho các thầy thuốc, các chiến sĩ công an, quân đội, biên phòng, các anh chị tình nguyện viên đang ngày đêm không quản nhọc nhằn, chấp nhận hy sinh để chống dịch,… thì lại có những kẻ nhân danh “kiểm soát bệnh tật” để xà xẻo, ăn chia. Hành vi đó không chỉ là tham ô, móc ngoặc, mà trong bối cảnh hiện tại, đó là hành vi bất nhân, không còn tính người và không thể dung thứ.

Chính vì vậy, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: “Khẩn trương rà soát, chấn chỉnh, thẩm định lại và thanh tra việc thực hiện các gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao...; nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì chuyển cơ quan điều tra để điều tra làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật” đã được dư luận đón nhận và hết sức hoan nghênh.

Phải xử lý nghiêm, loại ra khỏi bộ máy, loại ra khỏi thị trường những cán bộ, viên chức, doanh nghiệp làm ăn bất chính, sâu dân mọt nước như vậy thì xã hội mới có thể phát triển. Cũng từ đây, dư luận mong câu chuyện “đấu thầu”, “chỉ định thầu”, “thẩm định giá”, “thẩm định năng lực”… sẽ được Chính phủ và các cơ quan hữu trách quan tâm nhiều hơn nữa. Làm được việc này, chắc chắn sẽ tiết kiệm được một nguồn lực không hề nhỏ để đầu tư cho những mục tiêu tăng trưởng quan trọng khác của đất nước.

Bài, ảnh:  Huy Khánh

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kiểm soát vận chuyển, buôn bán trái phép trâu bò qua biên giới
Kiểm soát vận chuyển, buôn bán trái phép trâu bò qua biên giới

Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) vừa có Công văn gửi Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển buôn bán trái phép trâu bò qua biên giới.