Thứ Bảy, 16/12/2017 14:32

Luật Biên phòng Việt Nam khẳng định vị thế của Bộ đội biên phòng trên hai tuyến biên giới

Sáng 16/6, phát biểu tham gia đóng góp ý kiến Luật Biên phòng Việt Nam, các đại biểu Thừa Thiên Huế gồm Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa và Thiếu tướng Bùi Đức Hạnh cho biết, nếu Luật được thông qua sẽ khẳng định vị thế, nhiệm vụ của Bộ đội biên phòng (BĐBP) trên hai tuyến biên giới.

Tọa đàm, hội thảo Luật Biên phòng Việt NamTuyên truyền pháp luật về khai thác thủy sản cho ngư dân 9 xã thị trấn huyện Phú LộcLũy thép biên phòng toàn dân

Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa tham gia đóng góp ý kiến

Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa: Luật đáp ứng yêu cầu thực tiễn  

Theo đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa, Luật Biên phòng Việt Nam đã đáp ứng được yêu cầu và khi Luật được thông qua qua nó sẽ đồng bộ với hệ thống pháp luật, đồng bộ với Hiến pháp, với các Bộ Luật trước đây mà chúng ta đã ban hành.

Thứ nhất, trên hai tuyến biên giới, khẳng định rõ chức năng của BĐBP, lực lượng trực tiếp giữ gìn an ninh biên giới và đảm bảo tốt hơn nữa về nhiệm vụ phòng thủ đất nước từ sớm, từ xa; bảo đảm cho chúng ta chủ động về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay.

Thứ hai, khẳng định rõ hơn nữa về vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị, của các bộ, ngành và các địa phương có tuyến biên giới.

Thứ ba, hết sức quan trọng là xác định vị thế của BĐBP. BĐBP đã hơn 60 năm xây dựng và trưởng thành, từ năm 1959 tiền thân là Công an vũ trang, qua nhiều năm xây dựng lực lượng BĐBP ngày càng vững mạnh, thành tích và những cống chiến của BĐBP càng lớn. Nhưng BĐBP hiện mới chỉ có Pháp lệnh Biên phòng, bây giờ xây dựng thành Luật Biên phòng càng khẳng định vị trí quan trọng của BĐBP. Đây là lực lượng chuyên trách, lực lượng nòng cốt để giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và tham mưu xây dựng thế trận biên phòng và thực hiện nhiệm vụ biên phòng mà trong Chương II của Luật Biên phòng đã đề cập. Thực tế, nhiều năm qua, BĐBP đã làm điều này và làm rất tốt.

Thứ tư, khẳng định vai trò của BĐBP với sức mạnh tổng hợp của tất cả các lực lượng, trong đó vừa là lực lượng chuyên trách và là lực lượng nòng cốt. Chuyên trách là khi làm nhiệm vụ ở các cửa khẩu, còn nòng cốt là khi xây dựng thế trận an ninh biên giới. Cái này cũng cần phải phân tích rõ, vì nhiều người chưa hiểu. Bởi đã là chuyên trách thì chuyên sâu vào một lĩnh vực, nhưng nòng cốt là ở tất cả các nội dung. Trong đó xây dựng biên phòng ở tuyến biên giới biển và đất liền rất quan trọng.

Vấn đề nữa là khi đã có Luật Biên phòng thì địa vị pháp lý, tức là những chính sách về tiềm lực, về cơ sở vật chất, về lực lượng thực hiện nhiệm vụ biên phòng... Rồi chính sách về xây dựng từng bước, từng giai đoạn về chiến lược bảo vệ tuyến biên giới của chúng ta.

Và đặc biệt là những chính sách cụ thể để làm thế nào hỗ trợ cho những người cán bộ, chiến sĩ biên phòng trực tiếp sống và làm việc nơi biên giới. Vì ở những tuyến này thường là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Đại biểu Bùi Đức Hạnh: Luật quy định rõ, không chồng chéo 

Đại biểu Bùi Đức Hạnh

Là thành viên Ban soạn thảo, thành viên Ủy ban Quốc phòng- An ninh của Quốc hội và là cơ quan thẩm tra dự án Luật, Thiếu tướng Bùi Đức Hạnh đã phát biểu và là rõ thêm các nội dung còn ý kiến khác nhau của Luật Biên phòng Việt Nam.

Về tên gọi của dự án Luật, Thiếu tướng Bùi Đức Hạnh cho biết, Luật Biên phòng Việt Nam, khi xây dựng dự án luật, Ban soạn thảo đã xin ý kiến tất cả các bộ ngành và các tỉnh thành có đường biên giới đều thống nhất xây dựng Luật Biên phòng Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ cũng thống nhất sớm xây dựng Luật Biên phòng Việt Nam. Qua tổng kết Pháp lệnh Biên phòng xác định công tác biên phòng là công tác của cả hệ thống chính trị, phát huy sức mạnh toàn dân, huy động sức mạnh tổng hợp chứ một mình bộ đội biên phòng không làm được.

“Thực tế trong thời gian qua BĐBP đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trên biên giới, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, giữ vững độc lập biên giới. Cụ thể là thành công trong phân giới cắm mốc trên tuyến biên giới Việt Trung, Việt- Lào và gần hoàn thành cắm mốc tuyến Việt- Campuchia; cơ bản chia xong vùng Vịnh Bắc bộ với Trung Quốc. Đây là những thành quả vô cùng lớn lao. Đồng thời, làm tốt công tác đấu tranh các loại tội phạm trên biên giới, duy trì được an ninh biên giới, không để xảy ra các điểm nóng trên biên giới. Đặc biệt là thành công trong công tác phòng chống dịch COVID-19 vừa qua với 16.000 điểm chốt trên hơn 5.000km đường biên giới”- Thiếu tướng Bùi Đức Hạnh chia sẻ.  

Có ý kiến cho rằng Luật Biên phòng Việt Nam sẽ trùng với Luật Biên giới quốc gia, Thiếu tướng Bùi Đức Hạnh cho rằng chỉ giao thoa giữa 2 luật vì đều quy định chung khu vực biên giới nhưng lại khác nhau ở 2 lĩnh vực, Luật Biên giới quốc gia quy định chung thế nào là biên giới quốc gia, thế nào là đường biên giới, thế nào là là khu vực biên giới quốc gia, nhưng Luật Biên phòng không quy định. Trong luật Biên giới quốc gia quy định bảo vệ biên giới, quản lý biên giới và xây dựng biên giới. Nhưng Luật Biên phòng quy định bảo vệ biên giới thì phải làm gì, xây dựng biên giới phải làm gì và quản lý biên giới phải làm gì. Thứ hai là quy định ai thực hiện nhiệm vụ đó, trong nhiệm vụ đó thì ai làm nòng cốt, ai chuyên trách, ai tham gia…

Về việc có ý kiến cho rằng sẽ có sự chồng chéo nhiệm vụ giữa các lực lượng, Thiếu tướng Bùi Đức Hạnh khẳng định sẽ không có chồng chéo. Quy định bộ đội biên phòng kiểm soát xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu do bộ đội biên phòng quản lý; kiểm tra, kiểm soát các phương tiện có dấu hiệu vi phạm qua lại biên giới, sẽ không trùng với Hải quan. Vì cùng kiểm soát nhưng giữa 2 lực lượng mục đích kiểm soát khác nhau. Hải quan kiểm soát nhằm kiểm tra hàng hóa trên phương tiện, đối chiếu với tờ khai hải quan… xem có buôn lậu, gian lận thương mại hay không. Biên phòng không kiểm tra cái đó, mà kiểm tra an ninh, xem xe đó có cất giấu vũ khí, chất nổ, chất cháy, tài liệu phản động, ma túy… trên xe hay không. Các ngành cũng có quy chế phối hợp với nhau rất tốt.

Thái Bình (lược ghi)

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giải quyết khó khăn, thách thức để phát triển Đại học Huế
Giải quyết khó khăn, thách thức để phát triển Đại học Huế

Chiều 17/2, Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội do ông Nguyễn Đắc Vinh, UVTW Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Đại học (ĐH) Huế về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục, đào tạo. Cùng tham dự buổi làm việc có ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.

Biến giá trị văn hóa thành nguồn lực phát triển
Biến giá trị văn hóa thành nguồn lực phát triển

Sáng 17/2, Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục - Quốc hội khóa XV do ông Nguyễn Đắc Vinh, UVTW Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban có buổi làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong các lĩnh vực giáo dục (GD), đào tạo (ĐT), văn hóa (VH), du lịch (DL).