Thứ Bảy, 17/02/2018 14:47

Tín dụng chính sách: “Bà đỡ” cho hộ nghèo

Hàng nghìn hộ trên toàn tỉnh đã thoát nghèo, thoát nghèo bền vững 5 năm qua, ngoài nỗ lực tự vươn lên còn nhờ các kênh hỗ trợ vốn vay từ nguồn tín dụng chính sách xã hội (CSXH).

Bộ Lao động tiến hành rà soát hộ nghèo, cận nghèo trên toàn quốcThoát nghèo từ ý thứcTập trung giải ngân, đáp ứng nhu cầu vay vốn cho hộ nghèo và đối tượng chính sách

Nhiều hộ dân ở vùng cao Nam Đông được hỗ trợ vốn TDCS phát triển trồng cây có múi

Trao "cần câu"

Anh Nguyễn Văn Phúc, ở bản Khe Trăn, xã Phong Mỹ (Phong Điền) sau khi lập gia đình chỉ hai bàn tay trắng. Được hỗ trợ vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH huyện, vợ chồng anh đầu tư trồng cao su, tràm, nuôi bò. Giờ đây, trong tay anh đã có gần 15ha rừng và cho thu nhập khoảng 150 triệu đồng/năm.

Hộ anh Nguyễn Văn Nguyền cũng là một trong những trường hợp ở xã Phong Mỹ được hỗ trợ vay vốn tín dụng CSXH để trồng rừng và mở dịch vụ kinh doanh ăn uống phục vụ du lịch tắm suối. Có được "cần câu", gia đình anh chí thú làm ăn, sinh sôi đồng vốn. Bây giờ, bình quân mỗi tháng gia đình anh thu nhập hơn 8 triệu đồng.

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, những năm qua, tỉnh đã tập trung nhiều nguồn lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo, trong đó nguồn vốn tín dụng CSXH được xem là giải pháp, nguồn lực tài chính, đòn bẩy kinh tế quan trọng. UBND tỉnh đã chỉ đạo chính quyền địa phương các cấp, các ban ngành liên quan phối hợp với Ngân hàng CSXH tỉnh thực hiện rà soát nhu cầu vốn vay để đảm bảo 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên toàn tỉnh được tiếp cận nguồn vốn tín dụng CSXH khi có nhu cầu vay vốn để sản xuất kinh doanh và phục vụ nhu cầu thiết yếu của hộ gia đình.

Từ năm 2016 đến nay, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương cấp tỉnh đến cấp huyện chuyển sang Ngân hàng CSXH tỉnh không ngừng tăng lên. Quy mô tín dụng cũng được mở rộng, chất lượng tín dụng được nâng lên, đáp ứng nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD), ổn định cuộc sống cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn toàn tỉnh, nhất là các hộ thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn bãi ngang ven biển, xã xây dựng nông thôn mới.

Đến nay, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đang thực hiện 17 chương trình TDCS theo chỉ định của Chính phủ, với tổng dư nợ khoảng 2.825 tỷ đồng và khoảng 91.900 khách hàng còn dư nợ.

Trong 5 năm, thông qua các chương trình tín dụng CSXH trên địa bàn đã tạo điều kiện cho 82.955 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo được vay vốn, góp phần giúp cho 11.412 hộ vay vốn được thoát nghèo; 7.420 lao động có việc làm; 192 lao động đi lao động ở nước ngoài; 3.701 học sinh, sinh viên được vay vốn để học tập; 1.883 hộ nghèo được hỗ trợ vốn để xây dựng nhà ở; 76.306 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được xây dựng mới; 21.983 hộ ở vùng khó khăn được vay vốn SXKD…

Với nguyên tắc "cho vay đúng đối tượng, vốn vay có vật tư tương đương làm đảm bảo và có khả năng trả nợ", nên chất lượng TDCS không ngừng được nâng cao. Đến nay, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh là 0,11%, giảm 0,23% so với cuối năm 2015. Trong đó, nợ quá hạn là 2.412 triệu đồng, giảm 1.343 triệu đồng so với cuối năm 2015, đạt tỷ lệ 0,09%, giảm 0,11% so với cuối năm 2015.

Vượt chỉ tiêu giảm nghèo

Ông Trần Lanh, Trưởng ban Mặt trận khu dân cư thôn Thủy Diện, xã Phú Xuân (Phú Vang) đánh giá cao hiệu quả của tín dụng CSXH thông qua kênh ủy thác của các tổ chức hội đoàn thể của thôn trong việc hỗ trợ vốn vay cho nhiều hộ thoát nghèo, ổn định kinh tế. Nhất là sau khi lên bờ định cư, nhiều hộ gặp nhiều khó khăn trong việc xoay xở nguồn vốn làm ăn, nhưng nhờ kịp thời tiếp cận vốn vay tín dụng CSXH, nhiều bà con đã đầu tư ao hồ, con giống, tìm hiểu kỹ thuật nuôi để phát triển nuôi trồng thủy sản. Nhiều hộ không chỉ thoát nghèo mà còn khá giả hơn.

Theo điều tra, cuối năm 2015, toàn tỉnh có 23.600 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 8,36%; hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 4,97%. Năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,17%; hộ cận nghèo 4,51%. Dự kiến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,67%.

Theo kết quả trên, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh trong 5 năm giai đoạn 2016-2020 bình quân giảm 0,94%/năm là vượt chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo 0,87% Thủ tướng Chính phủ giao, góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về nghèo giữa các vùng.

Có được kết quả giảm nghèo trên phải kể đến vai trò "bà đỡ" của tín dụng CSXH. Nguồn vốn không những tạo đà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh vượt qua nghèo khó mà còn góp phần làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của bà con. Nhiều người đã biết cách lựa chọn những mô hình kinh tế phù hợp và đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới áp dụng vào các dự án SXKD có đầu tư vốn tín dụng CSXH, đem lại đạt hiệu quả kinh tế cao.

Theo chị Nguyễn Thị Gái, phụ trách Tổ Tiết kiệm và Vay vốn thuộc Chi hội Phụ nữ thôn Giáp Đông, xã Hương Toàn (TX. Hương Trà), thông qua hoạt động vay vốn đã giúp hội viên cần nguồn vốn để làm ăn không phải đi vay nóng, vay tín dụng đen với lãi suất quá cao và không an toàn. Đây còn là kênh giúp các chị em phụ nữ kết nối, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm SXKD, đồng thời xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh, đoàn kết.

Theo đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nguồn vốn tín dụng CSXH đem lại cơ hội thoát nghèo, vượt khó cho nhiều hộ gia đình, tăng tỷ lệ hộ có mức sống được cải thiện, mức thu nhập bình quân từ 5-10 triệu đồng/tháng lên cao hơn, thậm chí có nhiều hộ thu nhập từ 20-30 triệu đồng/tháng.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khởi công xây dựng “Nhà tình nghĩa” tặng hộ nghèo huyện Nam Đông
Khởi công xây dựng “Nhà tình nghĩa” tặng hộ nghèo huyện Nam Đông

Sáng 21/2, Cục CSGT Bộ Công an, Phòng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cùng với công an địa phương và cấp ủy, chính quyền ở cơ sở tổ chức lễ khởi công xây dựng “Nhà tình nghĩa” tặng 2 hộ gia đình diện chính sách khó khăn về nhà ở của huyện Nam Đông.

Hiệu ứng từ chính sách miễn phí giao dịch ngân hàng điện tử
Hiệu ứng từ chính sách miễn phí giao dịch ngân hàng điện tử

“Chuyển khoản nghe”, “quẹt thẻ hí” trở thành câu nói hết sức quen tai trong thời gian gần đây, khi nhiều người dù được coi là “lạc hậu” hay “mù công nghệ” cũng đã dần ‘nhập cuộc” với thói quen thanh toán không dùng tiền mặt.