Thứ Năm, 05/04/2018 07:53

Đầu tư công trong nông nghiệp: Tăng khả năng thích ứng

Là ngành chịu tác động trực tiếp từ thiên tai, dịch họa, đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp được coi là giải pháp đảm bảo an sinh, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH).

Doanh thu thanh toán toàn cầu giảm 22% trong 6 tháng đầu nămĐộng lực đẩy nhanh dự án ODACác dự án đầu tư xây dựng cơ bản đảm bảo điểm dừng kỹ thuật

Các dự án kè biển có vai trò quan trọng trong phòng chống thiên tai

Dấu ấn

Có thâm niên trong ngành thủy lợi, ông Đỗ Văn Đính, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH NN MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi Thừa Thiên Huế không thể quên thời khắc quan trọng vào năm 2008 khi đập Thảo Long, con đập lớn nhất Đông Nam Á chính thức đi vào vận hành.

Trong trí nhớ của ông Đính, những năm trước 2008, ngành thủy lợi đứng trước muôn vàn khó khăn khi cứ đến mùa hè, tình trạng xâm nhập mặn lại tái diễn khiến hàng ngàn ha lúa của người dân dọc hạ lưu sông Hương oằn mình “chịu trận”. Chưa kể, sông Hương là nguồn nước chính cung cấp nước sinh hoạt cho người dân nhiều địa phương trong tỉnh.

Năm 2006, được sự đầu tư của Nhà nước, đập Thảo Long được đầu tư xây dựng với tổng kinh phí đầu tư trên 150 tỷ đồng, gồm 1 âu thuyền, 15 cửa van, khẩu độ 3,5 m/cửa... Phía trên là cây cầu nối giữa thôn Thuận Hoà (Hương Trà) với thị trấn Thuận An (Phú Vang), phía dưới là đập ngăn với hệ thống đóng mở bằng xi- lanh thủy lực.

Đập Thảo Long có tác dụng ngăn mặn giữ ngọt, chống hạn và thúc đẩy hoạt động nuôi trồng thủy sản, lưu trữ nguồn nước phục vụ tưới cho sản xuất nông nghiệp, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho các huyện Quảng Điền, Phú Vang, TX. Hương Trà, Hương Thủy và TP. Huế; phục vụ quá trình điều tiết, xả lũ cho các công trình trên lưu vực sông Hương như các hồ thủy điện Hương Điền, Bình Điền, Tả Trạch. Công trình còn đảm bảo an toàn cho các hoạt động qua lại của tàu thuyền. Từ đó đến nay, tình trạng xâm nhập mặn không còn tái diễn, nguồn nước tưới được đảm bảo cho hàng ngàn ha lúa, cải thiện môi trường sinh thái, cảnh quan du lịch ở sông Hương và vùng đầm phá Tam Giang.

Năm 2018, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh và vốn ngân sách Trung ương, dự án (DA) kè chống sạt lở bờ biển khẩn cấp đoạn Thuận An - Tư Hiền được đầu tư với tổng vốn hơn 300 tỷ đồng. Tuyến kè được đầu tư xây dựng với tổng chiều dài khoảng 3.090m dọc theo bờ biển từ Thuận An đến cửa Tư Hiền. Công trình này giúp ngăn chặn xói lở, bảo vệ bờ biển đoạn từ Thuận An (Phú Vang) đến Tư Hiền (Phú Lộc), bảo vệ trực tiếp khu dân cư tập trung 5 xã vùng bãi ngang khó khăn ven biển khoảng 1.316 hộ dân với gần 5.753 nhân khẩu, hơn 450ha đất sản xuất lúa 2 vụ, 85 ha nuôi trồng thủy sản và 14ha đất rừng phòng hộ ven biển, giữ vững nguồn sinh kế , giúp người dân yên tâm sinh sống, sản xuất.

Ngoài ra, nhiều hệ thống kè biển từ nguồn đầu tư công cũng góp phần quan trọng bảo vệ an toàn cho người dân, hạn chế tình trạng xâm thực như hệ thống kè Hải Dương, Quảng Công…Ông Hồ Thanh Sơn, xã Hải Dương bộc bạch, nhà ở gần mép biển nên cứ mỗi mùa mưa bão đến, gia đình lại nơm nớp lo sợ tình trạng sạt lở. Thế nhưng sau khi đầu tư hệ thống kè biển, gia đình rất yên tâm, cảnh quan môi trường được cải thiện, khu vực đầu tư kè biển trở thành điểm đến du lịch của rất đông du khách gần xa, tạo sinh kế ổn định cho người dân.

Thi công hệ thống kè biển Vinh Hải (này là Giang Hải)

Cần 1.200 tỷ đồng giai đoạn 2021-2025

Một số DA đầu tư công trên địa bàn trong thời gian qua có tác động mạnh đến sinh kế người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương.

Qua thực hiện các DA, nhiều khu vực đất trống không có khả năng sản xuất nông nghiệp đã được trồng rừng, làm cân bằng môi trường sinh thái tại một số vùng miền núi, khu vực ven biển, nâng cao độ che phủ rừng. Các DA thuộc lĩnh vực thủy sản như khu neo đậu tàu thuyền Lộc Trì, đầu tư nâng cấp cảng cá Thuận An… đã cải thiện đáng kể kết cấu hạ tầng bến cá, đáp ứng nhu cầu neo đậu, tránh bão, hạn chế thiệt hại về người và phương tiện đánh bắt trong mùa mưa bão. Các DA trồng rừng ngập mặn cũng có tác động tích cực đến bảo vệ môi trường, phục hồi hệ sinh thái…

Kết quả triển khai thực hiện nguồn vốn đầu tư công tạo chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp, tuy vậy quá trình thực hiện các công trình, DA vẫn gặp những khó khăn, nhất là nguồn vốn ngân sách Trung ương bố trí cho các DA thuộc chương trình mục tiêu còn thiếu so với nhu cầu, ảnh hưởng đến tiến độ.

Ông Trương Văn Giang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay, nguồn lực đầu tư công trong lĩnh vực nông nghiệp khá hạn chế. Tuy nhiên, địa phương đã tranh thủ được các nguồn vốn khác, nguồn vốn vay… đầu tư cơ sở hạ tầng vật chất phục vụ phát triển nông nghiệp nói chung và đảm bảo đời sống người dân nói riêng, nhất là lĩnh vực phòng chống thiên tai. Thời gian tới, sở và địa phương sẽ tiếp tục tranh thủ nguồn vốn ưu tiên đầu tư những công trình cấp bách trọng điểm nhằm ổn định đời sống người dân, giảm thiểu tác động của BĐKH, bảo vệ hệ sinh thái môi trường, đầu tư hạ tầng nông nghiệp phục vụ sản xuất của người dân.

Theo ông Trương Văn Giang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, giai đoạn 2021-2025, ngành nông nghiệp cần nguồn vốn đầu tư gần 1.200 tỷ đồng, đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng phục vụ phát triển hệ thống thủy lợi, phòng chống thiên tai. Trong đó, ưu tiên phục vụ hiện đại hóa ngành lâm nghiệp; đầu tư hệ thống tiêu thoát lũ dọc các tuyến Phổ Lợi, Mộc Hàn, Phú Khê thuộc huyện Phú Vang; nâng cấp hệ thống đê sông Thiệu Hóa; sửa chữa, nâng cấp trạm bơm tại các địa phương.

Bài, ảnh: Hoàng Loan

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô
Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc đôn đốc đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội vào ngày 21/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ mục tiêu phải giải ngân đạt ít nhất 95% trong tổng số hơn 711 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2023.

Liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị
Liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị

Mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, trong đó hợp tác xã (HTX) làm khâu trung gian kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp tiêu thụ và chế biến sản phẩm đang được ngành nông nghiệp từng bước nhân rộng.

Cơ giới hóa nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu mới
Cơ giới hóa nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu mới

Hàng ngàn máy cày, máy thu hoạch lúa gặt đập liên hợp hiện đại được các hợp tác xã, người dân mua sắm, ứng dụng vào sản xuất, nhưng vẫn chưa đáp ứng trước yêu cầu trong tiến trình cơ giới hóa nông nghiệp hiện nay.