Thứ Hai, 30/04/2018 13:30

Nặng lòng với Rào Trăng

Có mặt nơi đầu “tiền tuyến” Rào Trăng mới thấy hết lực lượng cứu hộ cứu nạn (CHCN), người dân nơi đây đang “chung lưng đấu cật” một lòng với Rào Trăng, quyết tìm kiếm, đưa những nạn nhân còn mất tích về với gia đình…

Phát hiện thêm một nạn nhân, còn 12 người mất tích ở Thủy điện Rào Trăng 3Chạy đua thời gian, tìm kiếm nạn nhân ở Thủy điện Rào Trăng 3Đường 71 đã thông, tìm thấy 4/17 nạn nhân ở Thủy điện Rào Trăng 3

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu tiếp cận hiện trường Rào Trăng 3 để chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn

Đối diện hiểm nguy

Sau gần nửa tháng cứu hộ cứu nạn với hàng chục chuyến lên về Thủy điện Rào Trăng 3 (Phong Xuân, Phong Điền) bằng đường thủy, Thượng tá Nguyễn Thanh Tuấn, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh vẫn nhớ như in chuyến đi đầu tiên lên dòng Rào Trăng chiều 13/10 (sau sự cố sạt lở đất 1 ngày) để có những thông tin đầu tiên đưa về cho lực lượng chức năng triển khai công tác CHCN.

Thượng tá Nguyễn Thanh Tuấn kể: “Chiều ngày 13/10, sau khi nhận lệnh từ cấp trên, cần tiếp cận Thủy điện Rào Trăng 3, 4 để có thông tin về số người bị nạn, số người sống sót bị mắc kẹt và lương thực của các công nhân còn lại ở các thủy điện. Đoàn chúng tôi gồm 9 cán bộ chiến sĩ thuộc lực lượng CSGT và cảnh sát PCCC CHCN Công an tỉnh xuất phát bằng 2 ca nô từ bến thuyền xã Hương Bình (Hương Trà). Vùng lòng hồ Thủy điện Hương Điền lên khu vực sông Rào Trăng chằng chịt khe suối, điểm rẽ và những bãi đá ngầm chênh vênh. Trước khi đi, lãnh đạo Công an tỉnh căn dặn anh em: Tùy tình hình thực tế mà quyết định tiếp cận khu vực thủy điện. Việc lấy thông tin phải nhanh, chính xác để có những quyết sách đầu tiên cho vụ sạt lở. Và phải trở về trước khi trời tối để đảm bảo an toàn cho lực lượng.

Đoàn công tác của Thượng tá Tuấn được người dân sinh sống gần vùng lòng hồ tình nguyện làm “hoa tiêu” khi triển khai nhiệm vụ mũi đường thủy. Tuy nhiên, khi 2 ca nô lên tới sông Rào Trăng gần Thủy điện Rào Trăng 4 đến đoạn giao cắt với khe Ồ (khe này chảy từ tiểu khu 67 giao cắt với sông Rào Trăng) thì gặp nước chảy xiết từ lòng khe ra. Sông Rào Trăng trong những ngày mưa lũ cũng trở nên hung tợn vô cùng. Phút chốc 2 chiếc ca nô của đơn vị như “hai chiếc lá” chênh vênh giữa dòng nước xoáy. Một người trong đoàn hét lớn: Anh em bình tĩnh, bám chặt thành ca nô. Người cầm lái liền lách ca nô vào bờ sông cách đó chừng 200m.

Các đoàn cứu nạn, cứu hộ tiếp cận Rào Trăng 3

Thượng tá Nguyễn Thanh Tuấn kể tiếp: “Thời điểm đó chưa có thông tin, chưa thể liên lạc được với chủ đầu tư Thủy điện Rào Trăng 4 nên anh em không thể biết thủy điện đang mở cửa xả lũ. Đoàn xác định không thể đi tiếp bằng đường thủy vì nước quá xiết nên chuyển qua đường bộ. Sau khi cắt cử 2 chiến sĩ ở lại giữ ca nô, với sự hỗ trợ của người dân địa phương, chúng tôi băng rừng, cắt suối, tìm lên được tuyến đường 71 và gặp được số công nhân bị kẹt lại tại các thủy điện. Thông tin ghi nhận được có 17 người mất tích, lương thực các công nhân chỉ còn lại khoảng 1 ngày…”.

Lực lượng cứu hộ yêu cầu chủ đầu tư đóng đập thủy điện trong 30 phút để đoàn rút về bằng đường thủy. Tuy nhiên, khi ra lại bờ sông, mực nước giảm (do đóng đập) đã cuốn 2 ca nô về bên kia bờ sông Rào Trăng và đẩy lên bờ mắc cạn ở ghềnh đá. Nhờ sự giúp đỡ của người dân địa phương, công nhân thủy điện, đoàn đẩy được cano xuống lại lòng sông để tiếp tục hành trình về xuôi. Trời tối - dòng Rào Trăng trở nên huyền bí, hiểm nguy hơn với những bãi đá ngầm có thể gây lật thuyền bất cứ lúc nào. Lúc đó, nhờ “hoa tiêu” là ngư dân sống gần dòng sông này đoàn mới về đến đất liền.

“Dù khó khăn, nguy hiểm nhưng anh em vẫn quyết tâm lấy được thông tin. May mắn là đoàn chúng tôi được người dân địa phương giúp đỡ rất nhiều mới hoàn thành nhiệm vụ để triển khai công tác CHCN về sau”, Thượng tá Nguyễn Thanh Tuấn chia sẻ.

Không chỉ được ủng hộ, giúp đỡ của người dân địa phương, thông thuộc địa bàn khu vực sông Rào Trăng, lực lượng CHCN còn nhận được thông tin quý giá từ người dân đi rừng về những điểm nghi có thi thể của nạn nhân trên con sông này.

Chạy đua với thời gian

Ngay sau khi chỉ đạo thành công Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu đã có mặt ở hiện trường vụ sạt lở đất do mưa lũ tại Thủy điện Rào Trăng 3 để tiếp tục chỉ đạo công tác CHCN. Từ cái bắt tay, động viên, dặn dò các lực lượng cứu hộ khá vội vàng của vị Bí thư Tỉnh ủy- khi đến điểm tập kết quân tại bến thuyền xã Hương Bình để triển khai mũi tiếp cận đường thủy lên Rào Trăng 3 cho thấy quyết tâm của tỉnh trong việc tìm kiếm các nạn nhân còn mất tích.

“Việc đang rất cấp bách, cần nhanh chóng đưa hết các nạn nhân mất tích về với gia đình vì thời tiết hiện nay rất phức tạp. Nhưng lực lượng CHCN phải tuyệt đối đảm bảo an toàn, không được lơ là chủ quan”, Bí thư Tỉnh ủy lưu ý.

Rào Trăng 3 đổ nát sau sạt lở đất

Vượt bao thác ghềnh, sông Rào Trăng với những cọc cây nhọn đã khiến chiếc ca nô đoàn chúng tôi chồm lên cùng những cú đánh lái tránh bãi đá ngầm, đoàn công tác đến Thủy điện Rào Trăng 4. Từ đây, để lên Rào Trăng 3 phải di chuyển bằng đường bộ theo tuyến đường độc đạo- đường 71.

Mưa lũ lên tiếp trong gần nửa tháng qua, làm vùng địa hình ở đây trở nên hiểm trở hơn với hàng chục điểm có nguy cơ sạt lở tiếp diễn, đường xói lở hở hàm ếch với một bên núi cao và còn lại là vực sâu hun hút.

Sau nhiều nỗ lực không ngừng nghỉ của lực lượng CSGT, TTGT, công binh… tuyến đường 71 nối từ xã Phong Xuân lên Rào Trăng 3 đã thông tuyến. Dù vậy, nguy cơ tiềm ẩn sạt lở tiếp diễn rất cao. Dừng chân tại Km27+800 (cách Thủy điện Rào Trăng 3 khoảng 8km), Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu hội ý nhanh với ngành giao thông để xử lý điểm sạt lở và thông đường tại đây. Khu vực này trên nền đường nhiều tảng đá lớn được lực lượng công binh cho nổ mìn tách nhỏ, san gạt ra hai bên đường. Phương tiện cơ giới đã đi lên được thực hiện nhiệm vụ CHCN tại Rào Trăng 3.

Tuy nhiên, nền đường hiện tại rất yếu, bùn đất dày đặc. Từ trên sườn núi những khối đá lớn cùng đất sắp sạt trượt như đang “chực chờ” rơi xuống. Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu yêu cầu chủ đầu tư phối hợp với Sở Giao thông Vận tải nghiên cứu, chọn phương án tối ưu nhất để xử lý khối lượng đất đá lớn đang chuẩn bị sạt trượt xuống đường 71. Những ngày tới, dự báo trên địa bàn tỉnh có mưa nên sạt lở có thể sẽ tiếp diễn gây cách tắc tuyến đường 71, cản trở lực lượng CHCN.

Tiếp cận được Thủy điện Rào Trăng 3 nơi có 12/17 công nhân còn mất tích, mới thấy hết sự nghiệt ngã, hoang tàn, đổ nát của vùng này sau cơn sạt lở núi. Hàng nghìn khối đất đá đổ ụp từ trên triền đồi xuống vùi lấp nhà điều hành và lán trại của công nhân. Hệ thống kè taluy bằng bê tông nặng hàng tấn bị cuốn, đẩy văng từ trên đồi sang bên kia khe suối.

Ròng rã nhiều ngày qua, lực lượng công binh, công an đã tiến hành giải phóng nhiều khối lượng đất đá và tìm được 5 nạn nhân tại khu vực này. Các lực lượng chia thành 3 mũi dùng các phương tiện cơ giới, tăng cường thêm chó nghiệp vụ để tiếp tục tìm kiếm các nạn nhân. Công tác tìm kiếm đang tập trung 3 mũi: ở khu vực sát bờ của sông Rào Trăng, đỉnh khu vực sạt lở của nhà điều hành và lán trại của công nhân.

Anh Nguyễn Xuân Thành, công nhân Thủy điện Rào Trăng 3 nói qua tiếng nấc nghẹn: “Giờ chỉ cầu mong thời tiết thuận lợi, tạo điều kiện lực lượng CHCN tìm kiếm thêm nhiều công nhân nữa. Cả gần nửa tháng nay anh em công binh, công an quần quật, người dân địa phương cũng hỗ trợ nhiều trong việc gùi hàng hóa, chỉ đường. Tất cả đều cố gắng, không phụ lòng mong mỏi của người thân nạn nhân”.

Sau khi trao đổi với lực lượng CHCN tại đây, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu yêu cầu các đơn vị tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện, máy móc cơ giới để khẩn trương nạo vét đất đá, tìm kiếm các nạn nhân mất tích.

Có mặt tại hiện trường, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cũng yêu cầu các lực lượng cần chọn phương án tìm kiếm an toàn để tránh sạt lở thêm. Theo đó, triển khai thêm xe ủi, xe múc để san gạt tại khu vực lán trại công nhân, nhà điều hành theo từng phần từ trên cao xuống dưới nhằm đảm bảo tuyến hành lang an toàn, tránh gây thêm sạt lở thêm trong quá trình triển khai công tác CHCN.

Bài, ảnh: KHÁNH NHÂN PHONG

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Động đất Thổ Nhĩ Kỳ-Syria Hơn 7 800 người thiệt mạng, Thổ Nhĩ Kỳ ban bố tình trạng khẩn cấp
Động đất Thổ Nhĩ Kỳ-Syria: Hơn 7.800 người thiệt mạng, Thổ Nhĩ Kỳ ban bố tình trạng khẩn cấp

Theo tin từ Reuters, tính đến hết ngày 7/2, số người chết trong trận động đất kinh hoàng ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã tăng lên hơn 7.800 người, khi lực lượng cứu hộ vẫn đang chạy đua với thời gian trong điều kiện mùa đông khắc nghiệt để cố gắng cứu những người sống sót ra khỏi đống đổ nát của các tòa nhà bị sập.