Thứ Hai, 09/07/2018 12:32

Lộc Bổn phát triển 560 ha rừng trồng gỗ lớn

Với giá trị từ 250-300 triệu đồng/ha, gấp 4 lần so với rừng trồng gỗ nhỏ, xã Lộc Bổn (Phú Lộc) đã phát triển diện tích rừng trồng trồng gỗ lớn có chứng chỉ FSC lên 560 ha.

Cơ hội rộng mở cho rừng gỗ lớnRừng trồng gỗ lớn ứng phó biến đổi khí hậu

Người dân Lộc Bổn thu hoạch rừng trồng gỗ lớn

Sau khi tìm hiểu kỹ về mô hình chuyển đổi phương pháp trồng rừng cho hiệu quả kinh tế cao, Giám đốc HTX Lâm nghiệp bền vững Hòa Lộc (xã Lộc Bổn), ông Hồ Đa Thê đã tiên phong vận động người dân đăng ký tham gia trồng rừng chứng chỉ FSC với 25 thành viên ban đầu tham gia trồng hơn 189 ha.

Ông Thê phân tích, trước đây, trồng rừng thuyền thống có mật độ từ 2.500 - 3.000 cây/ha, vì mục đích bán gỗ dăm, sau 5 năm thu hoạch chỉ bán được 80 triệu đồng/ha. Trong khi đó, nhu cầu của thị trường về gỗ có chứng chỉ FSC rất lớn, có giá cao hơn so với gỗ dăm là 350.000đồng/tấn, đầu ra lại ổn định. Sau 2 lần tỉa thưa rừng từ 4 năm tuổi và 5 năm tuổi theo tiêu chuẩn FSC, đã đem lại nguồn thu bình quân 40 - 50 triệu đồng/ha từ nguồn tỉa thưa để bà con lấy lại tiền đầu tư trồng và chăm sóc. Số cây rừng đạt chuẩn còn lại sẽ được chăm sóc đến đủ 7-8 năm.

Sau gần 7 năm, mới đây, tất cả rừng trồng gỗ lớn của các thành viên thuộc chi hội này đã cho khai thác đạt sản lượng gỗ bình quân từ 200-220m3/ha, tỷ lệ gỗ đạt từ 60-70%, đưa giá trị rừng trồng gỗ lớn có chứng chỉ FSC đạt 250-300 triệu đồng/ha, đặc biệt có lô đạt 380 triệu đồng/ha. So với rừng trồng gỗ nhỏ khai thác sau 5 năm chỉ được khoảng 80-90 triệu đồng/ha, rừng trồng gỗ lớn có chứng chỉ FSC dài hơn 2 năm, lợi nhuận cao hơn từ 150-200 triệu đồng/ha. Với hiệu quả đó, đến nay chi hội đã mở rộng lên 55 thành viên, với tổng diện tích 560 ha rừng trồng được cấp chứng chỉ rừng FSC.

Chủ tịch UBND xã Lộc Bổn, ông Nguyễn Đức Phú cho biết, để nâng cao nhận thức cho bà con về quản lý rừng trồng FSC, chính quyền địa phương đã phối hợp với dự án WWF tổ chức các lớp tập huấn, kỹ thuật lâm sinh trồng và chăm sóc, quản lý rừng trồng, khai thác tác động thấp. Đồng thời, tham gia các lớp hội thảo tiếp cận với các doanh nghiệp có nhu cầu thu mua sản phẩm gỗ FSC, nắm bắt giá cả thị trường với nhu cầu lớn; qua đó, đã đưa hiệu quả kinh tế rừng trồng có chứng chỉ FSC lên cao. Địa phương đã xây dựng được mô hình chuyển đổi từ rừng trồng gỗ dăm sang rừng trồng gỗ lớn có tỉa thưa; tổ chức thành lập các tổ khai thác chuyên nghiệp, tập huấn quy trình tỉa thưa khai thác tác động thấp vào rừng trồng cho các thành viên.

Theo ông Nguyễn Đức Phú, địa phương đang hỗ trợ, khuyến khích HTX Lâm nghiệp bền vững Hoà Lộc mở rộng hoạt động trở thành đơn vị cung cấp các sản phẩm và dịch vụ cho bà con, đáp ứng nhu cầu kinh doanh rừng trồng gỗ lớn bền vững theo tiêu chí FSC. Bước đầu, HTX đã xây dựng vườn ươm cây giống thân thiện môi trường với tổng diện tích vườn ươm 0,5 ha, có quy mô sản lượng bình quân khoảng 1 triệu cây/năm. Đơn vị đầu tư thêm dây chuyền thiết bị lạng ván mỏng, với tổng kinh phí hơn 1,2 tỷ đồng, công suất 15m3/ngày để bao tiêu sản phẩm gỗ của bà con.

Cấp ủy, chính quyền đã chỉ đạo HTX đứng ra ký hợp đồng cam kết bao tiêu sản phẩm cho bà con, đồng thời cung cấp gỗ lớn với khách hàng chiến lược là Công ty ScanciaPacific trong chuỗi rừng trồng gỗ lớn FSC; qua đó, góp phần khẳng định nghề trồng rừng gỗ lớn là giải pháp để nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo nguồn nguyên liệu tập trung cho các nhà máy sản xuất, chế biến sản phẩm gỗ xuất khẩu.

Lộc Bổn là xã đồng bằng bán sơn địa, với 1.197 hộ làm nông lâm nghiệp, có diện tích tự nhiên 3.269,46 ha, trong đó đất trồng rừng sản xuất hơn 1.518 ha. Đây là dư địa để phát triển diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC, góp phần đưa nghề trồng rừng gỗ lớn trở thành ngành nghề mới nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân.

Bài, ảnh: BÁ TRÍ

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ba cây chụm lại
Ba cây chụm lại

Việc thành lập các mô hình liên kết phát triển sản xuất, kinh doanh của hội viên phụ nữ tại nhiều địa phương bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Nhân rộng và phát triển các mô hình sinh kế giảm nghèo
Nhân rộng và phát triển các mô hình sinh kế giảm nghèo

Kết quả đạt được trong thực hiện giảm tỷ lệ hộ nghèo và giảm nghèo bền vững của tỉnh trong thời gian qua phải kể đến những mô hình phát triển sinh kế đưa về các địa phương, hộ dân một cách kịp thời và thiết thực.

Chuyển đổi số Tư duy, hành động mới
Chuyển đổi số: Tư duy, hành động mới

Tại Thừa Thiên Huế, chuyển đổi số (CĐS) trong hoạt động của nhiều đơn vị, doanh nghiệp (DN), địa phương đang có nhiều chuyển biến hiệu quả, thích ứng với tình hình thực tế.

Thu hút thêm 48 dự án nhà ở xã hội và thương mại
Thu hút thêm 48 dự án nhà ở xã hội và thương mại

Sáng 10/2, lãnh đạo Sở Xây dựng thông tin, theo Quyết định phê duyệt của UBND tỉnh số 3456/QĐ-UBND tỉnh ngày 29/1/2021, từ nay đến năm 2025 các sở, ban, ngành chức năng liên quan tập trung kêu gọi 48 dự án (DA) nhà ở xã hội và thương mại.

Chậm trong phát triển sản phẩm du lịch
Chậm trong phát triển sản phẩm du lịch

Sản phẩm du lịch là lý do để du khách quyết định lựa chọn điểm đến. Dù đã có nhiều kế hoạch, giải pháp, nhưng sự phát triển sản phẩm của du lịch Huế vẫn còn chậm.