Thứ Năm, 12/07/2018 14:00

Doanh nghiệp du lịch vượt “bão” COVID-19

Dù chưa thể đạt đến trạng thái 100% như trước dịch, song với một số giải pháp mới, linh động trong cách làm, chủ động tìm kiếm nguồn khách phù hợp, một số điểm đến, doanh nghiệp từng bước vượt qua cơn “bão” COVID-19.

Tìm cách “giữ lửa” nghềĐề xuất nhiều giải pháp phục hồi ngành du lịch

Du khách đến Huế qua Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài

Tìm khách hơn đợi khách

Trong cơn “bão” COVID-19, mọi doanh nghiệp đều bị cuốn vào vòng xoáy, nhiều doanh nghiệp đã không thể duy trì và buộc dừng, tạm ngưng hoạt động một thời gian. Nhiều lao động phải chuyển sang ngành nghề khác khi các doanh nghiệp không thể trụ vững gần 1 năm qua. Dù thế, trong khó khăn, vẫn có một số doanh nghiệp duy trì được hoạt động, vẫn “nuôi quân” với những cách làm linh động, có sự đầu tư về dịch vụ, nâng chất lượng sản phẩm.

Khu suối khoáng nóng Alba Thanh Tân, điểm nghỉ dưỡng được Sở Du lịch đánh giá là điểm đến đang “vượt bão” khá thành công. Chỉ những thời điểm bị hạn chế bởi dịch bệnh bùng phát, còn lại từ đầu năm 2020 đến nay, điểm nghỉ dưỡng này đều mở cửa đón khách.

Bà Châu Thị Hoàng Mai, Trưởng phòng Sale, Khu suối khoáng nóng Alba Thanh Tân, Giám đốc điều hành Khách sạn Alba Spa chia sẻ, nhờ vào thế mạnh từ suối khoáng nóng, điểm đến phù hợp với nghỉ dưỡng, sức khỏe và nằm tách biệt với đô thị sầm uất nên giúp Alba thu hút khách. Dựa vào thế mạnh đó, Alba cung cấp thêm những dịch vụ liên quan từ suối khoáng nóng, mang lại sức khỏe cả “thân, tâm và trí”. Ngoài ra, khi khách đến TP. Huế cũng có thể ngâm tắm suối khoáng nóng lấy từ nguồn nước ở Phong Sơn đưa vào. Có những thời điểm khu nghỉ dưỡng hoạt động không lãi, chỉ đủ chi phí trả lương nhân viên, chi phí vận hành, bảo trì cơ sở vật chất,… nhưng còn hơn là đóng cửa mà vẫn phải tốn những chi phí để bảo trì, đảm bảo hoạt động của các cơ sở vật chất.

“Chúng tôi xác định không đợi cơn bão đi qua mà biết nhảy múa trong cơn mưa. Chính phương châm đó nên hình thành ý tưởng mới, nếu khách hàng không thể tới với Alba thì Alba sẽ tới với khách hàng. Mùa dịch, nếu khách hàng không đến khách sạn ăn uống thì khách sạn sẽ mang thức ăn đến; không đến để sử dụng dịch vụ spa được thì sẽ được phục vụ tận nhà; không thể trải nghiệm nghỉ ngơi ở khách sạn thì sẽ có bộ phận làm buồng đến tận nhà sẽ setup (thiết kế) phòng ngủ cho khách hàng như khách sạn”, bà Châu Thị Hoàng Mai cho biết.

Chủ động để vượt khó

Tại Huế, tính đến cuối năm 2020, có 92 đơn vị lữ hành, thì 24 doanh nghiệp đã nộp đơn tạm dừng hoạt động. Lãnh đạo Sở Du lịch thẳng thắn, đó là con số đã làm thủ tục tạm dừng, còn trên thực tế còn nhiều doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, vì nhiều lần ngành không thể liên lạc được.

Lữ hành được xem là lĩnh vực chậm hồi phục nhất vì đi du lịch theo nhóm nhỏ, tự túc đang trở thành xu hướng mới. Dù vậy, đâu đó cũng có một số lữ hành vẫn duy trì được hoạt động khá tốt, như Vietravel – Chi nhánh Huế, Công ty CP Du lịch Đại Bàng, Công ty cổ phần Du lịch Hà Nội - Chi nhánh Huế… bằng sự chủ động, họ đã tìm được nguồn khách riêng. Sự tăng tốc ở các tháng cuối năm giúp người lao động các doanh nghiệp này hứa hẹn có một cái tết ấm áp hơn dự kiến.

Đại diện Công ty cổ phần Du lịch Hà Nội - Chi nhánh Huế cho biết, giai đoạn cuối năm, dòng khách đi hội nghị, hội thảo, tham gia các lớp tập huấn theo cụm nhiều tỉnh tăng, nên công ty đã liên hệ và khai thác được dòng khách này. Không chỉ khách trong tỉnh đi mà các tỉnh khác đến Huế cũng tăng đáng kể. Dòng khách này không chuyên về du lịch, song lại đòi hỏi nhiều về nơi ở, ăn uống, kết hợp với hội họp, hình thức di chuyển thuận tiện, đảm bảo sức khỏe…

Theo bà Châu Thị Hoàng Mai, dù nỗ lực nhưng không có sự liên kết tốt giữa đơn vị khai thác khách và đơn vị cung ứng dịch vụ cũng rất khó duy trì hiệu quả lâu dài. Tại diễn đàn du lịch ở Quảng Nam mới được tổ chức, Alba Thanh Tân đã giới thiệu chương trình nghỉ dưỡng 3 ngày 2 đêm; trong đó 1 đêm ở Alba Thanh Tân và 1 đêm ở TP. Huế. Chương trình này được rất nhiều khách ủng hộ, nhất là khách ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Với nguồn khách lớn, liên kết với các doanh nghiệp ở hai đầu đất nước là giải pháp được tập trung trong thời gian đến.

Ông Trần Hữu Thùy Giang, Phó Giám đốc Sở Du lịch đánh giá, một điều được chứng minh là đơn vị, doanh nghiệp nào có sự đầu tư về truyền thông, quảng bá, cùng với đó là có sự đầu tư, nâng cấp sản phẩm, đầu tư thêm một số sản phẩm du lịch phù hợp với phân khúc khách mới có sự phục hồi tốt trong giai đoạn gặp khó bởi dịch bệnh. Khi doanh nghiệp chủ động, phục hồi tốt sẽ là nền tảng để du lịch Huế phục hồi nhanh hơn.

“Ngành luôn khuyến khích các doanh nghiệp có những cách làm mới, linh hoạt, chủ động. Ngành du lịch sẽ hỗ trợ tối đa về quảng bá cho các doanh nghiệp, điểm đến; hỗ trợ tập huấn, chủ động trong phục vụ, khai thác dịch vụ trong tỉnh hình mới. Đồng thời, cố gắng đưa các sự kiện về Huế tổ chức. Bên cạnh đó, ngành cũng đang tiến hành đánh giá, phân tích xu hướng đi du lịch, sử dụng sản phẩm của du khách trong thời gian đến để doanh nghiệp có cơ sở xây dựng sản phẩm, cung ứng những dịch vụ phù hợp”, ông Trần Hữu Thùy Giang nhấn mạnh.

Bài, ảnh: Quang Sang

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khám phá, trải nghiệm dịch vụ du lịch ở Nam Đông
Khám phá, trải nghiệm dịch vụ du lịch ở Nam Đông

Trong hai ngày 25 - 26/2, Sở Du lịch phối hợp với UBND huyện Nam Đông, Hiệp hội Du lịch tỉnh, Hội Lữ hành tỉnh, Hiệp hội Du lịch và Hội Lữ hành TP. Đà Nẵng tổ chức chương trình khảo sát sản phẩm du lịch tại huyện Nam Đông.

“Bà đỡ” cho doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ
“Bà đỡ” cho doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ

Lấy doanh nghiệp (DN) làm trung tâm đổi mới và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) là phương châm của tỉnh, của ngành nhằm tạo ra các sản phẩm chủ lực, trọng điểm và hình thành, phát triển các sản phẩm, hàng hóa thương hiệu có khả năng cạnh tranh về chất lượng, giá thành, thị trường tiêu thụ.

Khách châu Á ​​kỳ vọng thúc đẩy du lịch Thụy Sĩ trong năm 2023
Khách châu Á ​​kỳ vọng thúc đẩy du lịch Thụy Sĩ trong năm 2023

Cơ quan Du lịch Thụy Sĩ (Switzerland Tourism) ngày 23/2 cho hay, khách du lịch châu Á được kỳ vọng sẽ hỗ trợ sự phục hồi của ngành du lịch Thụy Sĩ trong năm 2023, sau khi khách du lịch Mỹ đã đưa ngành này thoát khỏi tình trạng ảm đạm do đại dịch hồi năm ngoái.

Thành lập Hội đồng tư vấn nghề Cơ điện tử theo tiêu chuẩn của Đức
Thành lập Hội đồng tư vấn nghề Cơ điện tử theo tiêu chuẩn của Đức

Chiều 23/2, tại Trường cao đẳng Công nghiệp Huế (HueIC), Chương trình “Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam”- GIZ phối hợp với HueIC tổ chức hội nghị thành lập Hội đồng tư vấn nghề Cơ điện tử theo tiêu chuẩn CHLB Đức tại Thừa Thiên Huế. Hội nghị có sự góp mặt của đại diện 16 doanh nghiệp (DN) có nhu cầu nguồn nhân lực ngành Cơ điện tử đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước và các giảng viên chuyên ngành Cơ điện tử tại HueIC.