Thứ Tư, 08/08/2018 15:39

Check-in tết

Nhắc đến tết là nhớ liền đến mấy bó bông, chậu hoa đủ màu được xếp thành hàng dài, ngay ngắn dọc đường Trần Hưng Đạo và khu vực trung tâm phía Nam TP. Huế.

Thêm điểm “check in” trước thềm xuân

Xin chữ là một trong những hoạt động được nhiều bạn trẻ quan tâm trong dịp tết

Năm mới đang rất gần kề. Nhiều người đã có được cái thở ra mình mong muốn để sẵn sàng đón năm mới với nhiều kỳ vọng. Mọi địa điểm, thành phố lớn nhỏ cũng đều đã có nhiều hoạt động để người dân bắt đầu “chạm chân vào những trò vui” mà hưởng không khí xuân của ngày tết. Huế ngó nhỏ vậy, chứ cũng không nằm ngoài được. Thế là mấy bạn trẻ Huế chỉ đợi nhau gấp nốt những trang tài liệu cuối cùng để cùng bung xõa.

Nhắc đến tết là nhớ liền đến mấy bó bông, chậu hoa đủ màu được xếp thành hàng dài, ngay ngắn dọc đường Trần Hưng Đạo và khu vực trung tâm phía Nam TP. Huế. Gì thì gì, cứ thấy người ta bắt đầu cắm cọc phân lô, xe này xe kia bấm còi ra vào thay hoa, sắp hoa, thương lượng và rước hoa về là biết tết thực sự đã gõ vài ngón tay lên vai nhắc “mình đã ngay bên cạnh”. Chắc nơi nào cũng vậy, bên cạnh những gia đình lớn đến các chợ xuân để thực sự mua hoa về chưng, phần đông cũng là nhiều bạn trẻ đến đây để check-in, chụp ảnh. Chưa đến tết, nhưng nhiều bạn đã tranh thủ diện vài bộ áo dài, váy vóc sặc sỡ để “cạnh tranh” cho lại hoa cúc, lan, mai, đào đang gần đến ngày nở rộ.

Năm trước thế nào tôi chẳng nhớ rõ, nhưng với năm Tân Sửu này, chợ hoa được sắp đặt để diễn ra ở tận 3 địa điểm, gồm Công viên Phú Xuân (đoạn từ Cửa Quảng Đức về phía cầu Dã viên, mở từ ngày 20 tháng Chạp); Khu đất đối diện Trung tâm Thể thao tỉnh, hoạt động từ ngày 20 tháng Chạp) và Khu Đô thị An Cựu City, chưng hoa từ ngày 18 tháng Chạp). Thế là các “sàn catwalk tự chế” của các nàng, các cậu, các mợ, các dì ở Huế lại được dịp mở rộng ra nhiều hơn, với nhiều góc chụp hơn, khi mỗi khu vực chợ hoa đều từ vài chục đến 200 gian hàng theo các chủ đề, thể loại. Những lúc này, chú ý đến hoa là một chuyện, nhận ra mốt thời trang của năm cũng là một thú vui mới của nhiều người không tham gia vào các đường “fashion runway” như tôi và nhiều bạn nữa. Tôi nhớ năm ngoái và nhiều năm về trước, áo dài cách tân, áo dài giả váy vẫn là loại trang phục vô cùng được ưa chuộng. Nhưng có thể năm nay sẽ khác hơn, sẽ là nhiều hơn áo dài truyền thống để khoe mình trước giọt nắng vàng ươm, hay hiện đại hơn với áo len, dạ cho những ngày cận tết và tết ẩm ương lạnh... Không nằm trong hai nhóm này, mấy bạn thợ ảnh có thể sẽ không quan tâm mấy đến các mốt vải vóc, áo quần, nhưng mưa nắng thất thường sẽ được chú ý dữ lắm, bởi đây là cơ hội để nguồn rủng rỉnh chút cho năm mới nhờ nghề chụp ảnh ở chợ hoa...

Càng đến gần tết, các bạn ở Huế cũng có nhiều phương án hơn để lựa chọn. Ngày trước, tôi cứ ngỡ cái lứa tuổi chập cheng chắc chỉ ham mấy thú vui hiện đại, ấy vậy mà cũng có nhiều “anh, chị” đang độ xuân thì kháo nhau đợi đến chương trình Hương xưa bánh tết, chương trình nghệ thuật Âm sắc cung đình, lễ đổi gác, trình tấu đại nhạc... tổ chức bởi Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế để tìm về với những truyền thống bên cạnh guồng quay bận rộn. Có thể ngày xưa, được chùi lá, gói bánh, ngào mứt là chuyện thường ở huyện của nhiều nhà, nhưng mãi về sau này, hẳn cũng nhiều bạn vì nhiều lý do mà chưa được tận tay chuẩn bị tết. Vậy nên mới có nhiều người mong được tự tay xếp lá dong vào khuôn, độn nhân rồi gập cạnh ngay ngắn khi tham gia vào các hoạt động nấu banh chưng, làm bánh tết trong khuôn viên các cung của Đại Nội. Tôi cũng còn trẻ, cũng chưa được gói bánh lần nào, nhưng lúc này bên cạnh chuyện được thử tài đảm đang, khéo tay, nội trợ, bất giác hình ảnh của các trò chơi dân gian như đầu hồ, bài vụ, xăm hường cứ ở đâu xoay mòng mòng trong tâm trí. Chắc có thể, do nhớ mấy trải nghiệm mình đã thử trong các đợt Festival trước chẳng hạn. Có thể, do nhớ kỳ Festival Huế năm rồi đã bị hoãn do đại dịch chẳng hạn... Chỉ là thấy mình đang mong được gác lại “mấy cái ánh sáng xanh từ điện thoại, máy tính” để ùa vào mình những niềm vui này.

Nhưng đó là chưa kể đến tết, tức từ gần khoảnh khắc giao thừa, rất đông bạn trẻ check-in ở cầu gỗ Lim, quảng trường Ngọ Môn và năm nay lại có thêm đài phun nước trước trụ sở HĐND – UBND tỉnh để đón những đợt pháo hoa dài, rồi kéo nhau lên Tượng Phật Bà, các chùa như Thiên Mụ, Từ Hiếu, Huyền Không Sơn Thượng... để nguyện cầu cho một năm mới an yên và nhiều hy vọng nữa...

Sau nhiều năm rong ruổi trên các cung đường, địa điểm, nhiều bạn vẫn hỏi nhau rằng năm nay sẽ đi đâu cho mới lạ! Đứa này đứa kia cứ lao xao nghĩ và nói mãi. “Hay đi xong rồi về nhà, check-in ở nhà một cái, bên mâm cơm cùng cả nhà với background là chậu mai to ba vừa mua về và cùng nhau cười hí hửng khi xem lại táo quân đêm 30 tết chẳng hạn” - tôi nói khi mấy đứa quay sang hỏi. Thiệt chứ, đi đâu cho xa, nghĩ gì cho mệt... Tết mà, cốt là để đoàn viên thôi...

Bài: Hạ An

Ảnh: Quý Khanh

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thời tiết ngày mùng 3 Tết Bắc Bộ, Trung Bộ trời chuyển rét đậm
Thời tiết ngày mùng 3 Tết: Bắc Bộ, Trung Bộ trời chuyển rét đậm

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, sáng sớm ngày 24/1, không khí lạnh đã ảnh hưởng đến hầu hết phía Đông Bắc Bộ và một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Ở vịnh Bắc Bộ và khu vực Bắc Biển Đông đã có gió đông bắc mạnh cấp 7, giật cấp 9.

Tết sẻ chia cùng bệnh nhi hiểm nghèo
Tết sẻ chia cùng bệnh nhi hiểm nghèo

Đối với trẻ ở lại điều trị, đón tết tại bệnh viện là một thiệt thòi lớn. Nhiều tấm lòng, nhiều cánh tay chìa ra giúp bệnh nhi vui vẻ, lạc quan tiếp sức cho các em trong hành trình chiến đấu với bệnh tật.

Người Huế đón Tết ở trời Tây
Người Huế đón Tết ở trời Tây

Có gói bánh tét, có mâm cúng Giao thừa, có đi chùa, mừng tuổi… Tết Nguyên đán của du học sinh, kiều bào người Huế ở nhiều nước trên thế giới vẫn giữ nguyên truyền thống.

Thuyền về, tôm cá đầy khoang
Thuyền về, tôm cá đầy khoang

Sau lễ hạ vọng, ngư dân các vùng biển bãi ngang bắt đầu “xông biển” đầu năm. Những lá cờ Tổ quốc phấp phới cùng thuyền ngư dân bắt đầu thẳng tiến ra biển để “hái lộc” đầu năm.