Thứ Năm, 06/09/2018 12:51

Hợp tác quốc tế thích ứng với bối cảnh dịch COVID-19

Chịu tác động trực tiếp từ dịch COVID-19, hoạt động hợp tác quốc tế từ các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) buộc phải thay đổi để thích ứng.

Đại học Huế tham gia khởi động các dự án của ERASMUS+Hợp tác quốc tế trong đào tạo nguồn nhân lựcĐại học Huế thắt chặt hợp tác với tổ chức OIF và AUF

Đại diện lãnh đạo, chuyên gia từ Đại học Huế chuẩn bị tài liệu để làm việc trực tuyến với đối tác quốc tế

Thích ứng với hợp tác “không tiếp xúc”

Hơn 5 giờ chiều một ngày gần cuối tháng 1/2021, lãnh đạo và các chuyên gia của ĐH Huế cùng các đối tác quốc tế tham dự phiên họp kick-off (khởi động) cho tất cả các dự án ERASMUS+ được tài trợ từ năm 2020. Chương trình làm việc bắt đầu khi giờ làm việc thông thường của các đơn vị trong nước kết thúc và kéo dài đến tối, song vẫn diễn ra đúng theo kế hoạch từ tất cả các bên.

Ảnh hưởng khi dịch COVID-19 xuất hiện là điều có thể thấy rõ trong hợp tác quốc tế. TS. Đỗ Thị Xuân Dung, Phó Giám đốc ĐH Huế thừa nhận, khi hoạt động đi lại giữa các nước không thực hiện được đã nảy sinh rất nhiều khó khăn. Các chương trình liên kết quốc tế không chỉ khó mở mới, mà việc vận hành các chương trình hiện có cũng gặp khó khăn, do các đối tác không thể trực tiếp gặp gỡ làm việc. Các chương trình trao đổi sinh viên, giảng viên theo các hợp tác quốc tế cũng bị gián đoạn.

“Vừa qua, 8 học viên chương trình cao học Quốc tế Okayama - Huế cũng không thể đi Nhật Bản để học tập theo kế hoạch định sẵn. Bên cạnh hoạt động đào tạo, mỗi số dự án do châu Âu cấp vốn cũng khó khăn trong việc tiếp cận nguồn kinh phí tài trợ. Cái khó từ hợp tác quốc tế là tất cả các đối tác đã quen với phương thức hợp tác trực tiếp. Tuy nhiên, nếu không tìm được giải pháp, thiệt hại và ảnh hưởng sẽ không nhỏ”, TS. Đỗ Thị Xuân Dung khẳng định.

Khó khăn từ dịch bệnh trở thành điểm chung của tất cả các đơn vị. Đặc biệt, với các cơ sở giáo dục ĐH – hợp tác quốc tế trở thành lĩnh vực quan trọng thì việc tìm giải pháp dần thích nghi là điều cần thiết. Theo đại diện ĐH Huế, một trong những giải pháp thời gian qua là linh hoạt trong mối quan hệ giao tiếp và hợp tác quốc tế, chuyển hướng để dần thích ứng với hợp tác “không tiếp xúc”.

Ngay tại Huế và các trường, đơn vị, cùng với việc phối hợp các đối tác tổ chức các hội nghị, hội thảo online, ĐH Huế cũng đàm phán các đối tác sửa các chương trình đào tạo online, thay đổi để phù hợp so với các ký kết ban đầu. Đặc biệt, vừa qua, lần đầu tiên một số cơ sở đào tạo đã thúc đẩy ký kết hợp tác trực tuyến.

Buổi làm việc trực tuyến của cán bộ ĐH Huế với các đối tác quốc tế

PGS.TS. Võ Thanh Tùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế chia sẻ, mở rộng hợp tác quốc tế rất quan trọng nhưng nếu bị động bởi dịch COVID-19, sẽ làm gián đoạn và ảnh hưởng đến việc duy trì, phát triển các dự án hợp tác quốc tế. Vì thế, phải tìm các giải pháp thích ứng. Đơn cử, ngay trong tháng 1/2021, nhà trường triển khai đàm phán, ký kết trực tuyến thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Mitani, Nhật Bản, cùng nhau xác định yêu cầu tuyển dụng và thiết lập quy chuẩn đào tạo; xây dựng khung chương trình hợp tác đào tạo giữa hai bên đồng thời thực hiện chương trình tiếp nhận sinh viên thực tập tại các công ty thành viên cũng như hoạt động tuyển dụng sinh viên và hợp tác giao lưu văn hóa.

Theo một cán bộ ở bộ phận hợp tác quốc tế Trường ĐH Ngoại ngữ, cùng với các thảo luận trực tuyến, để duy trì và thúc đẩy hợp tác, bộ phận hợp tác quốc tế của nhà trường cũng tăng cường làm việc từ xa qua email và mạng xã hội. Đồng thời, có thể qua kênh bưu điện để chuyển các văn bản hợp tác khi điều kiện cho phép.

Gắn kết, thúc đẩy môi trường “bình thường mới”

Tại các cơ sở giáo dục, vấn đề đào tạo, trao đổi sinh viên, giảng viên quốc tế rất quan trọng. Trong khi đó, dịch bệnh khó lường nên việc tìm các giải pháp gắn kết, thúc đẩy môi trường “bình thường mới” trong giai đoạn hiện nay cần được quan tâm.

Cùng với việc đẩy mạnh đào tạo trực tuyến trong bối cảnh dịch, có thể tạo ra các điều kiện để sinh viên học tập với mô hình thực tế ảo. “Điều quan trọng đối với sinh viên học tập ở nước ngoài là được sống trong môi trường học tập của nước đó. Bởi vậy, khi dịch bệnh cản trở việc đi lại thì việc tạo ra môi trường để sinh viên cảm nhận như đang học tập ở nước ngoài thực sự rất cần thiết và hiệu quả hơn. Vấn đề này cần sự phối hợp tốt giữa các đối tác”, TS. Đỗ Thị Xuân Dung phân tích.

ĐH Huế và các cơ sở đào tạo cũng chuẩn bị các kịch bản trong việc tổ chức các phương án để sinh viên, học viên quốc tế tốt nghiệp online, cấp bằng theo định hướng linh hoạt, phối hợp đối tác nhằm bảo vệ quyền lợi người học trong trường hợp dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc.

Theo đại diện các trường ĐH tại Huế, trong vấn đề đào tạo, vẫn tiếp tục đặt ra kế hoạch tuyển sinh hay các chương trình đào tạo với sinh viên nước ngoài, nhưng có thể thay đổi qua phương thức trực tuyến. Việc gắn kết chặt chẽ với các đối tác và đàm phán, bàn các kế hoạch sát với thực tiễn sẽ giải quyết phần nào những khó khăn, thách thức trước đại dịch COVID-19.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giải quyết khó khăn, thách thức để phát triển Đại học Huế
Giải quyết khó khăn, thách thức để phát triển Đại học Huế

Chiều 17/2, Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội do ông Nguyễn Đắc Vinh, UVTW Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Đại học (ĐH) Huế về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục, đào tạo. Cùng tham dự buổi làm việc có ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.

Từ sợ đến đam mê công nghệ thông tin
Từ sợ đến đam mê công nghệ thông tin

Đó là câu chuyện của Lê Ngọc Hoàng, 22 tuổi, hiện là sinh viên khóa 43 ngành Công nghệ Thông tin Trường đại học Khoa học, Đại học Huế. Hoàng còn được biết đến là một sinh viên giỏi với nhiều thành tích đáng nể.

Xét tuyển đại học hệ chính quy ngành thứ 2 năm 2023
Xét tuyển đại học hệ chính quy ngành thứ 2 năm 2023

Chiều 15/2, Trường đại học (ĐH) Kinh tế, ĐH Huế cho biết, đã có thông báo xét tuyển ĐH hệ chính quy ngành thứ 2 năm 2023 dành cho sinh viên ĐH hệ chính quy đã hoàn thành năm thứ nhất trở lên tại các trường ĐH thành viên, các khoa trực thuộc của ĐH Huế.