Thứ Năm, 13/09/2018 13:00

Đầu tư thủy lợi phục vụ sản xuất khu tái định cư A Lưới

Việc cấp đổi đất sản xuất lúa nước cho người dân tại khu tái định cư (TĐC) thủy điện A Lưới mới thực hiện 9/24 ha, còn 15 ha bỏ hoang.

Khu tái định cư thủy điện A Lưới: Thiếu đất sản xuấtTùy điều kiện đất để có phương án phù hợp hỗ trợ người dân

Nhiều diện tích đất ở khu TĐC A Lưới lẫn nhiều đá không sản xuất được

Cấp thiết

Khu TĐC thủy điện A Lưới (xã Hồng Thượng, huyện A Lưới) được thành lập năm 2011, gồm 106 hộ dân với 567 nhân khẩu di dời đến vùng TĐC từ các xã Hồng Thái, Sơn Thủy, Hồng Thượng. Đây là các hộ dân nhượng lại đất do ảnh hưởng khu vực lòng hồ thủy điện A Lưới. Từ 106 hộ dân đầu tiên, đến nay, khu TĐC được chia thành 2 thôn A Đên và A Sáp với 165 hộ dân, 607 nhân khẩu. Tuy nhiên, đời sống người dân nơi đây còn gặp nhiều khó khăn do diện tích đất cấp đổi đến vùng TĐC lẫn nhiều đá, không có nước tưới nên không sản xuất được. Sau nhiều năm, số hộ tăng dẫn đến người dân thiếu đất sản xuất.

Mới đây, UBND huyện A Lưới tổ chức họp bàn phương án phát triển sản xuất 15 ha đất nông nghiệp tại khu TĐC thủy điện A Lưới. Ông Hồ Văn Ngưm, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, huyện đã giao Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Phòng NN&PTNT phối hợp UBND xã Hổng Thủy rà soát trong diện tích 15 ha đất khu TĐC, phần diện tích các hộ dân có thể canh tác để trồng lúa nước, tổng hợp số hộ, số thửa cụ thể và tham mưu UBND huyện lập phương án, dự trù kinh phí cụ thể hỗ trợ người dân phục hồi đất trồng lúa theo quy định.

Đối với phần đất các hộ dân bị sỏi đá nhưng diện tích không lớn, giao Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện A Lưới lập phương án đền bù cho các hộ dân và tìm nguồn quỹ đất rừng sản xuất để có phương án đổi đất cho các hộ dân nếu có nhu cầu. UBND huyện cũng giao UBND xã Sơn Thủy khảo sát nhu cầu chuyển nhượng đất trồng lúa nước tại địa phương, nhằm rà soát phương án các hộ dân tại khu tái định canh có nhu cầu nuôi trồng thủy sản.

Ông Lê Quang Vinh, Chủ tịch UBND xã Hồng Thượng thông tin, các hộ dân thuộc diện di dời của dự án (DA) thuỷ điện A Lưới được cấp đổi đất ở bình quân mỗi hộ 2.000m2, đất sản xuất 10.500m2. Trong đó, đất trồng lúa nước 2.500m2, đất trồng rừng sản xuất 8.000m2. Diện tích được cấp đổi tại khu TĐC tương ứng với diện tích trước đây các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi DA thủy điện A Lưới. Nhiều năm nay, chính quyền địa phương huy động đoàn viên thanh niên, các lực lượng giúp nông dân cải tạo đất, xới đá để canh tác nhưng diện tích lớn, lượng đá nhiều cộng với hệ thống thủy lợi xuống cấp nên người dân vẫn không canh tác được.

Nâng cấp thủy lợi

Đầu tháng 3/2021, Công ty TNHH NN MTV Quản lý và Khai thác công trình thủy lợi tỉnh (Công ty Thủy lợi) khảo sát thực địa và có báo cáo đề xuất giải pháp thủy lợi cấp nước tưới tại khu TĐC thủy điện A Lưới.

Hệ thống thủy lợi tại khu TĐC A Lưới xuống cấp gây khó khăn trong sản xuất cho người dân

Sau khi kiểm tra thực tế, đơn vị này nhận thấy hệ thống thủy lợi cấp nước tự chảy cho khu TĐC thủy điện A Lưới do ảnh hưởng mưa lũ năm 2020 đã bị hư hỏng nặng, không còn khả năng cấp nước tưới. Hiện tại, vụ đông xuân 2020-2021, người dân tận dụng nước mưa để gieo cấy khoảng 9,4ha lúa thuộc xứ đồng thôn A Đên.

Tại thời điểm kiểm tra, mặt ruộng khô nẻ do không có mưa. Giải pháp trước mắt, Công ty Thủy lợi sẽ triển khai lắp đặt tạm thời 1 trạm bơm đầu D18 để cấp nước tưới chống hạn cho số diện tích lúa đã gieo cấy.

Ông Đỗ Văn Đính, Chủ tịch Công ty Thủy lợi thông tin, về lâu dài để ổn định sản xuất cho người dân, công ty đề xuất UBND tỉnh cho phép nghiên cứu, lập DA đầu tư xây dựng trạm bơm điện cấp nước cho khu TĐC thủy điện A Lưới. Theo đó, quy mô công trình gồm đầu tư 2,5km đường dây trung thế, 300m đường dây hạ thế và trạm biến áp 50KVA. Ngoài ra, sẽ xây dựng 1 đập dâng nước, đầu mối trạm bơm công suất 400m3/giờ tưới cho 9,4 ha lúa ở thôn A Đên; đầu mối trạm bơm 2 công suất 290m3/giờ, tưới cho 7 ha lúa ở thôn A Sáp. Công trình đa số sử dụng kênh mương trên hiện trạng bê tông cũ. Kinh phí đầu tư DA dự kiến 7,5 tỷ đồng.

Theo Công ty Thủy lợi, nhiệm vụ công trình ngoài cấp nước tưới cho 9,4 ha ruộng tại thôn A Đên (đang sản xuất) sau đó sẽ mở rộng tưới thêm cho 7 ha diện tích đang bỏ hoang có khả năng cải tạo, để vận động người dân sản xuất cây lúa nước. Số diện tích còn lại bỏ hoang, không thể cải tạo để sản xuất sẽ thực hiện đền bù, hỗ trợ cho người dân theo kết luận tại buổi làm việc giữa các bên liên quan.

Trước đó, tại buổi làm việc với các đơn vị bàn giải pháp hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng khi thu hồi đất tại thủy điện A Lưới, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cũng thống nhất phương án đầu tư hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu đối với diện tích có khả năng cải tạo sản xuất được lúa nước; đối với diện tích không thể cải tạo, thực hiện đền bù bằng tiền để người dân nhận chuyển nhượng đất lúa nước ở các địa phương liền kề. UBND tỉnh giao UBND huyện A Lưới tham mưu đề xuất Tổng Công ty thủy điện miền Trung xem xét, hỗ trợ đền bù cho người dân.

Liên quan đến hỗ trợ đất lâm nghiệp cho người dân bị ảnh hưởng khi thu hồi đất để thực hiện DA thủy điện A Lưới, UBND tỉnh đề nghị Ban Quản lý rừng phòng hộ A Lưới tiếp tục quản lý, không để bị lấn chiếm diện tích hơn 300 ha đất lâm nghiệp ở Hồng Hạ và Hương Nguyên. Phối hợp với đơn vị tư vấn đo đạc, lập bản đồ địa chính khu đất. Giao UBND huyện A Lưới xây dựng phương án xử lý đền bù cho các hộ dân (sử dụng diện tích đất lâm nghiệp ở Hồng Hạ, Hương Nguyên để đền bù hoặc thực hiện đấu giá cho thuê đất lâm nghiệp để đền bù cho người dân).

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuẩn bị phương án tiêu úng cho lúa đông xuân
Chuẩn bị phương án tiêu úng cho lúa đông xuân

Công ty TNHHNN một thành viên Quản lý khai thác công trình Thủy lợi tỉnh phối hợp với các địa phương vận hành hợp lý các công trình thuỷ lợi, cống qua đê, có phương án tiêu úng bảo vệ sản xuất lúa đông xuân trong những ngày mưa sắp tới.

Đầu tư đê kè ứng phó sạt lở biển
Đầu tư đê kè ứng phó sạt lở biển

Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, diễn biến bất thường của thời tiết, sóng lớn cộng triều cường đã làm đường bờ biển trên địa bàn tỉnh sạt lở nhiều nơi, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ nhiều năm nay, bằng các nguồn vốn khác nhau, chỉ mới đầu tư xây dựng kè khoảng 50% trên chiều dài bờ biển bị sạt lở.

Ba cây chụm lại
Ba cây chụm lại

Việc thành lập các mô hình liên kết phát triển sản xuất, kinh doanh của hội viên phụ nữ tại nhiều địa phương bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực.