Thứ Ba, 16/10/2018 13:38

Chuyển đổi số chỉ hiệu quả khi nhận thức đúng vai trò

Du lịch là 1 trong 4 lĩnh vực được tỉnh nhà xác định tập trung chuyển đổi số để phát triển trong năm 2021. Dù thế, nhiều người trong cuộc còn thờ ơ với chuyển đổi số, chưa nhận thấy được tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ trong phát triển ngành du lịch.

Chuyển đổi số là yêu cầuChuyển đổi số ngành ngân hàng: Công nghệ sẽ tạo đột phá

Để làm rõ hơn vai trò của chuyển đổi số trong quá trình phát triển của ngành du lịch hiện tại và tương lai, Báo Thừa Thiên Huế có cuộc trao đổi với ông Trần Hữu Thùy Giang, Phó Giám đốc Sở Du lịch.

Ông Trần Hữu Thùy Giang, Phó Giám đốc Sở Du lịch

Ông đánh giá thế nào về vai trò của chuyển đổi số đối với ngành du lịch hiện nay?

Chuyển đổi số là nhu cầu tất yếu của thời đại, trong tất cả các lĩnh vực và du lịch không ngoại lệ.

Trong tình hình dịch COVID-19, đòi hỏi dịch vụ, sản phẩm, xúc tiến quảng bá phải thay đổi phù hợp với tình hình, bởi du khách hạn chế di chuyển và luôn đặt yếu tố an toàn lên đầu. Do đó, chuyển đổi số sẽ giúp thay đổi phương thức, đưa thông tin đến du khách thuận lợi; tạo ra những sản phẩm mới, với những trải nghiệm tưởng chừng không bao giờ tạo ra được, nay công nghệ sẽ làm được điều đó bằng ứng dụng mobile; trí tuệ nhân tạo (AI) và chatbot; kết nối IoT; thực tế ảo 360...

Đẩy mạnh chuyển đổi số tạo dựng hệ thống thông tin, các công cụ tiện ích phục vụ khách du lịch, doanh nghiệp du lịch – dịch vụ giúp nâng cao hiệu quả xúc tiến thị trường và đáp ứng yêu cầu về đổi mới phương thức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững hoạt động du lịch.

Về xúc tiến đầu tư, trước đây, nhà đầu tư thường đến Huế, khảo sát, đánh giá bằng nhiều chuyến đi thực tế. Điều này gây tốn kém và mất nhiều thời gian của nhà đầu tư, địa phương. Chuyển đổi số bằng số hóa dữ liệu tài nguyên du lịch sẽ thuận lợi cho đôi bên. Chẳng hạn như mới đây ngành du lịch thống kê 40 điểm du lịch sinh thái suối thác trong toàn tỉnh có thể phát triển du lịch theo 3 hướng: thu hút đầu tư, mô hình HTX và hộ kinh doanh cá thể. Đối với những suối thác muốn kêu gọi đầu tư để phát triển, từ dữ liệu được thu thập, áp dụng công nghệ thực tế ảo 360 để gửi cho nhà đầu tư. Ở Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh, nhà đầu tư cũng có quan sát và có những đánh giá chính xác.

Du khách tham quan Đại Nội nghe thuyết minh tự động

Chuyển đổi số ở Huế đã có chuyển dịch bước đầu như thế nào, thưa ông?

Huế được xem là điểm đến chuyển đổi số khá sớm trong cả nước, loại hình du lịch thông minh đã được triển khai vài năm qua. Hệ sinh thái du lịch thông minh đang từng bước hình thành rõ nét hơn.

Trong giai đoạn dịch bệnh xảy ra, nhiều tác động tiêu cực, song cũng là thời điểm mà ngành du lịch Huế đã có những thay đổi đáng kể trong chuyển đổi số. Riêng năm 2020, ngành du lịch đã xây dựng được phần mềm quản lý lưu trú liên thông với công an, thuế, thống kê; giúp đồng bộ trong quản lý số lượng khách đến Huế. Chúng tôi cũng kịp thời xây dựng phần mềm quản lý chuyên ngành, về lưu trú, lữ hành, hướng dẫn viên, tài nguyên du lịch… nâng khả năng quản lý rủi ro.

Cùng với đó là những sản phẩm, dịch vụ áp dụng công nghệ, như dịch vụ thực tế ảo, thuyết minh tự động trong Đại Nội… Về lĩnh vực quảng bá, ngành đã xây dựng được gian hàng quảng bá ảo trên không gian mạng và liên thông với các “showroom” (gian hàng quảng bá trực tuyến) trên toàn thế giới. Gian hàng bước đầu tham gia quảng bá hình ảnh du lịch Huế tại các hội chợ công nghệ, trực tuyến trên thế giới.

Gần đây, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế triển khai bán vé điện tử. Việc này giúp tối ưu công tác quản lý, liên thông dữ liệu. Đối với du khách, thay vì đến nơi để mua vé thì nay có thể mua mọi lúc, mọi nơi. Cách này giúp đơn vị quản lý điểm bán vé chủ động trong cung ứng dịch vụ.

Việc chuyển đổi số trong ngành du lịch ở Huế khá thuận lợi vì đã có nền tảng đô thị thông minh, giúp việc quản lý, số hóa dữ liệu, liên thông dữ liệu tối ưu.

Ông có thể giải thích cụ thể hơn?

Di tích Hổ Quyền sau khi phục dựng xong sẽ khai thác du lịch. Vậy khai thác dịch vụ gì để hấp dẫn khách? Với công nghệ thực tế ảo, sau tham quan xong, du khách sẽ đeo mắt kính vào, xem những trận đấu thú như ngày xưa với hình ảnh, âm thanh thực tế ảo sống động. Khi đó mới có thể kéo dài thời gian khách ở lại với Huế.

Hay tại Đại Nội, với nguồn kinh phí hiện tại sẽ không thể phục dựng một lúc tất cả phế tích, hay những hoạt cảnh đời sống xưa, nên chỉ có thể dùng công nghệ để tái hiện. Đứng trước các điểm, dùng công nghệ thực tế ảo, du khách sẽ bước vào những cung điện giống như ngày xưa. Điều này không làm hư hại di sản, có tính bền vững, điều mà lâu nay luôn được đặt ra liệu khai thác du lịch có ảnh hưởng đến di sản.

Trong chiến lược chuyển đổi số, sẽ có những phân kỳ, ưu tiên những cái gì làm trước. Từng bước số hóa di sản, ẩm thực, áo dài… xây dựng các trạm tra cứu thông tin thông minh tại các trục đường; bảo tàng số. Riêng sản phẩm phải thay đổi công nghệ liên tục, hướng đến chất lượng tốt nhất.

Quá trình triển khai chắc chắn sẽ gặp không ít trở lực cần khắc phục?

Chuyển đổi số mà thiếu sự đồng bộ, các doanh nghiệp không chủ động, hợp tác tương ứng thì khó triển khai một cách hiệu quả nhất. Hiện nay vẫn còn khá nhiều người chưa nhận thức đúng và đủ về chuyển đổi số, nên chuyển đổi nhận thức là nhiệm vụ quan trọng và được ngành du lịch ưu tiên thực hiện đầu tiên trong nhiều nhiệm vụ được gạch đầu dòng.

Nhân lực và vật lực trong chuyển đổi số cũng là thách thức lớn. Nhân lực chưa làm chủ được công nghệ, nguồn lực đầu tư chưa tương xứng, bắt buộc phải xã hội hóa tốt hơn.

Đức Quang (thực hiện)

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dự án liên quan chương trình giảm phát thải mang lại nhiều hiệu quả
Dự án liên quan chương trình giảm phát thải mang lại nhiều hiệu quả

Sáng 22/2, Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung, Trường đại học (ĐH) Nông Lâm, ĐH Huế phối hợp các đơn vị, địa phương có liên quan tổ chức hội thảo tổng kết dự án “Thúc đẩy sự tham gia hiệu quả của cộng đồng dân tộc thiểu số (DTTS) trong thực hiện, giám sát và đánh giá Chương trình Giảm phát thải (ER-P)”.

Thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp
Thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp

Thời gian qua, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn tỉnh chủ động đổi mới, tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS) nhằm xây dựng, hình thành hệ sinh thái số GDNN, đáp ứng nhu cầu của người học trong nền kinh tế số, xã hội số.