Thứ Năm, 22/12/2016 06:30

Nuôi trồng thủy sản an toàn: Hướng đi bền vững

Đa dạng hoá đối tượng nuôi và phương pháp nuôi thủy sản theo hướng an toàn ở các vùng nuôi ven đầm phá Tam Giang - Cầu Hai không chỉ giúp bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, cung cấp sản phẩm thủy sản sạch cho thị trường mà còn đem lại giá trị cao hơn, bền vững hơn.

Quản lý môi trường nước đầm pháHỗ trợ sinh kế cho cư dân đầm phá Tam Giang - Cầu HaiKhó áp dụng nuôi tôm công nghệ cao

Thu hoạch tôm nuôi trên vùng đầm phá. Ảnh: HẢI TRIỀU

Chắc ăn 

Ông Nguyễn Khoai, Chi hội trưởng Chi hội nghề cá Giang Xuân (xã Vinh Giang, Phú Lộc) cho hay: Nuôi xen ghép nhiều đối tượng gồm tôm, cá, cua không thể “ăn lớn” nhưng không hề bị “thua lỗ” như nuôi chuyên tôm. Vì điểm lợi lớn nhất của nuôi xen ghép là các đối tượng sẽ hỗ trợ lẫn nhau để phát triển, loại trừ dịch bệnh, giúp môi trường nuôi luôn đảm bảo sạch, không bị dư thừa thức ăn đọng lại dưới đáy hồ.

Theo ông Trương Minh Kỳ, Giám đốc HTX Nông Ngư Vinh Giang, trước kia, người dân xử lý ao hồ chủ yếu bằng hóa chất chlorin nên sau một thời gian nuôi bị chai đáy hồ. Hiện nay, áp dụng quy trình nuôi an toàn, người nuôi chỉ sử dụng chế phẩm sinh học để diệt tạp chất, xử lý nước hồ.

Tôm nuôi theo hướng an toàn cho năng suất ổn định và giá bán cao hơn

Tích lũy kinh nghiệm nuôi cộng với sau một thời gian nuôi có lãi, nhiều hộ nuôi đã có điều kiện về vốn để tái đầu tư. Hiện nay, hầu hết các chủ nuôi sử dụng cơ giới để cải tạo hồ, vừa giảm được ngày công, rút ngắn thời gian và múc đáy hồ sâu hơn, đắp đê đập cao, dày hơn. Nhờ đào sâu, đắp đập cao và giữ mực nước sâu trung bình từ 1,5-1,8m, nên lượng nước trong hồ không bị hao hụt, tầng nước mát dày hơn. Vì thế đối tượng nuôi không chịu phản xạ của ánh nắng mặt trời, hạn chế được nắng nóng, dịch bệnh trong những tháng hè cao điểm.

Ngoài chuẩn bị tốt về cơ sở hạ tầng, khâu quan trọng nhất trước khi thả nuôi và ảnh hưởng lớn trong suốt quá trình nuôi chính là nguồn nước lấy từ đầm phá dẫn vào hồ phải đảm bảo con nước tốt nhất, ngoài khâu chọn con giống, nguồn thức ăn, cách chăm sóc...

“Từ khi thực hiện nuôi xen ghép theo hướng an toàn, hơn 212ha ao nuôi thủy sản của người dân trên địa bàn xã Vinh Giang không hề gặp thua lỗ. Bình quân 1ha nuôi cho lãi ròng từ 60-90 triệu đồng/vụ, có những ao nuôi thu lãi trên 100 triệu đồng/vụ”, ông Phan Viết Hiền, Chủ tịch UBND xã Vinh Giang chia sẻ.

Thân thiện, an toàn

Ngoài phát triển đại trà mô hình nuôi xen ghép theo hướng an toàn, năm vừa qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiếp tục phát triển mô hình nuôi tôm sú bền vững không lạm dụng thuốc kháng sinh và mô hình sử dụng chế phẩm sinh học nuôi xen ghép ở vùng nuôi các xã thuộc huyện Phú Lộc, Phú Vang, Quảng Điền. Các mô hình được triển khai góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm, gắn kết giữa người nuôi và doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả kinh tế và giá trị sản phẩm.

Anh Trần Văn Giàu, hộ nuôi ở xã Vinh Giang trò chuyện: Mới đầu nghe khái niệm nuôi an toàn để cho ra sản phẩm thủy sản sạch, an toàn, nhiều người khá mơ hồ. Nhưng sau những lần được cán bộ Chi cục Thủy sản, Trung tâm Khuyến nông tỉnh về tập huấn, hướng dẫn từ khâu làm hồ, lấy nước, con giống, thức ăn, phòng bệnh..., bà con đã nhận ra nhiều cái hay, cái mới ngoài kinh nghiệm nuôi trồng xưa nay. Đây là hướng đi cứu cánh cho những người chuyên theo đuôi con tôm, con cá, nhất là trong tình hình thời tiết, môi trường diễn biến phức tạp, tác động xấu đến nghề nuôi trồng thủy sản.

Tuân thủ quy trình nuôi theo hướng an toàn, trong suốt quá trình nuôi, các hộ không sử dụng hoá chất, kháng sinh, chất kích thích tăng trưởng bị cấm sử dụng; không lạm dụng hoá chất, kháng sinh để chữa trị bệnh cho con nuôi. Ngay cả thức ăn cho tôm, cá đều được bà con chọn loại có đầy đủ nhãn mác, đảm bảo không bị hết hạn, mốc và giá thành cao hơn nhưng cho chất lượng tốt với các đối tượng nuôi. Chế độ cho ăn được cân đối liều lượng, số lần cho ăn hợp lý, khoa học; chẳng hạn cho ăn ít lại và chia ra nhiều bữa, giúp không để lại thức ăn thừa, cặn bã trong ao hồ. Đến gần thời điểm thu hoạch, các hộ nuôi tuyệt đối không sử dụng kháng sinh để đảm bảo sản phẩm an toàn khi đưa ra thị trường tiêu thụ.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Giang, Trưởng phòng Kỹ thuật thủy sản- Trung tâm Khuyến nông tỉnh, các hộ nuôi tham gia mô hình nuôi theo hướng an toàn đã áp dụng và thực hiện tốt qui trình kỹ thuật nuôi từ khâu cải tạo ao, chọn giống chất lượng. Trong quá trình nuôi luôn duy trì chế độ cấp nước qua ao lắng sau đó cấp vào ao nuôi, dùng men vi sinh định kỳ trong quá trình nuôi để ổn định môi trường nuôi. Các hộ nuôi thường xuyên bổ sung tỏi, vitamin C, khoáng trong suốt quá trình nuôi, không sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh cấm theo bản hướng dẫn của mô hình.

Thống kê từ các trạm khuyến nông của các huyện, trên địa bàn nuôi toàn tỉnh cho thấy, hiện có khoảng 400 ha nước lợ sử dụng chế phẩm sinh học để nuôi thủy sản theo hướng an toàn. Diện tích ao nuôi sử dụng chế phẩm sinh học đều đem lại hiệu quả, giúp môi trường nuôi ổn định, hạn chế dịch bệnh và nâng cao năng suất.

Khi đạt được thành công và đem lại sản lượng ổn định từ sản phẩm thủy sản an toàn sẽ dần hình thành thị trường tập trung và tạo thương hiệu sản phẩm sạch tại các vùng nuôi trên phá Tam Giang - Cầu Hai, từ đó hình thành chuỗi liên kết giữa người nuôi với các doanh nghiệp, thương lái, tạo đầu ra ổn định.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giảm nghèo thực chất  bền vững
Giảm nghèo thực chất & bền vững

Để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, mục tiêu đặt ra của tỉnh là phải giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 2% và phải giảm nghèo bền vững.

Phải có dấu ấn liên kết vùng
Phải có dấu ấn liên kết vùng

Kinh tế biển là lợi thế chung của các tỉnh trong khu vực và đây được xem là chìa khóa để phát triển và liên kết vùng.

Chuyển đổi hệ thống lương thực là yếu tố quan trọng hướng tới phát triển bền vững
Chuyển đổi hệ thống lương thực là yếu tố quan trọng hướng tới phát triển bền vững

Các quốc gia sẽ xem xét tiến trình hướng đến việc chuyển đổi các hệ thống lương thực trên toàn thế giới tại một hội nghị thượng đỉnh dự kiến sẽ được tổ chức ở thủ đô Rome (Italy) vào tháng 7 này. Đây là thông tin vừa được Phó Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Amina Mohammed và Phó Thủ tướng Italy Antonio Tajani công bố.