Thứ Ba, 20/05/2014 06:36

Phát triển du lịch Huế: “Doanh nghiệp phải mạnh dạn hơn trong phối hợp”

Nhân chuyến đến Huế công tác của Giáo sư (GS) Peter Kelly chuyên gia đầu ngành về khởi nghiệp và sáng tạo trong các trường đại học ở Phần Lan và nhiều quốc gia trên thế giới, Thừa Thiên Huế Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với ông trong việc phát triển du lịch của Huế thời gian đến.

GS Peter Kelly

Trước tiên, xin hỏi GS cảm nhận như thế nào trong lần đầu tiên đến Huế?

Tôi có thời gian khá hạn hẹp khi đến Huế. Cảm nhận là sự bình yên, không giống như ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Chất lượng dịch vụ du lịch ở đây rất tốt, mà giá thành phải chăng, thức ăn cũng rất ngon. Nếu có thời gian, tôi sẽ ở lại Huế dài ngày và tiêu tiền nhiều hơn.

Trong hoạt động kinh doanh du lịch, theo GS điều cần làm trước tiên là gì?

Theo tìm hiểu của tôi, lượng khách đến và quay lại Việt Nam nói chung, Huế nói riêng thấp hơn so với các nước trong khu vực. Nhiều người cho rằng cần phải xây dựng thật nhiều sản phẩm hấp dẫn. Đó không phải mấu chốt, quan trọng là phải biết nhu cầu của khách hàng là gì, những dòng khách đến Huế mong muốn những gì? Tiến hành thực hiện “mood board” (bảng đánh giá tâm lý và nhu cầu) của khách hàng rất quan trọng để có những dịch vụ phù hợp. Tùy vào từng dòng khách, địa vị xã hội, thu nhập mà có nhu cầu khác nhau. Một cô gái 30 tuổi ở Phần Lan, thường thích chụp ảnh, vui chơi, đọc sách, hoạt động ngoài trời. Hay như nhu cầu của tôi và đa số người trung niên ở Phần Lan khi đi du lịch thích ngủ nơi sang trọng, ăn ngon, rượu ngon, ăn mặc đẹp… (Cười).

Một điều cần lưu ý cho các doanh nghiệp khi tiến hành điều tra nhu cầu của khách, các thành viên trong một gia đình khi đi du lịch, hầu hết đều do người “nắm tài chính” trong gia đình quyết định. Chẳng hạn như nhà tôi thì hoàn toàn do vợ tôi quyết định. Vợ tôi, thích nghỉ những nơi sang trọng kèm với không gian lãng mạn.

Với du lịch ở Huế lâu nay, Nhà nước định hướng, doanh nghiệp thực hiện. Cách làm này có phù hợp với sự phát triển hiện nay? Ở Phần Lan có gì khác?

Những ai có thể tạo ra ngành du lịch? Đó là Nhà nước, doanh nghiệp và tất cả mọi người. Ở Phần Lan, khi Nhà nước đã xác định một nhiệm vụ nào đó thì Chính phủ tập trung tất cả các nguồn lực và cung cấp kinh phí để thực hiện. Ở đất nước bạn, du lịch là ngành kinh tế quan trọng, là chiến lược dài hạn, vì thế, Nhà nước phải đi đầu. Đầu tư nhiều hạng mục, sân bay, tàu hỏa, đưa ra các quy định về quản lý hoạt động, chủ động trong việc quảng bá, tạo các điều kiện tối đa cho doanh nghiệp phát triển... Đổi lại, vị thế và sự đóng góp của doanh nghiệp cần xác định lại, chính doanh nghiệp phải góp kinh phí để Nhà nước đầu tư.

Những ai có cùng mục đích, lợi ích cần ngồi lại để bàn bạc và cùng đưa ra những kế hoạch phát triển. Cần đặt được mục tiêu sau cùng là “móc” được hầu bao của khách hàng càng nhiều càng tốt (Cười...). Doanh nghiệp cần mạnh dạn hơn cho sự phối hợp này vì chính doanh nghiệp mới hiểu rõ về khách hàng hàng nhất và trực tiếp “lấy tiền” của khách hàng.

“Hương thơm” của dòng Hương có thể là yếu tố hút du khách nếu được khai thác tốt. Ảnh: VĐN

GS có nói con người và ý tưởng là hai yếu tố quan trọng hàng đầu trong chiến lược phát triển du lịch, ông có thể chia sẻ thêm giải pháp để làm tốt điều này?

Ở đất nước bạn khi muốn tìm kiếm ý tưởng, đa số doanh nghiệp sẽ tìm đến các chuyên gia, những người có kinh nghiệm. Ở Phần Lan, cách tiếp cận hoàn toàn khác. Đó là lấy ý tưởng từ sinh viên và rất nhiều ý tưởng đã được áp dụng hiệu quả trong thực tế. Đây là đội quân hùng hậu để đưa ra những ý tưởng sáng tạo. Khi đưa ra một đề tài nào đó, sinh viên phải nghiên cứu, tìm tòi ý tưởng từ nhiều nguồn. Chẳng hạn như ra đề tài, thiết kế một tour cho khách Phần Lan khi đến Huế 3 ngày mà khách không cảm thấy nhàm chán. Tôi tin chắc rằng, trong các bài thi sẽ có nhiều bài đạt điểm cao. Tôi đã tổ chức một dự án sáng tạo của sinh viên, kết quả cuộc thi đã có 6 ý tưởng được áp dụng thực tế và các em có đề tài này được các doanh nghiệp săn đón về làm việc sau khi ra trường.

Những câu hỏi mà bạn trao đổi với tôi hôm nay có thể hỏi sinh viên, các em sẽ có những câu trả lời khác biệt. Trong đó, tôi chắc rằng sẽ có những câu trả lời tốt hơn tôi. Vì vậy, tôi luôn xem sinh viên của mình là những người cộng sự.

GS có góp ý gì trong xây dựng thương hiệu du lịch của Huế?

Đúng là chúng tôi chưa đi được nhiều nhưng, chúng tôi có cảm xúc rất mạnh với dòng sông Hương của các bạn, khi đứng bên bờ sông tôi ngửi được “mùi thơm” thật lạ. Vì sao du lịch Huế không nghĩ ngay hình thành một tour, trong đó có những câu chuyện gắn với “hương thơm” của dòng sông. Các bạn nên làm nổi bật yếu tố “hương thơm” của dòng sông, một mùi hương thật chân phương, độc đáo.

Hy vọng trong một ngày gần đây, tôi sẽ tận hưởng được được những dịch vụ này.

Xin cám ơn GS về cuộc trao đổi!

ĐỨC QUANG (Thực hiện)

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sẽ tổ chức hội thảo khẳng định giá trị địa điểm lịch sử cách mạng tại Bàu Bàng
Sẽ tổ chức hội thảo khẳng định giá trị địa điểm lịch sử cách mạng tại Bàu Bàng

Ban Tuyên giáo Huyện ủy Phú Lộc cùng Ban Tuyên giáo Thành ủy Huế, Ban Tuyên giáo Thị ủy Hương Thủy và Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế vừa tổ chức họp bàn kế hoạch chuẩn bị tổ chức Hội thảo khoa học về địa điểm lịch sử cách mạng tại Bàu Bàng ở thôn Hòa Vang, xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc.

Khám phá, trải nghiệm dịch vụ du lịch ở Nam Đông
Khám phá, trải nghiệm dịch vụ du lịch ở Nam Đông

Trong hai ngày 25 - 26/2, Sở Du lịch phối hợp với UBND huyện Nam Đông, Hiệp hội Du lịch tỉnh, Hội Lữ hành tỉnh, Hiệp hội Du lịch và Hội Lữ hành TP. Đà Nẵng tổ chức chương trình khảo sát sản phẩm du lịch tại huyện Nam Đông.

“Bà đỡ” cho doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ
“Bà đỡ” cho doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ

Lấy doanh nghiệp (DN) làm trung tâm đổi mới và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) là phương châm của tỉnh, của ngành nhằm tạo ra các sản phẩm chủ lực, trọng điểm và hình thành, phát triển các sản phẩm, hàng hóa thương hiệu có khả năng cạnh tranh về chất lượng, giá thành, thị trường tiêu thụ.