Thứ Bảy, 09/07/2011 06:04

Phố Tây thoáng gặp

Không hề là kết quả của sự quy hoạch, lại rất mới mẻ và xem ra cũng chẳng mấy ai tường tận nhớ rõ hình thành từ khi nào, chỉ biết ở Huế bây chừ có một khu phố Tây. Ban đầu địa giới của phố Tây là con đường Phạm Ngũ Lão, sau đó mở dần sang những con phố Chu Văn An, Lê Lợi, Võ Thị Sáu, Đội Cung… Lại nghĩ, đường Phạm Ngũ Lão chẳng hạn chỉ dài hơn 200m, xem ra chỉ là con ngõ của đường phố Lê Lợi, lớn nhất, có vị thế đẹp nhất và giá nhà đắt nhất Cố đô, nơi có Khách sạn Hương Giang là biểu tượng của du lịch Huế thời hiện đại. Những con đường còn lại cũng thế, tất thảy đều đổ về đường chính Lê Lợi, từ xa đã thấp thoáng trông thấy đôi bờ Hương Giang trong xanh. Bởi thế mà tôi đã nghĩ đến ở đây là một “vọng cảnh” của Huế.

Giấy tờ hành chính không ghi và ngay cả bản đồ du lịch cũng bỏ ngỏ, chẳng thấy có lời chú thích. Cái tên phố Tây ra đời thật tự nhiên, chỉ là cách gọi dân dã và mang tính quy ước. Một kẻ gọi, nhiều người kêu, vậy là thành quen. Tôi vốn không hề xa lạ với những con phố này. Những con đường chật hẹp, lòng đường và cả lề đường cũng nhỏ, nhà cửa cũng chẳng thật sang trọng và nổi trội so với nhiều nơi khác ở Huế. Chưa nói, nó có vẻ lộn xộn khi xen lẫn với những căn nhà ống kiểu mới là những ngôi nhà cổ kính. Suy cho cùng, phố Tây chẳng có chi lạ về kiến trúc nhưng chỉ là nơi có những đường phố gắn liền với sự vui chơi, thăm thú và cả các hoạt động kinh doanh mua bán với người nước ngoài. Một bảng hiệu, một màu sơn tường hay một cách trang trí quán cà phê, quầy hàng lưu niệm, dù chỉ là hàng Việt vẫn thấy một cái gì đó là lạ, bụi bụi, không giống những nơi khác còn lại ở Huế. Cả phong cách của người bán lẫn kẻ mua cũng thế, nó gợi những tò mò.

Ban ngày đôi khi sự nhếch nhách và trễ nãi lộ ra. Khi màn đêm buông xuống mới là lúc mà phố Tây trở nên sinh động, hấp dẫn bởi ánh đèn màu và sự sinh hoạt sôi động. Sau một ngày xuôi ngược ở những đền đài, lăng tẩm, chùa chiền… đây là lúc du khách nước ngoài ngủ trọ ở các khách sạn, nhà nghỉ xuống phố, đi kiếm món ăn hợp với khẩu vị, tìm sự thư giãn hay loanh quanh vào các quầy hàng lưu niệm kiếm tìm một món quà Huế cho chuyến đi xa. Đã có những đêm tối, ví như vào dịp Noel mới đây, tôi thử đặt mình vào vai kẻ khách lạ, một mình lang thang đi bộ nơi phố Tây. Một trải nghiệm thú vị khi đi trên vỉa hè chật chội mà ấm cúng, văng vẳng tiếng nhạc vọng ra nghe rất gần từ những quán cà phê. Nhìn vào những quán hàng thấy có nơi bàn ghế đôi khi bày ra cả ngoài trời là một cảm giác gần gũi. Rồi ngó lên những bảng hiệu, thấy những tên tây, tên ta cứ chồng lấn lên nhau, thoạt nhìn khó chịu nhưng rồi lại ngồ ngộ, hay hay. Cả những vị khách trên phố cũng thế. Họ có vẻ xa lạ nhưng vồn vã, hiếu động và dễ gần.

Hơn 100 năm trước, người Pháp đã rất chủ động trong quy hoạch và xây dựng, để rồi hình thành nên ở phía nam dòng sông Hương một thành phố mới, mang phong cách hiện đại của Âu Tây như một sự đối trọng với sự trầm mặc, cổ kính nơi bờ bắc với những cung điện, đền đài xưa cổ. Theo năm tháng, không gian được mở rộng nhưng xem chừng cái chất Tây cứ dần dần nhạt phai. Bởi thế mà phố Tây mới lạ ở một góc Huế đầy sống động này, thoáng gặp đã thấy yêu, thấy nhớ. Nó không bắt đầu từ một sự tính toán, lại cũng chẳng được dựng lên bởi những con lộ hoành tráng hay những công trình kiến trúc sang trọng. Ấy vậy mà tấp nập, đông vui, một hình ảnh khác xa, chưa nói là đối lập với nhiều con đường hay khu phố lớn ở Huế. Và rồi, tôi đã nghĩ đến sự ra đời của phố Tây như một yêu cầu của cuộc sống, tạo nên cho Cố đô một diện mạo mới, năng động và sáng tạo trong hội nhập, phát triển.

Đình Nam
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hà Nội hoàn thành chỉ tiêu “Chỉ số Hài lòng năm 2023 đạt trên 83 ”
Hà Nội hoàn thành chỉ tiêu “Chỉ số Hài lòng năm 2023 đạt trên 83%”

Chỉ số Hài lòng năm 2023 của Hà Nội đạt 83,57%, xếp thứ 21/63 tỉnh/thành phố, tăng 3,41%, tăng tới 9 bậc so với năm trước và đứng thứ 2 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Với kết quả này, Hà Nội đã hoàn thành chỉ tiêu đề ra là Chỉ số Hài lòng năm 2023 đạt trên 83%.

Làng nghề truyền thống trước xu hướng thương mại điện tử
Làng nghề truyền thống trước xu hướng thương mại điện tử

Trong xu thế hội nhập quốc tế, thương mại điện tử (TMĐT) đã và đang trở thành kênh quảng bá mang lại hiệu quả cao, không chỉ đối với thị trường trong nước, mà còn có cơ hội lan tỏa ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, tiềm năng từ ứng dụng TMĐT vào sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề trên địa bàn Thành phố vẫn là một vấn đề cần quan tâm nghiên cứu để có hướng đi thích hợp.

Cần thay đổi tư duy phát triển nhà ở xã hội
Cần thay đổi tư duy phát triển nhà ở xã hội

Dữ liệu nghiên cứu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, kể từ năm 2018 đến nay, nguồn cung nhà ở có xu hướng sụt giảm nghiêm trọng. Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong việc ban hành chính sách nhằm thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển, cải thiện nguồn cung phân khúc nhà ở xã hội. Tuy nhiên, những chính sách này vẫn còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, tạo ra nhiều điểm nghẽn khiến chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc tiếp cận.

Kiến tạo động lực tăng trưởng mới
Kiến tạo động lực tăng trưởng mới

Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2023 với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức ngày 19/9/2023 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia.