Thứ Tư, 03/04/2013 07:39

Phó Thủ tướng chủ trì họp khẩn chống bão số 4

Trước khả năng cơn bão số 4 đang vào biển Đông có khả năng ảnh hướng đến nước ta, đầu giờ chiều 2/10, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì họp khẩn với Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và các tỉnh để bàn giải pháp ứng phó.
 

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải lưu ý các địa phương sẵn sàng phương án bão sẽ đổ bộ đất liền.

Theo báo cáo nhanh, dự báo bão số 4 (Mujigae) hình thành ngay trên đất liền đảo Ludông (Philippines), di chuyển hướng Tây Tây Bắc, nhiều dự báo quốc tế cho rằng sẽ đi vào khu vực từ Đông Bắc bộ nước ta vào ngày 5/10. Hiện vị trí tâm bão ở vào khoảng 17 độ vĩ Bắc, 118,3 độ kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 700km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 9-10 có xu hướng mạnh dần lên.

Đến nay, các lực lượng chức năng đã thông báo, kiểm đếm và hướng dẫn cho 46.049 phương tiện, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản với 231.312 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh. Hiện trên khu vực Bắc biển Đông có 137 tàu/1.287 người, khu vực giữa biển Đông có 564 tàu/4.786 người.

Các hồ chứa phía Bắc hiện đạt 70-90% dung tích thiết kế, các hồ chứa tại Thanh Hóa, Nghệ An đạt 30-65% dung tích thiết kế. Trong khu vực miền Bắc, lúa Hè Thu đã thu hoạch xong, trong khi lúa vụ mùa có 1,1 triệu ha đã trỗ.

Chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải lưu ý các địa phương sẵn sàng phương án bão sẽ đổ bộ đất liền, không được chủ quan khi gần đây có hiện tượng bão vào gần bờ mạnh lên, thiệt hại trong bão không đáng kể nhưng thiệt hại do mưa sau bão thì rất lớn.

Các tỉnh ven biển chú ý vấn đề thông tin, tuyên truyền cho người dân, tiếp tục theo dõi, kiểm đếm nắm bắt tình hình hoạt động của tàu thuyền, thông báo kịp thời, đầy đủ cho các phương tiện, ngư dân biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh. Khu vực nguy hiểm trong 24h tới được xác định là phía Bắc biển Đông từ vĩ tuyến 15 và Đông kinh tuyến 113.  

Phó Thủ tướng yêu cầu sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho người, tài sản các khu vực nguy hiểm, vùng trũng thấp, ven sông ven biển. Chủ động cấm biển trong những ngày tới khi xác định vùng bão đổ bộ và vào gần bờ. Chú ý vấn đề thoát lũ, tiêu nước, bảo vệ hoa màu, giao thông đi lại và thông tin truyền thông.

Đối với khu vực miền núi, theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, đặc biệt là mưa lũ, rà soát và sẵn sàng phương án di dời dân cư vùng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt là các khu vực hầm lò mỏ than, khoáng sản  tại tỉnh Quảng Ninh đã bị thiệt hại do mưa lũ vừa qua.

Các tỉnh tổ chức trực ban, tiếp tục kiểm tra hiện trạng các hệ thống đê điều, hồ chứa, công trình phòng lũ, sẵn sàng các phương án phòng chống lũ đảm bảo an toàn đê theo cấp báo động./.

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hà Nội hoàn thành chỉ tiêu “Chỉ số Hài lòng năm 2023 đạt trên 83 ”
Hà Nội hoàn thành chỉ tiêu “Chỉ số Hài lòng năm 2023 đạt trên 83%”

Chỉ số Hài lòng năm 2023 của Hà Nội đạt 83,57%, xếp thứ 21/63 tỉnh/thành phố, tăng 3,41%, tăng tới 9 bậc so với năm trước và đứng thứ 2 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Với kết quả này, Hà Nội đã hoàn thành chỉ tiêu đề ra là Chỉ số Hài lòng năm 2023 đạt trên 83%.

Làng nghề truyền thống trước xu hướng thương mại điện tử
Làng nghề truyền thống trước xu hướng thương mại điện tử

Trong xu thế hội nhập quốc tế, thương mại điện tử (TMĐT) đã và đang trở thành kênh quảng bá mang lại hiệu quả cao, không chỉ đối với thị trường trong nước, mà còn có cơ hội lan tỏa ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, tiềm năng từ ứng dụng TMĐT vào sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề trên địa bàn Thành phố vẫn là một vấn đề cần quan tâm nghiên cứu để có hướng đi thích hợp.

Cần thay đổi tư duy phát triển nhà ở xã hội
Cần thay đổi tư duy phát triển nhà ở xã hội

Dữ liệu nghiên cứu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, kể từ năm 2018 đến nay, nguồn cung nhà ở có xu hướng sụt giảm nghiêm trọng. Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong việc ban hành chính sách nhằm thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển, cải thiện nguồn cung phân khúc nhà ở xã hội. Tuy nhiên, những chính sách này vẫn còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, tạo ra nhiều điểm nghẽn khiến chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc tiếp cận.

Kiến tạo động lực tăng trưởng mới
Kiến tạo động lực tăng trưởng mới

Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2023 với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức ngày 19/9/2023 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia.