Thứ Ba, 04/11/2014 06:01

Phối hợp ngăn chặn thực phẩm bẩn

Thời gian qua, đã có nhiều cơ sở chế biến thực phẩm bị lực lượng chức năng phát hiện, xử phạt và đình chỉ hoạt động do vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Mặc dù chế tài xử lý các vi phạm đã được nâng cao nhưng vấn nạn thực phẩm bẩn vẫn đang là mối đe dọa, ám ảnh người tiêu dùng trong từng bữa ăn.

Lực lượng công an bắt giữ một lượng lớn thực phẩm bẩn trên đường đưa đi tiêu thụ

Vì lợi nhuận, bất chấp!

Người tiêu dùng có nhiều lý do để lo lắng khi cơ quan chức năng liên tục phát hiện các vụ tàng trữ, vận chuyển thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm dịch chuẩn bị được bán ra thị trường. Điển hình là vụ Công an TP. Huế phát hiện, bắt giữ một cơ sở ở phường Tây Lộc dùng hóa chất để sản xuất giá đỗ, tịch thu gần 1.000 ống hóa chất và 11 thùng giá đỗ có trọng lượng hơn 800kg đã được tẩm hóa chất. Theo các chuyên gia, chất kích thích tăng trưởng thực vật có tên là Benzylaminopurine mà cơ sở này sử dụng để ủ giá đỗ là chất độc, cấm sử dụng cho người. Tuy nhiên, trước khi bị bắt giữ, trong thời gian dài, cơ sở này đã sử dụng hóa chất trên để ủ giá đỗ và mỗi ngày đưa ra thị trường hàng tạ sản phẩm.

Các vụ sử dụng chất vàng ô (chất cấm Aurmine là chất đứng thứ 5/116 chất gây ung thư hàng đầu trên thế giới) để ngâm tẩm hàng tấn măng bán ra thị trường tại một chợ ở TP. Huế được lực lượng công an triệt phá đặt ra một câu hỏi lớn về ATVSTP. Nếu như không được ngăn chặn, mỗi ngày có hàng tạ măng được ngâm tẩm chất độc hại này bán ra thị trường thì không biết hậu quả về lâu dài sẽ khủng khiếp như thế nào? Liệu đã có bao nhiêu tạ, bao nhiêu tấn măng như vậy lọt vào bữa ăn của các gia đình?

Giai đoạn 2011-2016, các cơ quan chức năng trên địa bàn đã tổ chức 2.725 đoàn kiểm tra với số cơ sở được kiểm tra là 37.700. Qua kiểm tra, phát hiện 4.361 vụ vi phạm ATVSTP, trong đó có 26 vụ vi phạm do sử dụng chất phụ gia ngoài danh mục. Các cơ quan chức năng đã xử lý 2.279 vụ vi phạm bằng hình thức cảnh cáo, 154 vụ xử phạt hành chính với số tiền 381,7 triệu đồng, tiêu hủy 557 loại sản phẩm không đạt chất lượng với số lượng 450 kg, tạm đình chỉ có thời hạn 79 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến vi phạm các quy định ATVSTP.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thực phẩm bẩn vẫn len lỏi vào bữa ăn của người tiêu dùng được Đại tá Nguyễn Thành Luân, Trưởng phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh nhận định qua 2 yếu tố: sự ham rẻ của người tiêu dùng đã vô tình “tiếp tay” cho thực phẩm bẩn tồn tại và do kênh phân phối hiện nay đang gây cản trở việc tiếp cận của người tiêu dùng với thực phẩm sạch. Quan trọng hơn là vấn nạn thực phẩm bẩn khó có thể dập tắt do lợi nhuận đem lại quá lớn. Bên cạnh đó, chế tài chưa đủ sức răn đe chính là một trong những nguyên nhân khiến các vi phạm về ATVSTP trở nên “nhờn” luật.

Cộng đồng trách nhiệm

Thống kê giai đoạn 2011– 2016, toàn tỉnh có 18 vụ ngộ độc thực phẩm, 279 người mắc, 1 ca tử vong (do ăn cá nóc). Nguyên nhân chính gây ra ngộ độc thực phẩm do vi sinh vật chiếm 88,5%, chưa ghi nhận trường hợp các bệnh truyền nhiễm lây qua thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Trong những năm qua, các ngành chức năng đã lấy trên 200 mẫu tại các cơ sở giết mổ và buôn bán gia súc trên địa bàn nhưng chưa phát hiện các cơ sở chăn nuôi sử dụng chất cấm (sabultamol).

Nhằm bảo vệ sức khỏe người dân trước vấn nạn thực phẩm bẩn, thời gian qua, các cấp, các ngành chức năng đã nỗ lực vào cuộc, thực hiện nhiều giải pháp nhằm ngăn ngừa và xử lý nghiêm các vi phạm về VSATTP. Tại Điều 317 của Bộ Luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung, từ ngày 1/7/2016, mức phạt đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về ATVSTP được nâng lên; các hành vi sản xuất, buôn bán thực phẩm thối, tẩm hóa chất độc hại đều có thể bị xử lý hình sự từ 1- 20 năm tù tùy theo tính chất vụ việc. Dù chưa gây hậu quả chết người hay gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng, tuy nhiên, những vi phạm trong lĩnh vực này vẫn cần phải xử lý nghiêm.

Ở góc độ người tiêu dùng, theo các bà nội trợ, cơ quan chức năng cần thông tin kiến thức rộng rãi đến người dân, như: Thế nào là thực phẩm sạch, cách phân biệt thực phẩm kém chất lượng, những thứ nên tránh... Ngoài ra, cần có sự minh bạch, công khai về quy trình sản xuất nuôi trồng thực phẩm từ phía doanh nghiệp và cơ sở sản xuất để người dân nắm rõ. Ông Nguyễn Ngọc Diễn, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh cho rằng, Nhà nước cần đẩy mạnh xây dựng các công cụ để kiểm soát ATVSTP. Cùng với đó, phải tăng yếu tố “sạch” trong sản xuất, phân phối thực phẩm. Có nâng cao chất lượng, điều kiện sống của người dân thì mới có thể thanh lọc được vấn nạn thực phẩm bẩn đang từng ngày, từng giờ đe dọa bữa cơm của người dân. Bên cạnh đó, nhằm ràng buộc trách nhiệm của nhà sản xuất trong việc bảo đảm ATVSTP, cần xây dựng chuỗi sản xuất để nếu một cơ sở trong chuỗi vi phạm sẽ bị đào thải ra khỏi thị trường.

Bài, ảnh: Thái Bình

 

 

 

 

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chặn tiêu cực đăng kiểm xe cơ giới
Chặn tiêu cực đăng kiểm xe cơ giới

Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ GTVT) đang tập trung duy trì ổn định hoạt động các trung tâm đăng kiểm trong cả nước, phục vụ nhu cầu người dân, doanh nghiệp và phối hợp vơi cơ quan liên qua truy nguyên nhân gốc rễ, xử lý, phòng ngừa tận gốc các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong các quy trình kiểm định xe cơ giới.

Kịp thời ngăn chặn tình trạng mất an toàn điện
Kịp thời ngăn chặn tình trạng mất an toàn điện

Đường dây sau công tơ bị chạm chập; thi công giàn giáo, phun bê tông tươi vi phạm hành lang an toàn lưới điện… nếu không xử lý kịp thời sẽ gây hậu quả nghiêm trọng không chỉ về tài sản...