Thứ Sáu, 08/12/2017 06:45

Phú Vang: Ngổn ngang hạ tầng khu quy hoạch đấu giá đất

Hạ tầng các khu quy hoạch đấu giá quyền sử dụng đất tại nhiều địa phương của huyện Phú Vang không đảm bảo, thiếu đồng bộ khi đưa vào đấu giá khiến việc đi lại của người dân khó khăn, nhếch nhác khi xây nhà ở.

Khu quy hoạch Hạ Cồn Trống xã Phú Thượng hạ tầng ngổn ngang sau nhiều năm đấu giá

Khu quy hoạch sau 15 năm chưa được làm đường

Đầu năm 2020, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phú Vang tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất tại khu quy hoạch (KQH) thôn Hải Thanh, xã Phú Thanh với 13 lô đất ở vị trí 2. Đây là khu vực quy hoạch nằm song song Quốc lộ 49 với tuyến Tỉnh lộ 2 mặt đường khá rộng đã được thảm bê tông nhựa. Tuy nhiên, hạ tầng nền đất, đường nội bộ khu vực quy hoạch này lại không đảm bảo.

Tương tự, tại 22 lô đất tại khu dân cư tổ dân phố Tân Mỹ, thị trấn Thuận An cũng vừa đưa vào đấu giá trong tháng 4 năm nay. Các lô đất nằm dọc đường Đoàn Trực đều có vị trí thấp trũng. Các nền đất cùng đường nội bộ chưa hoàn thiện.

“Nếu đấu trúng những lô này, chủ đất phải bỏ thêm nhiều tiền để đổ bình quân 400-500m3 đất san lấp, tạo mặt bằng mới làm nhà được. Chưa nói đến hạ tầng điện, nước đều rất khó khăn. Nước ở đây đều nhiễm mặn, không sử dụng xây nhà được. Giao thông tại những KQH này cũng không thuận lợi, mất an toàn do nhiều tuyến đường quy hoạch chưa đấu nối được với Quốc lộ 49”, ông Đ.Q, một người dân nói.

Không chỉ hạ tầng thiếu đồng bộ, khi mới đưa vào đấu giá, nhiều KQH hiện nay, sau khi người dân xây dựng nhà cửa đã nhiều năm, vẫn còn tình trạng nhếch nhác, đường đất bụi vào mùa nắng, lầy lội vào mùa mưa.

Tại KQH Hạ Cồn Trống, xã Phú Thượng, sau 4 năm đấu giá 43 lô đất đến nay đã trở thành khu dân cư khá đông đúc, nhưng các tuyến đường số 3 và đường số 4 (quy hoạch đường rộng 11,5m) vẫn là đường đất đỏ lầy lội, nhếch nhác; KQH Cồn Dàng cùng xã, sau 15 năm vẫn chưa được làm đường…

Ông Nguyễn Hữu Toàn, Chủ tịch UBND xã Phú Thượng thừa nhận, các KQH đấu giá trước đây và hiện nay đều chỉ làm mương thoát nước nội bộ, đường đất cấp phối như Hạ Cồn Trống, Cồn Dàng, Tây Trì Nhơn... Ngoài các khu đất xen ghép trong dân, nhiều năm qua, tại Phú Thượng đã hình thành 8 KQH đấu giá quyền sử dụng đất. Có 5/8 khu có đường bê tông nội bộ, hệ thống thoát nước, điện, còn lại hạ tầng đường đất cấp phối. Hiện nay, xã đang tiến hành khảo sát các tuyến đường cấp phối chưa được đầu tư làm đường bê tông nông thôn trên địa bàn để có phương án xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Trách nhiệm của địa phương?

Nhiều hộ dân ở các KQH đấu giá đất ở Phú Thượng cho rằng, hạ tầng giao thông tại các khu này sau nhiều năm người dân vào ở vẫn không thay đổi. Trong khi tiếp cận đấu giá ban đầu, chủ đầu tư đều “vẽ” ra hạ tầng đường rộng thênh thang, điều này đã thu hút một lượng lớn người mua đất. Tuy nhiên, thực tế hiện tại chỉ làm đường bê tông 3m, nhưng lại bắt người dân đóng góp 30%, tại sao địa phương không trích quỹ thu từ đấu giá để làm cơ sở hạ tầng.

Ông Nguyễn Hữu Toàn cho biết, các KQH trên địa bàn do UBND huyện làm chủ đầu tư, xã chỉ đối ứng hạ tầng đất mà thôi. Sau khi đấu giá xong, huyện trích lại 40% kinh phí để xã đầu tư xây dựng cơ bản các tuyến đường dân sinh, nhưng chỉ đầu tư đường bê tông rộng 3 mét vì kinh phí hạn hẹp. Hằng năm, UBND xã đều bố trí kinh phí để bê tông hóa các tuyến đường giao thông trên địa bàn.

Đối với các tuyến đường trong các KQH nếu có nhu cầu bê tông hóa thì các hộ dân làm đơn gửi đến UBND xã để xem xét, xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí để đầu tư theo hình thức Nhà nước và Nhân dân cùng làm. Tuy nhiên, hiện nay các hộ dân ở KQH không chấp nhận phương án này.

Ông Lê Văn Tưởng, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phú Vang cho rằng, trước khi tiến hành niêm yết đấu giá, hội đồng tư vấn đấu giá đã có thông báo niêm yết công khai quy hoạch sử dụng đất chi tiết, điều kiện hạ tầng khu đất trước khi tổ chức đấu giá để người dân biết trước khi tham gia đấu giá.

Chủ trương của huyện là chỉ làm đường đất cấp phối, hệ thống thoát nước nội bộ để giảm giá sàn, người dân có điều kiện mua đất phù hợp với khả năng tài chính. Nếu đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh, giá đất sẽ cao, người dân khó tiếp cận mua. Riêng điện, cấp nước sẽ theo quy hoạch và kế hoạch đầu tư của ngành chức năng cung cấp dịch vụ vì đây là KQH dân cư nông thôn.

“Xã được trích 40% kinh phí đấu giá để đầu tư hạ tầng xây dựng cơ bản trên địa bàn. Địa phương cũng là đơn vị quản lý ở đó nên phải có trách nhiệm kiến nghị các đơn vị tạo điều kiện bắt hạ tầng điện, nước cho người dân. Riêng hạ tầng giao thông nếu người dân có nguyện vọng làm đường bê tông theo phương án Nhà nước và Nhân dân cùng làm theo tỷ lệ 7/3, xã sẽ tiến hành lập dự toán thiết kế trình UBND huyện phê duyệt và họp các hộ dân để triển khai”, ông Tưởng thông tin.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giám sát, gỡ khó cho tuyến y tế cơ sở
Giám sát, gỡ khó cho tuyến y tế cơ sở

Tại buổi làm việc với Trung tâm Y tế huyện Phú Vang (Trung tâm) chiều 20/2, ông Dương Thanh Bình, UVTW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội đánh giá cao công tác phòng chống dịch COVID-19 của đơn vị này.

Nhờ biển
Nhờ biển

“Ở thôn 6 có chị Nguyễn Thị Thau giỏi lắm. Xuất phát điểm cực khổ, nhưng từ tay trắng, chị Thau tảo tần buôn bán hải sản, nay làm được nhà tiền tỷ, nuôi các con ăn học nên người”. Đó là “tấm tắc” của nhiều người dân xã Vinh Thanh (Phú Vang).

Những chuyến biển đầu năm
Những chuyến biển đầu năm

Chính quyền các cấp và ngư dân Phú Vang quyết tâm nâng cao hiệu quả đánh bắt, khai thác biển, góp phần phát triển kinh tế địa phương.