Thứ Ba, 13/09/2011 05:54 (GMT+7)
Quán chồ nơi đầm Chuồn
Nhà chồ có trụ đỡ bằng tre, gỗ hay bê tông làm nổi trên mặt nước vùng đầm phá, vốn không quá sâu, là “đặc sản” của đầm Chuồn. Sợ gió bão, các hộ nhà chồ sống theo phương thức mùa hè ở nhà chồ còn mùa đông ở đò, men theo con nước. Cũng bởi vì cái thế chênh vênh nơi sóng nước mà nhà chồ được gọi là “nhà giàn” và cũng bởi vì phải bỏ nhà xuống đò hay lên bờ lúc mưa gió bão bùng kia mà nhà chồ còn được gọi với cái tên là “nhà tạm”. Nghe cứ loạn xạ hẳn lên.
Như cái của nợ còn lại của một thời khốn khó nơi vùng sóng nước nhưng ai đã một lần bước lên nhà chồ vào buổi ban trưa nóng nực để rồi được tận hưởng ngọn gió mát rượi hay tận mắt chứng kiến cảnh tượng huyền ảo của đầm Chuồn (Phú An, Phú Vang) lung linh ánh đèn khi màn đêm buông xuống thì mãi không quên và mới thấm thía vì sao người đời cứ khăng khăng giữ lại mái nhà chồ. Để rồi, từ nhà chồ bây giờ lại nghĩ tới việc mở quán chồ đón khách thập phương và ai biết đâu sau đó nữa có khi lại là khách sạn chồ chẳng hạn.
Nghe thiên hạ đồn tôi háo hức, nhưng rồi lừng khừng và mãi gần đây mới có dịp về đầm Chuồn để được vào cái quán chồ. Nó thật lạ và khiến ai đó một thoáng ngỡ ngàng bởi cách đón khách tận trên bờ, rồi tận tình đưa bằng đò máy ra quán. Một quãng đò không dài nhưng cũng đủ để có những trải nghiệm, nhất là vào buổi trưa hè khi vừa phải đi qua những con ngõ của làng Chuồn chật chội và nóng nực. Rồi nữa là cái cảm giác rung rinh khi leo từng bậc thang làm bằng tre để leo lên quán chồ cũng được dựng bằng tre. Chạnh nghĩ, cái sự ăn cũng lắm gian lao.
Quán chồ nơi đầm Chuồn có đủ thứ đặc sản của vùng đầm phá. Nó không quá lạ trong thời buổi giao thương rộng mở như hiện nay nhưng cũng đủ để nhớ đời. Một là, thủy hải sản đều là thứ tươi rói, người ta bắt về nuôi giữ trong nước đầm và có khi theo yêu cầu đi đổ từng trộ nò sáo để khách được tận mắt chứng kiến cảnh tượng con cá, con tôm còn sống nhảy lóc bóc trước khi chế biến thành món ăn để thưởng thức. Hai nữa là đặc sản bánh khoái cá kình hay bánh khoái tôm. Và cuối cùng là cảnh hương đồng gió nội với tứ bề sóng nước và gió lộng.
Lần đầu tôi tìm về quán chồ đầm Chuồn là bởi nghe đồn về món bánh khoái cá kình. Xưa món này ăn ngay tại chợ. Nay chơi sang được mang lên quán chồ. Bánh làm bằng bột gạo, có thêm giá và nấm, đặc biệt có nhân là con cá kình, loại cá nước lợ be bé, lớn nhất chỉ bằng ba ngón tay. Thịt vàng ươm, thơm và ngon ngọt, gan cá bé xíu nhưng rất béo, mật lại đăng đắng. Nước chấm là loại nước mắm ruốc nguyên chất. Cá nhiều xương nên phải biết lừa xương. Chưa ăn thấy ngại, biết ăn rồi lại ghiền và mê. Mùa cá kình thường từ tháng 3 đến tháng tháng 8 âm lịch nên thời gian còn lại người ta thường thay bằng bánh khoái tôm. Nó không ngon bằng và cái cảm giác thưởng thức không thể sánh bằng bánh khoái cá kình.
Ngồi trên quán chồ vào buổi trưa nắng gắt này đây, ăn xong thứ bánh khoái cá kình, nhìn ra sóng nước mênh mang có gió tứ bề mát rượi thổi tới, bất chợt thèm được quăng mình xuống chiếc chiếu hoa kia làm một giấc say nồng… Một cái cảm giác với những trải nghiệm lạ và thi vị chỉ có nơi quán chồ ở đầm Chuồn xứ Huế với món cá kình được coi là vị thuốc trợ lực cho người đời ăn ngon và ngủ yên.
Đình Nam