Thứ Tư, 18/11/2015 10:43

“Sang chảnh” bánh canh cua rời

Ngót nghét cũng gần 5 năm kể từ khi tốt nghiệp đại học, cô bạn thân hiện đang làm việc tại Hà Nội mới có dịp trở lại thăm Huế. Một công đôi việc, nó vừa vào Huế để giải quyết công việc, vừa “giải quyết” luôn nỗi nhớ Huế tích tụ bấy lâu, mà đúng hơn là nỗi nhớ những món ăn hàng “thần thánh” mà thời sinh viên hai đứa cứ lọc cọc trên chiếc xe đạp đi thưởng thức.

Lạ miệng với bánh canh rong biểnBánh canh nam phổ, món ăn chiều độc đáoBánh canh cá thởnBánh canh bà Đợi lừng danh xứ Huế

Vị ngọt đậm đà của thịt cua tươi khiến thực khách nhớ mãi

Cũng chỉ có không tới 2 ngày để tôi chở nó trở lại những quán quen, thưởng thức những hương vị quen thuộc. 5 năm trôi qua, nhưng tôi vẫn thừa biết món bánh canh cua rời vẫn là sự lựa chọn đầu tiên của nó và tôi cũng vậy. 2 tô bánh canh nóng hổi được bưng ra, cả hai đứa cũng không quên nêm thêm một thìa ớt bột cho đúng vị của món Huế. Cùng nhau thưởng thức từng thìa bánh canh thơm phức, kèm theo tiếng sì soạt là biết bao câu chuyện được ôn lại cùng những kỉ niệm của thời sinh viên lại ùa về. Mỗi khi nhận lương làm thêm là chúng tôi lại khao nhau món bánh canh cua rời “sang chảnh” này. Nói là “sang chảnh” bởi bánh canh cua rời giá có nhích hơn so với các loại bánh canh khác, nhưng đổi lại người ăn được thưởng thức một món ngon, bổ, nhiều dinh dưỡng từ những thớ thịt cua nguyên chất ngọt, béo.

Nói đến bánh canh Huế thì rất đa dạng và cũng có nhiều cách nấu với các hương vị khác nhau. Bánh canh cua rời cũng được cách tân từ bánh canh truyền thống với hương vị đặc trưng là ngọt, béo của những thớ thịt cua tươi ngon. Nguyên liệu chính để nấu bánh canh cua rời là bột gạo, thịt cua, ghẹ chả cua. Bột gạo được thái sợi và có độ dai vừa phải. Còn thịt cua tươi được hấp chín, tách riêng. Theo những người sáng tạo ra món ăn độc đáo này, để có được một nồi bánh canh ngọt lịm, thơm nức mũi, điều quan trọng nhất vẫn là khâu chọn cua, ghẹ. Cua tươi, ghẹ chắc thì nước dùng mới ngọt và thịt cua, ghẹ cũng dễ tách hơn, các thớ thịt sẽ không bị bể, có như thế người ăn mới thưởng thức được trọn vẹn hương vị của ngon ngọt của thịt cua, ghẹ.

Gọi là bánh canh cua rời nhưng lại có thêm thịt ghẹ bởi theo lý giải của những người sáng tạo ra món bánh canh này vì có một giai đoạn cua hiếm và khá đắt đỏ nên người bán đã cho thêm thịt ghẹ vào để thay thế thịt cua. Nhưng ghẹ dùng để nấu bánh canh phải là ghẹ tươi, sống từ vùng phá Tam Giang và những nơi uy tín để không làm mất đi thương hiệu có sẵn của bánh canh. Mặc dù có thêm thịt ghẹ nhưng hương vị ngọt, thơm của bánh canh không thay đổi và được người thưởng thức hài lòng, đón nhận.

Để đảm bảo độ ngon, dai của bột gạo, bánh canh cua rời được nấu từng tô một. Vì bột, nước dùng, thịt cua, ghẹ gia vị đã chuẩn bị sẵn sàng nên khi có khách gọi đầu bếp chỉ cần chần bột nữa là có ngay một tô bánh canh nóng hổi, thơm lừng. Không những thịt cua, ghẹ được tách thớ, ăn ngọt lịm, béo ngậy mà miếng chả cua đi kèm cũng rất ngon, vừa đậm đà, beo béo hương vị cua, thơm thơm vị tiêu hạt.

Nếu các món bánh canh khác, như: bánh canh Nam Phổ, bánh canh giò, bánh canh nui rất phổ biến và được bán nhiều thì bánh canh cua rời lại được bán ít hơn. Nhưng không phải vì thế mà nó không có trong danh sách những món ngon của xứ Huế níu chân du khách. Những miếng thịt cua, ghẹ tan dần trong miệng hòa quyện với vị ngọt thanh của nước dùng và dai ngọt của từng sợi bột gạo cộng mùi thơm của từng viên chả đã tạo nên một hương vị đậm đà đến hoàn hảo, để rồi ai đã “lỡ” thưởng thức đều không phải chỉ một lần cho biết.

Chúng tôi đang say sưa thưởng thức hương vị bánh canh cua rời cay, nóng theo cách của một người dân bản địa thì cũng được thơm lây, tự hào khi nghe những du khách của bàn bên cạnh tấm tắc nhận xét về những miếng thịt cua tươi, vị ngọt của nước dùng và những sợi bột gạo vừa đủ chín, cùng những hứa hẹn sẽ quay trở lại. Đến Huế, du khách nhớ ghé qua đường Phạm Hồng Thái để thưởng thức món banh canh cua rời độc đáo mà bổ dưỡng này, bánh canh ở đây chủ yếu bán vào buổi sáng và chiều tối với giá 20.000-25.000 đồng/tô.

Bài, ảnh: THANH THẢO

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Độc - lạ bánh canh từ bột chuối
Độc - lạ bánh canh từ bột chuối

Đằng sau sợi bánh canh được làm bằng chất liệu "độc - lạ - ngon" còn là ý tưởng vì cộng đồng mà người làm ra hướng đến.

Lên A Lưới thưởng thức cá nướng ống tre
Lên A Lưới thưởng thức cá nướng ống tre

Một chiều mùa đông, ngồi giữa bản làng bảng lảng mù sương, chậm rãi thưởng thức hương vị cá nướng ống tre thơm lừng, nghe gió reo vi vút từ dãy Trường Sơn đưa lại, thấy cái lạnh tái tê chốn núi rừng bỗng trở nên ngọt lành như món ăn dân dã của người miền cao.

Bữa quà chiều với bánh ram ít
Bữa quà chiều với bánh ram ít

Bánh ram ít là loại bánh được biến tấu từ bánh ít trần truyền thống của Huế. Bánh gồm hai phần rõ rệt, phần bánh ít và phần bánh ram. Bánh ít tròn trịa, vỏ bánh màu trắng đục với nhân tôm nằm ngoan ngoãn bên trong, ẩn hiện trông như miếng hổ phách. Phần bánh ram thì vàng rộm và tươi roi rói. Sự hài hòa giữa hai màu sắc cam và trắng tạo nên một tổng thể duyên dáng và bắt mắt.

Hoàng hôn đẹp ở đầm Chuồn
Hoàng hôn đẹp ở đầm Chuồn

Bãi thuyền ở đầm Chuồn, nắng chiều nhuộm vàng cả một góc đầm phá, “Những ngày thu này đẹp quá. Ôi, sao nghe lòng mang mang thế này!”, người bạn nói như la lên với không trung khoáng đạt. Cả nhóm cười vang mặc cho gió làm tóc rối tung. Chớp nhanh vài cái ảnh rồi tất cả lên thuyền của “anh Dũng đầm Chuồn hội quán” để “đi một vòng rồi về thưởng thức ẩm thực đầm Chuồn” - như lời “thổ địa” của chuyến đi thông báo.