Thứ Hai, 25/03/2019 12:44

So sánh phải ngang bằng

Mấy ngày nay dư luận “râm ran” về chuyện 30 điểm vẫn trượt đại học. Nghe thì hài hước, bởi điểm cao đến như thế nào nữa mới đậu đại học? Nhưng đó là sự thật.

Điểm chuẩn các ngành của Đại học Huế từ 14 - 27,25

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Ảnh: HỮU PHÚC

Có điều, nếu chúng ta cứ nhìn vào tít các bài viết, sẽ không hiểu hết ngọn nguồn, mà hãy nhìn vào thực tế. Hiểu theo cách phân chia của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hoàng Minh Sơn thì các trường được chia ra làm 3 tốp tuyển sinh – tốp trên, tốp giữa và tốp dưới. Thường ứng theo mỗi tốp có một mặt bằng điểm chuẩn tương ứng. Thế thì điểm cao rớt đại học cũng là lẽ thường tình? Ví dụ, một trường như trường thuộc ngành y tế chẳng hạn. Thường xuyên nhóm trường này có điểm xét tuyển rất cao. Những thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 của trường này thường là những em học sinh giỏi (những môn quy định để thi đầu vào - sau này là xét tuyển). Ví dụ trường lấy 100 sinh viên nhưng năm nay có đến 101 - 102… thí sinh đạt điểm cao. Thế thì 2 thí sinh, hoặc nhiều hơn, điểm vẫn cao nhưng bị rớt là chuyện thường. Đến đây thì chúng ta có thể hiểu, thí sinh điểm cao vẫn cứ rớt, còn thí sinh điểm thấp hơn vẫn cứ đậu là chuyện dễ hiểu. Bởi thí sinh điểm thấp hơn nhưng ở tốp giữa hoặc tốp cuối của các trường đại học khác.

Người viết muốn nói rằng, nếu có so sánh thì so sánh “ngang bằng”, tức là so sánh ở từng tốp trường với nhau chứ không thể so sánh tốp đại học trên với tốp đại học dưới rồi rút ra một nhận định chung chung – “điểm cao vẫn rớt đại học”, hoặc kiểu như “30 điểm vẫn rớt”…

Nếu có một điều gì đó được gọi là lạ trong đợt xét tuyển đại học năm nay, chính là số điểm thi tốt nghiệp của học sinh tăng đột biến và kéo theo là điểm xét tuyển của nhiều trường, đặc biệt là trường tốp giữa (theo Thứ trưởng Bộ GD & ĐT Hoàng Minh Sơn) tăng cao. Có lẽ học sinh “giỏi đột biến” là ở một lý do nào đó, chứ không phải là học sinh “tự nhiên” giỏi hẳn hơn lên? Ví dụ môn tiếng Anh, tỷ lệ bài thi đạt từ 8 điểm trở lên (tức được xếp loại giỏi) năm 2018 là 2,7%; 2019 là 5,96%; 2020 là 6,5%. Thế nhưng năm 2021 lại tăng vọt lên đến 24% trong tổng số bài thi (cần nhớ rằng, năm học này nằm trong điều kiện không bình thường do ảnh hưởng dịch bệnh). Tương tự, bài thi môn văn đạt từ 7 điểm trở lên tăng rất cao, chiếm đến 41,7% trong tổng số bài thi. Trong khi đó năm 2018, 2019, năm cao nhất là 17,4%.

Điểm xét tuyển vào các trường tốp đầu luôn rất cao (ảnh minh họa)

Chúng ta chưa thể kết luận ngay có tình hình như nêu trên là nguyên nhân do đâu. Nguyên nhân có phải thí sinh giỏi “đột biến”? Cũng có thể! Đề dễ, cũng có thể!… Nhưng những năm trước đây, điểm cứ bình bình, năm nay bỗng dưng giỏi hẳn có thể là điều không bình thường? Nếu vậy thì chỉ có Bộ GD & ĐT mới đủ năng lực để đánh giá đúng tình hình và cần thiết một sự xem xét hết sức kỹ lưỡng. Có đánh giá đúng tình hình thì mới có thể đưa ra giải pháp tốt, phù hợp. Nếu không, chúng ta sẽ lại ảo tưởng về trình độ của học sinh hoặc quay về bệnh thành tích. Mà ảo tưởng trong giáo dục là rất nguy hiểm, bởi nó liên quan nhận thức, kỹ năng làm việc sau này…

Thực ra, chuyện thi đại học, xét tuyển đại học cũng quan trọng, nhưng quan trọng hơn là chất lượng đào tạo. Công tác đào tạo phải “cho ra lò” những sinh viên tốt nghiệp có kiến thức vững vàng, có kỹ năng thực hành tốt.

Chúng ta cũng nên biết rằng, thị trường lao động nói chung bây giờ chuyển biến rất nhanh. Có thể ngành này là “hot” trong một thời điểm nào đó, nhưng đến một lúc thì ngành khác lại “hot”. Điều này là đòi hỏi của thị trường lao động. Cứ “nhăm nhăm” lấy bằng đại học mà không theo đúng hoặc đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường lao động, thì có khi “tiền mất tật mang”.

Tôi được biết có nhiều trường, chưa bao giờ họ bàn luận nhiều đến chuyện tuyển sinh, bởi chất lượng đào tạo của họ rất tốt. Sinh viên do họ đào tạo ra trường đa số là đầy đủ kiến thức và một kỹ năng làm việc thành thục. Ngay khi đào tạo, họ đã liên kết với các doanh nghiệp để các em thực hành. Sau khi ra trường phần lớn sinh viên được doanh nghiệp nhận ngay vào làm việc. Những sinh viên học ở các trường này có rất nhiều sự lựa chọn nơi làm việc. Chúng ta có thể nói chung đấy là những trường có thương hiệu. Câu hỏi đặt ra ở đây là có nên đóng học phí cao mà học vẫn xứng “đồng tiền bát gạo” để rộng đường lựa chọn khi có nhu cầu và điều kiện?

Bài: NGUYỄN LÊ - Ảnh: HỮU PHÚC

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tuyển sinh đại học 2023 Thận trọng với cuộc đua mở ngành
Tuyển sinh đại học 2023: Thận trọng với cuộc đua mở ngành

Mùa tuyển sinh năm 2023 đang nóng dần lên khi tới thời điểm này đã có gần 100 trường đại học công bố đề án tuyển sinh. Cũng như mùa tuyển sinh trước, năm nay dự kiến sẽ có thêm nhiều ngành học mới được các trường mở ra. Bên cạnh tín hiệu tích cực, việc các trường mở ngành, tăng chỉ tiêu tuyển sinh cũng đặt ra nhiều băn khoăn về chất lượng đào tạo.

Cùng con chọn trường
Cùng con chọn trường

Nửa đêm, cô giáo cạnh nhà bỗng nhiên gõ cửa xin cho cô học trò ngủ tạm một đêm.

Hơn 1 300 thí sinh đăng ký tham gia Cuộc thi Hue-ICT Challenge 2023
Hơn 1.300 thí sinh đăng ký tham gia Cuộc thi Hue-ICT Challenge 2023

Tối 18/2, Ban tổ chức Cuộc thi Hue-ICT Challenge 2023 cho biết, kết thúc thời gian đăng ký, có 1.348 thí sinh là học sinh cấp THCS, THPT trong toàn quốc đã đăng ký tham dự Cuộc thi Hue-ICT Challenge 2023, tăng gần gấp 4 lần về số lượng so với lần đầu tiên tổ chức năm 2022.

Khởi động tuyển sinh cao học và nghiên cứu sinh
Khởi động tuyển sinh cao học và nghiên cứu sinh

Ngay sau Tết Nguyên đán Quý Mão, Đại học (ĐH) Huế và các đơn vị đào tạo triển khai kế hoạch tuyển sinh cao học, nghiên cứu sinh (NCS) và dự bị tiến sĩ. Năm nay, tuyển sinh sau ĐH có nhiều điểm mới và dự kiến tuyển nhiều đợt.