Thứ Năm, 14/05/2020 14:12

Sống khỏe với bệnh đái tháo đường

Ngày Đái tháo đường thế giới năm 2022 có chủ đề: “Tiếp cận chăm sóc bệnh đái tháo đường”. 100 năm sau khi phát hiện ra insulin, hàng triệu người mắc bệnh đái tháo đường trên khắp thế giới vẫn không thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc mà họ cần, trong khi họ cần được chăm sóc và hỗ trợ liên tục để kiểm soát bệnh và tránh các biến chứng.

Cung cấp kiến thức về đái tháo đường cho 300 bệnh nhân và gia đình bệnh nhânĐa niệu - nguyên nhân & cách phòngTầm soát và nâng cao nhận thức về bệnh đái tháo đường

Bệnh viện Trung ương Huế hỗ trợ tầm soát đái tháo đường cho người cao tuổi Ảnh: Bệnh viện cung cấp

7,3% người dân bị đái tháo đường

Bệnh đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa Glucose, có đặc điểm tăng Glucose huyết do khiếm khuyết về tiết insulin, về tác động của insulin, hoặc cả hai. Bệnh gây tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt ở tim và mạch máu, thận, mắt, thần kinh. Đái tháo đường đã trở thành một đại dịch trên toàn cầu.

Theo thống kê của Hiệp hội Đái tháo đường thế giới, năm 2021 toàn thế giới có 537 triệu người mắc bệnh đái tháo đường. Dự kiến, con số đó sẽ ở mức 643 triệu người vào năm 2030 và 784 triệu người vào năm 2045. Tuy nhiên, gần một nửa số người đang sống với bệnh đái tháo đường (độ tuổi 20 - 79) không được chẩn đoán (46,5%). Bệnh đái tháo đường là nguyên nhân gây ra 6,7 triệu ca tử vong vào năm 2021. Trung bình cứ 5 giây lại có 1 ca tử vong.

Tại Việt Nam, số liệu của ngành y tế cho thấy tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường đang gia tăng một cách nhanh chóng. Số bệnh nhân tăng gấp đôi trong vòng 10 năm. Năm 2017, 3,54 triệu người (khoảng 5,5% dân số) mắc đái tháo đường, số bệnh nhân tiền đái tháo đường (có rối loạn dung nạp glucose) là 4,79 triệu người (khoảng 7,4% dân số). Nghĩa là cứ 7,5 người sẽ có 1 người mắc bệnh đái tháo đường hoặc tiền đái tháo đường. Dự đoán đến năm 2045, con số này sẽ tăng lên và chiếm 7,7% tổng dân số. Bệnh đái tháo đường ngày càng gia tăng do lối sống ít vận động, ăn uống không hợp lý làm gia tăng béo phì, rối loạn chuyển hóa... Đặc biệt, bệnh ngày càng trẻ hóa với nhiều ca mắc đã được ghi nhận ở trẻ nhỏ 9 - 13 tuổi; thanh niên 20 - dưới 30 tuổi. Việc tiếp cận chăm sóc bệnh đái tháo đường sẽ kịp thời mang đến cơ hội thay đổi có ý nghĩa cho hàng triệu người đang sống chung với bệnh đái tháo đường và hàng triệu người khác có nguy cơ mắc bệnh.

Theo GS.TS. Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Thừa Thiên Huế, Chủ tịch Hội Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam, nghiên cứu mới đây cho thấy, tỷ lệ đái tháo đường ở Việt Nam là 7,3% và tần suất mắc bệnh đái tháo đường đang gia tăng với tốc độ rất nhanh. Điều đáng lo là đái tháo đường đang lặng lẽ đến với người Việt Nam, nhiều người mắc bệnh mà không hề hay biết. Đây chính là lý do khoảng 50% người mắc bệnh nhưng không được chẩn đoán, và trong số được chẩn đoán chỉ có chưa đến 30% số người được điều trị đái tháo đường.

Tiêm insulin tại nhà đúng cách tránh biến chứng. Ảnh: MC

Đặc biệt tránh xa thuốc lá

Ngày Đái tháo đường thế giới được tổ chức lần đầu tiên vào 14/11/1991, đánh dấu ngày sinh của Frederick Banting - người đã cùng Charles Best đóng vai trò quan trọng trong việc tìm ra insulin, một phương pháp điều trị cứu sống bệnh nhân đái tháo đường vào năm 1922. Từ đó, Hiệp hội Đái tháo đường thế giới và Tổ chức Y tế thế giới lấy ngày 14/11 hàng năn hưởng ứng Ngày Đái tháo đường thế giới, nhằm nâng cao nhận thức toàn cầu về đái tháo đường, các biến chứng.

Đái tháo đường nếu không được điều trị đúng cách sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và gia tăng tỷ lệ tử vong. Tuy nhiên, bệnh đái tháo đường vẫn có thể dự phòng và ngăn chặn thông qua hoạt động thể chất thường xuyên, thực hiện chế độ ăn uống cân bằng, khoa học. Thay đổi lối sống, dinh dưỡng là biện pháp cơ bản trong điều trị đái tháo đường. Thông điệp đơn giản để phòng ngừa bệnh đái tháo đường được ngành y tế đưa ra, gồm: Không hút thuốc lá. Ăn nhạt, ăn nhiều rau xanh, ăn đủ lượng kali, ăn nhiều cá, ăn ít mỡ động vật. Hạn chế uống cà phê, bia rượu hoặc các đồ uống có cồn. Duy trì cân nặng chuẩn. Rèn luyện thể lực mức độ trung bình...

Thuốc lá là nguyên nhân gây nên bệnh ung thư phổi, viêm phế quản mãn, bệnh lý tim mạch và nhiều bệnh khác. Ở bệnh nhân đái tháo đường, các chuyên gia y tế nhận thấy ảnh hưởng của thuốc lá còn dữ dội hơn, khiến tỷ lệ tử vong và bệnh lý tim mạch cao gấp 2 lần so với người không hút thuốc. Các chuyên gia tim mạch coi thuốc lá và đái tháo đường là 2 trong số những tác nhân dẫn đến bệnh lý về tim mạch. Khi hút thuốc, người hút đưa một lượng carbon dioxin từ khói thuốc vào cơ thể, chất này ngăn cản oxy kết hợp với hồng cầu. Để bù đắp lại, cơ thể tăng sản xuất hồng cầu và đó chính là một trong những tác nhân làm tăng biến chứng suy thận, mù mắt, hoại tử bàn chân, đột quỵ ở bệnh nhân đái tháo đường.

Cũng chính vì vậy, ngành y tế khuyến cáo để hạn chế ảnh hưởng của thuốc lá với bệnh đái tháo đường, những bệnh nhân đái tháo đường không nên hút thuốc lá và hạn chế ở gần nơi có khói thuốc lá. Không hút thuốc lá là một biện pháp phòng bệnh đái tháo đường rất tốt.

ĐỒNG VĂN

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM