Thứ Hai, 16/04/2018 22:39

Sông núi mãi khắc tên các anh

Trung tá Trần Minh Hải, Đại úy Tôn Thất Bảo Phúc và Thượng úy Quân nhân chuyên nghiệp Trương Anh Quốc là 3 người lính (thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) trong số 13 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh khi làm nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn tại Thủy điện Rào Trăng 3. Họ đã anh dũng hi sinh khi tuổi đời còn quá trẻ, để lại những ước vọng, khát khao cống hiến còn dang dở…

Cấp thêm vật dụng phục vụ cứu hộ cứu nạn Thủy điện Rào Trăng 3Tiếc thương người anh, người đồng nghiệp thân thương, gần gũiTiếp tục công tác cứu hộ, cứu nạn 16 nạn nhân tại Thủy điện Rào Trăng 3Chưa thể thông tuyến đường 71Những chú chó nghiệp vụ với nhiệm vụ đặc biệtMưa lớn gây khó khăn cho việc tìm kiếm các công nhân ở Rào Trăng 3

Trung tá Trần Minh Hải (bên trái) tại cuộc diễn tập Khu vực phòng thủ huyện Phú Lộc năm 2018

Cha mẹ già khóc cạn nước mắt

Đôi mắt đỏ hoe, trũng sâu vì đã thức trắng mấy đêm nay ngóng tin con trở về, mặc dù đau đớn tận tâm can, nhưng ba mẹ Trung tá Trần Minh Hải, Phó Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh vẫn trấn an vợ con anh: “Nó đi làm nhiệm vụ rồi nó về. Đã là người lính thì chấp nhận hiểm nguy. Là hậu phương của lính thì cũng cần phải có tinh thần thép con ạ”. Nói vậy nhưng ông Trần Thiện Cường (ba của đồng chí Hải) lại quay đi để gạt nước mắt.

Rồi khi phép màu không xuất hiện, cha mẹ già lại khóc cạn nước mắt, người vợ hiền gần như ngã quỵ trước tin đã tìm thấy 13 thi thể, trong đó có Trung tá Trần Minh Hải.

Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng tại phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà, từ nhỏ, Trung tá Trần Minh Hải luôn có ý chí tự lập, phấn đấu. Trong cả quá trình học tập và công tác, anh luôn gương mẫu, tâm huyết với công việc, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, được cấp trên tin tưởng, cấp dưới quý mến, người dân tin yêu…

Là một người chỉ huy, nhưng Trung tá Trần Minh Hải chẳng khác nào một người anh, người bạn của những người đồng đội trẻ, bởi anh rất thân thiện, dễ gần. Trung tá Hải thường xuyên chuyện trò, động viên và giúp đỡ cán bộ, chiến sĩ nhất là những chiến sĩ xa nhà, có hoàn cảnh khó khăn an tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Khi còn là Phó Chỉ huy trưởng, tham mưu trưởng Ban CHQS huyện Nam Đông và Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Phú Lộc, anh đã rất gần gũi, hết lòng với người dân địa phương. Hễ có thiên tai, bão lụt anh đều nhanh chóng cùng cán bộ, chiến sĩ đơn vị cơ động đến tận nơi để giúp đỡ bà con.

“Khi còn làm Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Phú Lộc, anh đã giúp đỡ tôi và người dân quê tôi rất nhiều. Nay nghe tin anh hy sinh trong khi làm nhiệm vụ mà trái tim tôi quặn thắt”, anh Nguyễn Văn Dinh, quê Phú Lộc ngậm ngùi.

Con thơ đợi ba về

Khi biết hung tin, có rất nhiều bà con xóm giềng, bạn bè đến gia đình động viên, chia buồn cùng gia quyến Đại úy Tôn Thất Bảo Phúc, Trưởng ban Công binh, Phòng Tham mưu, Bộ CHQS tỉnh. Tất cả mọi người chẳng ai cầm được nước mắt khi thấy hai đứa con của anh vẫn hồn nhiên chơi đùa, thỉnh thoảng lại nhắc tên ba. Khi thấy chị Trang (vợ anh Bảo) khóc ngất vì đau đớn, mọi người xúm lại động viên. Thấy vậy, đứa con trai mới hơn 5 tuổi hồn nhiên nói: “Mẹ đừng khóc, để con gọi cho ba nhé. Ba dặn Bảo Hưng ở nhà phải ngoan, thương em Bảo Minh, ba đi làm rồi ít bữa ba về mà”. Sự hồn nhiên của con trẻ càng khiến chúng tôi quặn thắt lòng.

Theo lời kể của đồng đội, trong công việc, đồng chí Bảo Phúc luôn là một cán bộ mẫu mực, có tính sáng tạo. Mang trên vai trọng trách của một người lính công binh “luôn đi trước về sau” với bao gian khó, hiểm nguy rình rập: như rà phá bom mìn, xây dựng công trình phòng thủ, làm đường hầm, băng rừng vượt suối, ứng cứu thiên tai…, Đại úy Tôn Thất Bảo Phúc cùng đồng đội luôn nhận và hoàn thành, dù nhiệm vụ có khó khăn, gian nan, vất vả. Vì nhiệm vụ, anh triền miên xa nhà. Mỗi lần về, anh cũng chỉ biết động viên vợ con rồi lại lên đường với nhiệm vụ mới.

Các con của Đại úy Bảo Phúc còn chưa biết, chưa nhận thức được sự ra đi mãi mãi của ba, nhưng sau này lớn lên các em sẽ biết sự hy sinh đó thật đáng trân quý và đáng tự hào.

Cảm ơn những người lính

Người thân, đồng đội sẽ luôn nhớ tới nụ cười hiền của Thượng úy Trương Anh Quốc

Thượng úy Quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Trương Anh Quốc, nhân viên điệp báo chiến dịch Trạm điệp báo, Phòng Tham mưu, Bộ CHQS tỉnh hy sinh khi tuổi đời mới ngoài 30 với biết bao hoài bão, cống hiến…

Nhiệt tình, tận tụy, trách nhiệm với công việc đó là những gì đồng đội, cấp trên vẫn nhận xét về Thượng úy Quốc.

Năm 2004, anh bắt đầu tham gia nghĩa vụ quân sự, năm 2006, Trương Anh Quốc được chuyển chuyên nghiệp, phục vụ lâu dài trong quân đội. Sau khi được cử đi đào tạo, năm 2014 đến nay, Trương Anh Quốc công tác tại Trạm điệp báo, Phòng Tham mưu, Bộ CHQS tỉnh.

Với đặc thù công việc, lại thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn thời tiết khắc nghiệt, thường xuyên xảy ra thiên tai, bão lũ…, nhưng Thượng úy Quốc cùng đồng đội luôn bám sát chỉ lệnh, kế hoạch đề ra, nắm chắc nhiệm vụ được phân công, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, triển khai đồng bộ các phương thức nắm tình hình, tham mưu, đề xuất cho chỉ huy các cấp nắm chắc và đánh giá đúng tình hình.

Giờ đây, anh hy sinh để lại người vợ hiền cùng hai đứa con thơ.

Ngày các anh ra đi, trời mưa như trút. Ngày đón các anh về, Nhân dân khóc cạn nước mắt. Những giọt nước mắt mặn chát hòa vào nước mưa lạnh ngắt…

Dẫu biết đã mang trên mình màu áo lính, đầu đội mũ, vai đeo sao thì chuyện hy sinh khi làm nhiệm vụ là điều không tránh khỏi. Sự hy sinh cao cả, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho gia đình, đồng đội và Nhân dân cả nước.

Đất mẹ sẽ ôm các anh vào lòng. Sông núi sẽ mãi khắc tên các anh!

"Các anh đã hòa mình vào nơi ấy"

Trạm Kiểm lâm 67, nơi 13 liệt sĩ dừng chân và tử nạn

Không muốn nhắc lại khoảnh khắc lúc 13 liệt sĩ hy sinh, song, một trong 8 người còn sống sót trong hành trình tiến vào thủy điện Rào Trăng 3 khi nhắc đến người nằm xuống bảo rằng: "Các anh đã hòa mình vào nơi ấy". Người này nén lòng kể lại:

"14h ngày 12/10, đoàn công tác gồm 26 người vào Rào Trăng 3. Đến 16h, họ gặp một đập tràn sâu nên ô tô và 5 người quay lại. 21 người trong đoàn công tác tiếp tục tiến vào Thủy điện Rào Trăng 3 theo đường 71.

Khoảng 21h cùng ngày, 21 cán bộ chiến sĩ tới Trạm Kiểm lâm 67. Trưởng đoàn quyết định nghỉ lại đêm tại địa điểm này để lấy sức mai tiếp tục hành trình. Trước đó, trưởng đoàn cử lực lượng khảo sát địa bàn xung quanh, nhận thấy nhà cách sườn núi hơn 100m, được xây kiên cố nên cơ bản đảm bảo an toàn.

Trạm kiểm lâm 67 có một gian bếp, hai gian giữa khá rộng rãi đủ chỗ cho 13 người, còn 8 người ở gian nhỏ hơn và có giường chiếu cho mọi người nghỉ ngơi. Thời điểm đoàn quyết định nghỉ chân, ai cũng đói mệt, mọi người tìm thấy một ít gạo còn lại trong trạm. Anh Phạm Văn Hướng, Trưởng phòng Thông tin - Tuyên truyền Cổng Thông tin điện tử tỉnh cùng một số người khác đi nấu cơm. Không có thức ăn,  anh em ăn cơm chan với nước mắm còn sót lại trong nhà rồi nghỉ ngơi.

Khoảng 0h sáng 13/10, bất ngờ nghe tiếng nổ lớn từ sườn núi, mọi người thức dậy hoảng hốt, chạy vào đứng vào góc chữ A của ngôi nhà để đảm bảo an toàn. Một bức tường sập đè lên người Thượng tá Ngô Nam Cường – Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Ông Cường được đồng đội giải cứu. Một trong số 8 người thoát nạn dùng đèn pin kiểm tra hai gian nhà bên cạnh thì đã không còn gì.

Anh em liền hô hào rời khỏi hiện trường xuống đường xem xét tình hình để giải cứu đồng đội nhưng lại thêm đất đá sạt trượt, mọi người đành đau xót rời đi.

Dù đang ở ranh giới giữa sự sống và cái chết, song trưởng đoàn vẫn bình tĩnh kiểm tra số người còn sống, bàn phương án tìm đường ra an toàn. Đoàn đi thêm một quãng đường thì tiếp tục nghe tiếng nổ lớn. Thượng tá Ngô Nam Cường tính toán, nếu chạy theo dòng suối sẽ rất nguy hiểm, vì vậy 8 anh em chạy ngược theo hướng khác. Đến hơn 4 sáng thì đến nơi và gọi về báo cáo tình hình.".

Bài, ảnh: Thanh Thảo

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bàn giao chức vụ Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh
Bàn giao chức vụ Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

Ngày 23/2, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức Hội nghị bàn giao chức vụ Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh giữa Đại tá Ngô Nam Cường, Chỉ huy trưởng và Thượng tá Phan Thắng, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng. Trung tướng Hà Thọ Bình, Tư lệnh Quân khu 4; ông Lê Trường Lưu, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Bí thư Đảng ủy Quân sự tỉnh chủ trì Hội nghị.

Thầm lặng những chiến sĩ “anh nuôi”
Thầm lặng những chiến sĩ “anh nuôi”

20 thành viên trong tổ nuôi quân vẫn ngày ngày âm thầm lặng lẽ đi sớm, về muộn cùng công việc “anh nuôi” của mình, phục vụ mỗi ngày hơn 1.000 suất ăn cho cán bộ, chiến sĩ đơn vị. Đó là hình ảnh những chiến sĩ nuôi quân ở Tiểu đoàn 1, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, những người lặng lẽ đóng góp vào những thành tích chung của đơn vị.

Tình nồng ấm trên biên giới A So
Tình nồng ấm trên biên giới A So

Thời tiết ở biên giới khắc nghiệt, chúng tôi vẫn cảm nhận được tình cảm của những người lính đã mang lại niềm vui cho người dân vùng biên giới A So...

Thăm, động viên chiến sĩ mới
Thăm, động viên chiến sĩ mới

Ngày 16/2, Hội phụ nữ Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh đã đến thăm, động viên các chiến sĩ mới nhập ngũ năm 2023 đang học tập, huấn luyện tại Trung đoàn 6, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh có hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Trách nhiệm và gần gũi
Trách nhiệm và gần gũi

Gương mẫu, nghiêm túc, trách nhiệm trong công việc nhưng cũng rất gần gũi và hòa đồng với cấp dưới, tận tình chăm lo chu đáo cho chiến sĩ. Đó là những nhận xét của cán bộ, chiến sĩ đơn vị đối với Thiếu tá Nguyễn Ngọc Lợi, Tiểu đoàn trưởng, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 6, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh.