Thứ Năm, 29/09/2016 14:14

“Sốt” do đầu cơ

Thời gian gần đây, đi đâu cũng nghe bàn tán về việc đất chỗ này, nhà chỗ nọ tăng giá. Thực tế, đất có tăng giá nhưng đó chưa hẳn là do nhu cầu người dân cần đất, cần nhà để ở. Bằng chứng là rất nhiều khu quy hoạch, tái định cư, khu dân cư xen ghép dù đã bán hết đất khá lâu song việc làm nhà chỉ lác đác, một số khu hạ tầng còn ngổn ngang, dân cư thưa thớt.

Coi chừng đất “lạnh”

Khu nhà liền kề ở đô thị Royal Park.  Ảnh: HOÀNG HẢI

Đầu tư ít, đầu cơ nhiều

Để có tư liệu cho bài viết, chúng tôi đã nộp hồ sơ và tham gia đấu giá một lô đất ở khu quy hoạch cách TP. Huế chừng 15km, thuộc địa bàn TX. Hương Thuỷ. Dù hội đồng đấu giá chỉ thông báo đấu 14/65 lô cả hai giai đoạn nhưng mới đợt đầu con số nộp hồ sơ và tham gia đấu giá gấp hơn 4 lần.

Mỗi hồ sơ kèm theo người nhà đi cùng nên với sức chứa hội trường không đảm bảo, hội đồng đấu giá buộc chỉ cho 1 người vào đấu giá. Dù không phải là dân chuyên nghiệp nhưng qua cách trò chuyện của đoàn người ngồi sát bên, tôi cũng đoán được họ chủ yếu là “dân đầu cơ”, khi hết lượt này đến lượt khác đều tham gia đấu một cách chuyên nghiệp và sẵn sàng “dằn mặt” người khác nếu cố tình tranh đấu giá. Một nhóm khác khi thấy chúng tôi bỏ cuộc giữa chừng liền chạy theo gạ bán lô đất cạnh khu quy hoạch với giá tương đương giá đấu trúng, dù hạ tầng đường giao thông nông thôn nhỏ hẹp, thấp trũng.

Khu đô thị Phú Mỹ An đã hoàn thành cơ bản hạ tầng, căn hộ, biệt thự

Cũng cần nói thêm là giá đấu trúng hôm đó được thổi lên gấp gần 3 lần, khi chỉ từ hơn 200 triệu đồng/lô lên hơn 600 triệu đồng. Đây cũng không phải là trường hợp cá biệt. Có một số khu quy hoạch mức giá còn tăng gấp ba, bốn lần giá “sàn” nhưng vẫn có người mua.

Không chỉ với đất nền, gần đây các khu chung cư thu nhập thấp và các khu nhà ở thương mại cũng ăn nên làm ra khi các sản phẩm của họ đều được bán nhanh chóng. Các dự án bất động sản lớn trên địa bàn như The Manor Grow, Royal Park, Phú Mỹ An... gần như đã bán hết các căn hộ, biệt thự, nhà liền kề...

Theo nhận xét của chuyên gia ở lĩnh vực bất động sản, địa bàn Thừa Thiên Huế nhu cầu về đất, nhà ở không cấp bách như một số thành phố lớn, song việc “sốt” đất, nhà, căn hộ như hiện nay cơ bản vẫn là do đầu cơ hơn là nhu cầu thực sự.

Cân nhắc thời điểm mua đất

Xét về mặt tích cực, việc “sốt” đất có vai trò thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, ngân sách có thêm nguồn thu đáng kể, ngân hàng tăng được doanh số cho vay khi có thêm nhiều người đầu tư vay vốn... Song, xét về lâu dài, nếu không có giải pháp thật sự để ngăn chặn “cơn sốt ảo” bất động sản này, bong bóng thị trường bất động sản sẽ vỡ và kéo theo không ít hệ lụy.

Hạ tầng ngổn ngang, song gần như các lô đất tại các khu tái định cư Thủy Dương, Thủy Thanh 1,2,3... đều đã bán đấu giá đạt tỉ lệ 100%

Chưa có quy định thời gian xây nhà

Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh, các khu quy hoạch, tái định cư... khi tổ chức bán đấu giá đất ở đều có thời gian sử dụng lâu dài, do đó không có quy định cụ thể về thời gian xây dựng nhà ở nên không thể bó buộc người dân mua đất phải làm nhà.

Đơn vị chỉ có nhiệm vụ tổ chức bán đấu giá theo quy định của Nhà nước và phối kết hợp trong việc quản lý liên quan đến quy hoạch như tách thửa trái phép và một số quản lý liên quan khác về hạ tầng trước và sau khi đầu tư, bán đấu giá.

HỒNG TÂM

Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP. Huế Lê Việt Cường nhận định: Tình trạng “sốt đất” sẽ không kéo dài, nhiều nhất là đến cuối năm nay hoặc dài nhất đến đầu năm sau sẽ chấm dứt theo quy luật 10 năm từ 2008-2009 đến 2018-2019, sau đó giá đất sẽ chững lại và không ngoài khả năng rớt giá. Điều này đã từng xảy ra 10 năm trước, khiến nhiều nhà đầu tư phải bán tháo để thu hồi vốn, cũng đã có những nhà đầu tư thua lỗ phải bán nhà cửa đất đai để trả nợ hoặc phá sản.

Lãnh đạo Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP. Huế khuyên nhà đầu tư, người mua đất trong thời điểm này nên cẩn trọng. Nếu không đảm bảo về tài chính, đa số nguồn lực mua đất đều vay ngân hàng thì tốt nhất là không nên đầu tư thời gian này để tránh hệ lụy về sau.

Một chuyên gia ở Trường ĐH Kinh tế Huế cho rằng, bong bóng bất động sản đang có xu hướng dịch chuyển từ các tỉnh, TP phía Nam ra Bắc. Và Đà Nẵng đang trải qua giai đoạn này. Huế cũng không ngoại lệ. Đến một thời điểm nào đó mà theo vị này là không xa nữa khi “cơn sốt” đất đi qua Huế, giá đất sẽ không còn như mong muốn và rớt giá là xu hướng tất yếu. Người mua đất nên sáng suốt kể cả mua làm của để dành cũng cần cân nhắc nếu mua trong giai đoạn hiện nay.

Khu tái định cư Thủy Dương 1,2 dù hoàn thành khá lâu song dân cư vẫn thưa thớt

Trở lại với việc rất nhiều khu quy hoạch, dân cư xen ghép, Nhà nước bán khu nào hết khu đó song vẫn không có người đến ở, dù hạ tầng ngoài hàng rào đã đầy đủ. Đơn cử như các khu quy hoạch tái định cư Thủy Dương, Thủy Vân giai đoạn 2, kể cả Khu quy hoạch tái định cư Thuỷ Dương 1 sát bên đường Thủy Dương- Thuận An, đường sá rộng rãi, điện nước đầy đủ và hoàn thành hạ tầng cách đây nhiều năm song đến nay dân cư vẫn còn thưa thớt. Nhiều lô đất còn bỏ trống, cỏ mọc um tùm. Hay như khu đất xen ghép sau Đô thị mới An Cựu city đến nay cũng lác đác vài nhà ở trong khi việc đấu giá quyền sử dụng đất đã hoàn thành cách đây khá lâu.

Theo Ban quản lý Khu vực phát triển đô thị, hầu như các khu quy hoạch, tái định cư... do Nhà nước đầu tư đều hoàn chỉnh hạ tầng, song việc người dân có đến ở hay không hoặc mua bán chuyển nhượng sau đấu giá vẫn chưa có chế tài nên Nhà nước rất khó quản lý.

Tạm dừng tách thửa ở một số khu đất không đảm bảo quy định

Trước tình trạng một số nhà đầu tư mua đất nguyên lô có diện tích lớn, đầu tư hạ tầng qua loa, đường giao thông nhỏ hẹp rồi tổ chức phân lô bán nền để thu lợi (việc này chủ yếu xảy ra ở địa bàn TP. Huế, khu vực phường Thủy Xuân) nên tỉnh đã chỉ đạo TP. Huế tạm dừng tách thửa với những trường hợp cụ thể như vừa nêu và một số hộ dân lợi dụng kẽ hở của chính sách pháp luật của Nhà nước để tách thửa bán, chuyển nhượng mục đích sử dụng đất để kiếm lợi.

Ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thông tin, tỉnh đang giao các cơ quan liên quan làm việc với một số nhà đầu tư, doanh nghiệp để chấn chỉnh tình trạng trên và có chế tài xử phạt nghiêm khắc, tránh tình trạng phá vỡ quy hoạch khi có quá nhiều khu đất diện tích nhỏ hẹp, hạ tầng ngổn ngang.

LINH ĐAN

Bài, ảnh: TÂM HUỆ

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bất động sản chao đảo vì thiếu dòng vốn
Bất động sản "chao đảo" vì thiếu dòng vốn

Thời gian qua, nhất thời điểm từ giữa năm 2022 đến nay, phần lớn các doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) "sốt ruột" vì tín dụng bị siết chặt. Đa số DN thiếu vốn để triển khai dự án (DA), còn nhà đầu tư thứ cấp không có dòng tiền để "lướt sóng".

Thông tin chính sách tác động đến thị trường
Thông tin chính sách tác động đến thị trường

Trong khi doanh nghiệp bất động sản (BĐS) đang rơi vào khó khăn thì có thông tin Bộ Tài chính đề xuất thực hiện “điều tiết cao đối với căn hộ chung cư có mức giá trên 50 triệu đồng/m2, nhằm góp phần đảm bảo công bằng trong điều tiết thu nhập dân cư”.

Thị trường có thể ấm lại
Thị trường có thể ấm lại

Ngay từ năm nay, có thể thị trường bất động sản (BĐS) sẽ ấm trở lại. Ấm trở lại nhưng theo hướng giá cả thấp hơn trước chứ không phải theo kiểu nhảy cóc đi lên như thời gian trước đây.