Thứ Ba, 11/06/2024 15:47

TĂNG CƯỜNG QUẢNG BÁ DU LỊCH NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN TỚI NGƯỜI NƯỚC NGOÀI LÀM VIỆC DÀI HẠN TẠI HÀ NỘI

Hà Nội là trung tâm hành chính, văn hóa, chính trị của đất nước nên lượng người nước ngoài đến công tác dài hạn đông và đa dạng, nhưng du lịch nông nghiệp nông thôn hầu như chưa quan tâm khai thác thị phần này

Từ phát hiện đó, nghiên cứu đi vào đánh giá thực trạng khách nước ngoài đến làm việc lâu dài tại Hà Nội và khuyến nghị quảng bá du lịch nông nghiệp, nông thôn của Hà Nội nhằm góp phần thực hiện Kế hoạch s ố  73 /KH-UBND ngày 04/3/2022 của UBND thành phố Hà Nội về phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025 .

1. Đặt vấn đề

Du lịch nông nghiệp, nông thôn muốn thành công cần đa dạng khách, trong đó có khách nước ngoài. Kinh nghiệm cho thấy, khách càng đa dạng thì sản phẩm du lịch nông nghiệp nông thôn càng phong phú. Du lịch nói chung, du lịch nông nghiệp nông thôn nói riêng, đều hướng vào 02 loại khách mục tiêu là khách nội địa và khách nước ngoài. Khách nước ngoài đến Hà Nội ngày càng tăng, vì vậy đây là đối tượng cần tập trung khai thác. Tuy nhiên, khai thác khách du lịch nước ngoài đến các điểm di tích lịch sử, văn hóa, tâm linh, sinh thái ở nội thành đã khá phát triển, song khai thác khách du lịch nông nghiệp, nông thôn còn chưa tương xứng với tiềm năng.

Có thể chia nguồn khách nước ngoài đến Hà Nội thành 2 loại: Thứ nhất là khách đến với mục đích du lịch, nên thường đi theo tour thông qua các dịch vụ của đơn vị du lịch. Số này thường ở lại Hà Nội trong thời gian ngắn. Hiện nay, các doanh nghiệp lữ hành đã khai thác thành công loại khách này; các hội nghị, hội thảo cũng tập trung vào loại hình này. Thứ hai là người nước ngoài đến Hà Nội làm việc dài hạn như đại diện ngoại giao, cán bộ các tổ chức phát triển, các tổ chức phi chính phủ quốc tế (INGOs)... Số này thường có thời gian lưu trú tại Hà Nội dài ngày, có thể tính bằng tháng, bằng năm. Mục đích số này là làm việc kiếm thu nhập, nhưng ngoài thời gian làm việc, họ cũng đi du lịch ở các nước, các tỉnh, thành phố của Việt Nam và Hà Nội. Đây là đối tượng khách du lịch tại chỗ, du lịch gần và thường xuyên mà Hà Nội có thể khai thác.

Thủ đô Hà Nội là trung tâm hành chính, văn hóa, chính trị của đất nước, nên có lượng người nước ngoài đến công tác dài hạn đông và đa dạng, nhưng hầu như chưa quan tâm khai thác thị phần này. Từ phát hiện đó, nghiên cứu này đi vào đánh giá thực trạng khách nước ngoài đến làm việc lâu dài tại Hà Nội và khuyến nghị quảng bá du lịch nông nghiệp nông thôn của Hà Nội nhằm góp phần thực hiện Kế hoạch số 73/KH-UBND ngày 04/3/2022 của UBND thành phố Hà Nội về phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025. Nghiên cứu dựa trên một số thông tin thứ cấp kết hợp với tư liệu của các tác giả từ các hoạt động nghiên cứu thực tế hoặc trao đổi với một số người nước ngoài tại Hà Nội. Phạm vi nghiên cứu tập trung vào du lịch nông nghiệp nông thôn - lĩnh vực mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét chính thức đưa du lịch nông nghiệp nông thôn vào chương trình du lịch quốc gia để quảng bá và kích hoạt, góp phần làm phong phú hơn tài nguyên du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới như lời phát biểu của Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan (Lê Minh Hoan, 2023).

2. Thực trạng người nước ngoài đến làm việc dài hạn tại Hà Nội

2.1. Người nước ngoài đến lao động tại Hà Nội

Hà Nội nằm trong trong bối cảnh chung của đất nước, vì vậy cần xem xét thực trạng chung là lao động nước ngoài làm việc lâu dài tại Việt Nam đã tăng nhanh như thế nào. Có thể thấy, năm 2005 mới có 12.000 người, năm 2019 đạt 117.800 người (tăng gấp gần 10 lần so với năm 2005). Lao động nước ngoài tập trung nhiều nhất ở vùng Đông Nam Bộ với 54.600 người, sau đó là vùng Đồng bằng sông Hồng với 35.400 người. Tất cả các tỉnh Đồng bằng sông Hồng đều có lao động nước ngoài, nhưng trong đó nhiều nhất là Hà Nội với 10.700 người (Vũ Thanh Liêm, 2021) .

Theo Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 của Chính phủ quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam, thì người lao động nước ngoài đến Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng có thể làm 4 nhóm công việc: Quản lý, Giám đốc điều hành, Chuyên gia, Lao động kỹ thuật.

Số lượng lao động nước ngoài đến Hà Nội ngày càng tăng. Cụ thể, trong 10 tháng đầu năm 2021, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội đã chấp thuận vị trí việc làm của người nước ngoài làm việc tại Việt Nam cho 4.577 doanh nghiệp. Tổng số vị trí việc làm được chấp thuận là 8.718 vị trí; trong đó có 1.937 vị trí quản lý, 86 vị trí giám đốc điều hành, 5.759 vị trí chuyên gia, 936 vị trí lao động kỹ thuật. Cùng với đó, Sở đã cấp mới 5.962 giấy phép, cấp lại 694 giấy phép cho lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Bên cạnh việc chấp thuận vị trí việc làm cho người nước ngoài, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội đã xác nhận 2.550 lượt doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đăng ký thủ tục nhập cảnh cho lao động nước ngoài vào làm việc (Minh Vũ, 2021).

Trong năm 2022, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội đã thông báo cho hơn 10.200 lượt doanh nghiệp được chấp thuận tuyển dụng 14.774 vị trí là người lao động nước ngoài, trong đó chấp thuận 3.808 vị trí nhà quản lý, 152 giám đốc điều hành, 9.128 chuyên gia, 1.686 lao động kỹ thuật (P.Diệp, 2023).

Từ năm 2018 đến nay, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội cấp phép cho khoảng 23.000 lao động người nước ngoài làm việc tại Hà Nội. Lao động đến từ Hàn Quốc chiếm hơn 40% (gần 10.000 người), lao động Nhật Bản hơn 5.000 người, lao động Trung Quốc hơn 1.000 người. Lao động người nước ngoài cư trú nhiều ở các quận Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân. (Vov.vn, 2020).

Lao động nước ngoài ở Hà Nội có thể làm việc trong các doanh nghiệp Việt Nam hoặc làm việc trong các doanh nghiệp FDI. Hiện nay các doanh nghiệp FDI đều thuê mặt bằng tại các khu công nghiệp. Số lượng khu công nghiệp của Hà Nội ít, nhưng cũng đã có tới 113 doanh nghiệp FDI. Cụ thể Khu công nghiệp Thăng Long II có 103 doanh nghiệp; Khu công nghiệp Yên Mỹ II có 8 doanh Nghiệp; Khu công nghiệp Quang Minh có 2 doanh nghiệp (Công ty ACC, 2023).

2.2. Người nước ngoài làm việc tại các cơ quan chính phủ và phi chính phủ quốc tế tại Hà Nội

 Nhóm này bao gồm đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện của các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ quốc tế tại Hà Nội

 

             Bảng 1. Số lượng các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ

                     quan đại diện của các tổ chức quốc tế có văn phòng tại Hà Nội

TT

Tên các tổ chức

Số lượng

1

Các đại sứ quán và sứ quán tại Hà Nội

81

2

Phái đoàn

1

3

Văn phòng kinh tế văn hóa

1

4

Tổ chức quốc tế và các cơ quan của Liên Hợp Quốc

18

5

Các tổ chức phi chính phủ nước ngoài

396

Nguồn: Cục lễ tân Nhà nước, 2019; Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, 2022

Các cơ quan này thường có trụ sở tại các quận, các cán bộ nhân viên đông gồm cả người Việt Nam và người nước ngoài. Người nước ngoài trong các cơ quan này thường mang theo gia đình vì họ làm việc theo nhiệm kỳ. Tuy không có thông tin về số lượng cụ thể, nhưng qua trao đổi với một số người có quan hệ thì thấy số lượng đông và nhiều tầng lớp. Thường các công việc như lái xe, lễ tân, tạp vụ là người Việt Nam, còn những công việc chuyên môn chính và quan trọng đều do người nước ngoài đảm nhiệm. Nhìn chung, họ chủ yếu mới du lịch ở nội thành và một số địa danh nổi tiếng, truyền thống ở nông thôn như Khoang Xanh, chùa Hương, Làng cổ Đường Lâm, Làng gốm sứ Bát Tràng, còn hầu hết các điểm nhỏ lẻ, điểm mới, thì họ không có nhiều thông tin.

3. Một số khuyến nghị quảng bá du lịch nông nghiệp nông thôn tới người nước ngoài làm việc lâu dài tại Hà Nội

3.1. Đánh giá đúng vai trò của người nước ngoài làm việc lâu dài tại Hà Nội

Năm 2023, khách du lịch đến Hà Nội đạt hơn 22,6 triệu lượt, tăng 32,2% so với năm 2022. Trong đó, khách quốc tế là hơn 4,1 triệu lượt, chiếm hơn 18% tổng số khách du lịch đến Hà Nội, tăng 03 lần so với năm 2022 (Đình Thuận, 2023). Các số liệu này nói tới khách vãng lai, thời gian ngắn đi theo tour tuyến qua các doanh nghiệp du lịch, ở tại các khách sạn hoặc cơ sở lưu trú. Họ cũng góp phần quảng bá du lịch cho Hà Nội từ minh chứng trong chuyến du lịch.

Với người nước ngoài làm việc dài hạn tại Hà Nội thì không có cơ sở so sánh với khách du lịch quốc tế đến Hà Nội vì một đối tượng tính theo số lượt, một đối tượng tính theo số lượng; Một đối tượng lưu trú ngắn ngày chỉ với mục đích du lịch, một đối tượng lưu trú dài ngày đến làm việc và du lịch vào những dịp nghỉ, lễ. Người nước ngoài làm việc dài ngày tại Hà Nội vừa có vai trò trong thị trường lao động, vừa có vai trò trong thị trường du lịch. Về du lịch, họ có một số ưu thế như:

- Về số lượng: Có thời gian dài nên số lượt du lịch sẽ nhiều. Nhiều người đến làm việc còn đưa gia đình theo lâu dài hoặc mời người thân đến thăm, nên số lượng tăng lên gấp nhiều lần. 

- Về thu nhập: Người nước ngoài làm việc dài hạn tại Việt Nam thường có thu nhập cao so với người Việt Nam, nên trong du lịch tại chỗ ở Hà Nội có những yêu cầu khác hơn và có thể chi tiêu nhiều hơn người Việt Nam. 

- Về hiểu biết để quảng bá cho du lịch Hà Nội: Người nước ngoài có thời gian dài ở Hà Nội nên hiểu biết hơn về Hà Nội. Hơn nữa, họ cũng thường chọn chỗ ở gần đồng hương hoặc gặp nhau trong các dịp có thể. Vì vậy họ sẽ quảng bá cho du lịch Hà Nội, nhất là những hình thức du lịch nông nghiệp nông thôn, những điểm du lịch mới.

Vì vậy, coi người nước ngoài đến Hà Nội làm việc lâu dài là một nguồn khách kết hợp công việc với du lịch trong dài hạn, nên cần định hướng khai thác. Tuy nhiên, cách thức khai thác thị phần này cần có những nét riêng so với người nước ngoài đến du lịch ngắn ngày.

3.2. Du lịch nông nghiệp nông thôn là một trọng tâm cần quảng bá 

 Công tác truyền thông quảng bá du lịch của Hà Nội do Sở Du lịch Hà Nội và Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và di lịch triển khai có nhiều nét nổi bật, nhiều hoạt động đã gây ấn tượng cho du khách. Truyền thông quảng bá du lịch của Hà Nội tập trung vào du lịch nội thành và một số điểm nổi tiếng, truyền thống ở nông thôn như di tích văn hóa, lịch sử, tâm linh, các làng nghề truyền thống lâu đời, các khu sinh thái lớn. Du lịch nông nghiệp, nông thôn của Hà Nội mới bắt đầu, nhỏ lẻ, chưa có những mô hình nổi bật nên việc truyền thông quảng bá cho cả khách du lịch trong nước và nước ngoài đều còn nhiều hạn chế. Trên thực tế hiện nay, ngay cả người Hà Nội cũng ít thông tin về du lịch nông nghiệp, nông thôn của Hà Nội, nên khách du lịch nước ngoài và người nước ngoài làm việc lâu dài tại Hà Nội lại càng ít thông tin vì hoạt động truyèn thông quảng bá lĩnh vực này mới được triển khai.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới có nhiều điểm mới, nhưng giai đoạn này mới là lần đầu tiên đưa vấn đề phát triển du lịch nông thôn thành 1 trong 3 chương trình thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy đã sớm đưa Kế hoach Phát triển kinh tế du Iịch nông nghiêp, nông thôn gắn với xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025. Chương trình của Thành ủy được cụ thể hóa bằng Kế hoạch Số 73/KH-UBND ngày 04/3/2022 của UBND thành phố Hà Nội về Kế hoạch phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025. Kế hoạch này ban hành trước Quyết định số 922/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 02/8/2025 phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

Việc thúc đẩy truyền thông quảng bá du lịch nông nghiệp, nông thôn Hà Nội cho người nước ngoài làm việc dài hạn trên địa bàn một mặt là quảng bá chương trình, nhưng quan trọng hơn là giúp người nước ngoài có thể thâm nhập sâu hơn vào trải nghiệm văn hóa nông thôn và du lịch đặc trưng nông thôn Hà Nội một cách thuận tiện, thường xuyên, tiết kiệm, an toàn.

3.3. Chọn cách quảng bá và phối hợp quảng bá du lịch nông nghiệp, nông thôn phù hợp  

- Để có hướng khai thác các nguồn người nước ngoài đến Hà Nội làm việc lâu dài tham gia du lịch nông nghiệp, nông thôn, các cơ quan liên quan cần phối hợp với cơ quan du lịch để gặp gỡ, truyền thông đến từng tuyến khách bằng hình thức chính thức và không chính thức để họ hiểu hơn về Hà Nội, về nông nghiệp, nông thôn Hà Nội.

Với khách nước ngoài đến Hà Nội làm việc dài hạn, cần lưu ý đối tượng này đã biết một số thông tin về Hà Nội, nhất là các điểm du lịch truyền thống, lâu đời, nổi tiếng trong nội thành. Vì vậy, ngoài truyền thông cho các điểm này, cần chú trọng việc truyền thông quảng bá nhiều hơn cho các mô hình nhỏ, mô hình mới gắn với nông nghiệp, nông thôn để tạo thêm tần suất du lịch của họ và gia đình.

- Đa dạng các hình thức truyền thông quảng bá tới người nước ngoài đến Hà Nội lao động, học tập, công tác. Kết hợp cả truyền thông quảng bá với người nước ngoài làm việc dài hạn ở cả Hà Nội và cả các tỉnh lân cận Hà Nội.

Sở Du lịch Hà Nội là đơn vị kết nối với các đơn vị quản lý trực tiếp người nước ngoài làm việc lâu dài tại Hà Nội để nắm thông tin, đặc điểm, nhu cầu du lịch của đối tượng này và hướng dẫn các đơn vị lữ hành khai thác khách. Sở Du lịch Hà Nội nên làm việc với một số cơ quan như: Ban Quản lý các khu công nghiệp, Bộ Ngoại giao, Sở Ngoại vụ, Tổ chức Paccom, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội.

Tóm lại, đối tượng người nước ngoài đến công tác dài hạn tại Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng đang được đánh giá là một thị trường tiềm năng cho du lịch nông nghiệp nông thôn Thủ đô, mà chưa được khai thác đúng cách và hiệu quả. Những người làm du lịch Thủ đô cần đánh giá đúng vai trò, sở thích của người nước ngoài làm việc lâu dài tại Hà Nội để định hướng phương pháp khai thác nguồn khách này một cách hiệu quả. Một việc không thể thiếu trong đó là đẩy mạnh truyền thông quảng bá về du lịch nông nghiệp nông thôn Hà Nội, song hành với việc xây dựng các tour tuyến thích hợp với đối tượng và thị hiếu của khách du lịch. Đây chính là việc làm nhằm góp phần thực hiện Kế hoạch Số 73/KH-UBND ngày 4/3/2022 của UBND thành phố Hà Nội về phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025.

Lê Hoàng Tố Uyên (Tổng hợp)
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hà Nội hoàn thành chỉ tiêu “Chỉ số Hài lòng năm 2023 đạt trên 83 ”
Hà Nội hoàn thành chỉ tiêu “Chỉ số Hài lòng năm 2023 đạt trên 83%”

Chỉ số Hài lòng năm 2023 của Hà Nội đạt 83,57%, xếp thứ 21/63 tỉnh/thành phố, tăng 3,41%, tăng tới 9 bậc so với năm trước và đứng thứ 2 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Với kết quả này, Hà Nội đã hoàn thành chỉ tiêu đề ra là Chỉ số Hài lòng năm 2023 đạt trên 83%.

Làng nghề truyền thống trước xu hướng thương mại điện tử
Làng nghề truyền thống trước xu hướng thương mại điện tử

Trong xu thế hội nhập quốc tế, thương mại điện tử (TMĐT) đã và đang trở thành kênh quảng bá mang lại hiệu quả cao, không chỉ đối với thị trường trong nước, mà còn có cơ hội lan tỏa ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, tiềm năng từ ứng dụng TMĐT vào sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề trên địa bàn Thành phố vẫn là một vấn đề cần quan tâm nghiên cứu để có hướng đi thích hợp.

Cần thay đổi tư duy phát triển nhà ở xã hội
Cần thay đổi tư duy phát triển nhà ở xã hội

Dữ liệu nghiên cứu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, kể từ năm 2018 đến nay, nguồn cung nhà ở có xu hướng sụt giảm nghiêm trọng. Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong việc ban hành chính sách nhằm thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển, cải thiện nguồn cung phân khúc nhà ở xã hội. Tuy nhiên, những chính sách này vẫn còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, tạo ra nhiều điểm nghẽn khiến chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc tiếp cận.

Kiến tạo động lực tăng trưởng mới
Kiến tạo động lực tăng trưởng mới

Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2023 với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức ngày 19/9/2023 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia.