Chủ Nhật, 16/12/2018 14:58

Tăng giá trị nhà vườn

Qua 7 năm triển khai, đến nay đề án “Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng (gọi tắt là đề án hỗ trợ NVH)” đã có 11 nhà vườn trên địa bàn TP. Huế tham gia và được hỗ trợ kinh phí trùng tu, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị NVH.

Nhiều chủ nhà vườn từ chối - Kỳ 1: Nhiều vướng mắcVận động nhà vườn tham gia đề án bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế

Nhà vườn ông Hồ Xuân Đài, phường Thuỷ Biều thường xuyên đón các đoàn khách đến tham quan và trải nghiệm chế biến đặc sản Huế tại vườn (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19)

Tiền đề lan tỏa

Nhà vườn của ông Hồ Văn Bình ở 26 Phạm Thị Liên, phường Kim Long là một trong những ngôi nhà vườn truyền thống mang kiến trúc NVH với diện tích 1.500m2, được xếp hạng nhà vườn loại 2. Tháng 9/2017, gia đình được hỗ trợ 500 triệu đồng từ đề án hỗ trợ nhà vườn để trùng tu, nâng cấp.

Theo ông Hồ Văn Bình, sau khi thụ hưởng kinh phí trùng tu, nhà vườn được tu sửa các hạng mục xuống cấp, chỉnh trang khuôn viên vườn nên hiện khá khang trang, song vẫn giữ nguyên trạng kiến trúc NVH. Dù không tham gia kinh doanh dịch vụ, song khi có các đoàn khách du lịch đến tham quan, gia đình sẵn sàng mở cửa phục vụ.

Tại phường Thuỷ Biều, Phường Đúc, nhiều nhà vườn được hỗ trợ kinh phí trùng tu nên giảm nguy cơ đổ sụp, dột nát, như nhà vườn Hồ Xuân Doanh, Tôn Thất Phương, Nguyễn Hữu Thông, nhà thờ họ Tôn Thất (nhà vườn Tôn Thất Hùng), …

Theo Chủ tịch UBND phường Thuỷ Biều, ông Võ Đăng Thái, hiện trên địa bàn có 7 nhà vườn được công nhận là NVH đặc trưng, đến nay đã có 4 nhà vườn tham gia đề án và được hỗ trợ kinh phí trùng tu, với mức hỗ trợ từ 400- 700 triệu đồng/nhà. Đây là nguồn hỗ trợ khá lớn góp phần giúp các gia đình có kinh phí đầu tư trùng tu, nâng cấp. Phường đang tiếp tục vận động các nhà vườn còn lại tham gia đề án, đồng thời tiến hành khảo sát, thẩm định để trình UBND TP. Huế danh sách các nhà vườn đủ điều kiện hỗ trợ trùng tu, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị NVH.

Thống kê từ UBND TP. Huế, hiện trên địa bàn có khoảng 100 nhà vườn, trong đó có 25 nhà vườn tham gia đề án hỗ trợ NVH. Sau 7 năm triển khai, hiện có 11 nhà được trùng tu, sửa chữa với kinh phí hỗ trợ trên 9,3 tỷ đồng. Đề án đã góp phần hỗ trợ người dân giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, đồng thời khai thác, phát huy hiệu quả di sản NVH đặc trưng, làm tiền đề để lan tỏa, phát huy ý thức tự nguyện của người dân trong công cuộc bảo vệ những giá trị văn hóa Huế gắn liền với phát triển kinh tế hộ gia đình.

Tiếp tục trùng tu

Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TP. Huế, bà Phạm Thị Quỳnh Dao cho rằng, bên cạnh công tác hỗ trợ tài chính, UBND TP. Huế phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức để các đơn vị kinh doanh du lịch, các cơ sở lữ hành khảo sát các nhà vườn nhằm tiếp xúc với các chủ nhà vườn, tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư kinh doanh các sản phẩm du lịch NVH đặc trưng, hình thành sản phẩm du lịch mới hấp dẫn thu hút khách du lịch. Đến nay, đã có 8 nhà vườn tham gia đề án tổ chức kinh doanh du lịch phục vụ du khách, trong đó có 3 nhà vườn kinh doanh dịch vụ homestay và ngày càng hoàn thiện, phát triển mô hình kết hợp bảo tồn nhà vườn và kinh doanh du lịch, gồm các nhà vườn Đặng Văn Thành, Nguyễn Hữu Thông, Hồ Xuân Đài với doanh thu bình quân hàng tháng từ 5 - 100 triệu đồng/nhà vườn.

Năm 2021, Ban quản lý (BQL) và bảo vệ NVH xây dựng mẫu đơn đăng ký tham gia đề án, gồm các thông tin về chủ sở hữu nhà vườn (hoặc đại diện hợp pháp của nhà vườn), thông tin về thửa đất có nhà vườn, nguyện vọng và cam kết của chủ nhà vườn khi tham gia đề án. Sau đó, BQL phối hợp với UBND các phường đến nhà dân để hướng dẫn các chủ nhà vườn có đơn đăng ký tham gia và gửi về tổng hợp, báo cáo thành phố để khảo sát, đánh giá trình hội đồng thẩm định, đánh giá, phân loại nhà vườn…

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Huế, ông Trần Song, để phát huy hiệu quả trong việc hỗ trợ trùng tu nhà vườn trên địa bàn, thành phố chỉ đạo BQL và bảo vệ NVH tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách đến từng chủ nhà vườn bằng hình thức tổ chức các buổi thảo luận với đại diện các chủ nhà vườn để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, giải đáp các thắc mắc; phối hợp với UBND các phường trực tiếp đến các nhà vườn để tuyên truyền, vận động, giải thích cho người dân về các quy định, chính sách của đề án để hình thành ý thức tự nguyện tham gia.

Để các quy định quản lý bảo vệ và phát huy giá trị NVH đặc trưng được thực hiện có hiệu quả, tránh trường hợp các chủ nhà vườn tham gia đề án vi phạm cam kết thực hiện nghĩa vụ bảo vệ nhà vườn, thành phố thường xuyên chỉ đạo BQL và các phòng ban, UBND các phường phối hợp chặt chẽ để ngăn chặn các trường hợp tách thửa, xây dựng các công trình trái phép làm phá vỡ cảnh quan nhà vườn. 

Do kinh phí trùng tu nhà vườn khá lớn, vượt quá khả năng của chủ nhà vườn nên TP. Huế đề nghị UBND tỉnh trình HĐND tỉnh nâng mức hỗ trợ trùng tu để phù hợp với tình hình vật giá. Trong đó, nâng mức hỗ trợ nhà vườn loại 1 từ 700 triệu đồng lên 1 tỷ đồng, nhà loại 2 từ 500 triệu đồng lên 800 triệu đồng, nhà loại 3 từ 400 triệu đồng lên 600 triệu đồng và nhà vườn được xếp hạng di tích từ cấp tỉnh trở lên được hỗ trợ 2 tỷ đồng.

Bài, ảnh: Thanh Hương

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị
Liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị

Mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, trong đó hợp tác xã (HTX) làm khâu trung gian kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp tiêu thụ và chế biến sản phẩm đang được ngành nông nghiệp từng bước nhân rộng.

Giá trị, sức sống của tuyên ngôn trong thời đại mới và không gian mới
Giá trị, sức sống của tuyên ngôn trong thời đại mới và không gian mới

Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản ra đời đến nay 175 năm (2/1848 - 2/2023). Những tư tưởng chủ đạo của Tuyên ngôn đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã kế thừa và phát triển sáng tạo tư tưởng của Tuyên ngôn vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, từng bước hiện thực hóa những nguyên lý cách mạng do Tuyên ngôn đề ra; góp phần khẳng định giá trị, sức sống bất diệt của Tuyên ngôn trong thời đại mới và không gian mới.

CPI tháng đầu năm mới tăng so cùng kỳ
CPI tháng đầu năm mới tăng so cùng kỳ

Giá xăng dầu điều chỉnh tăng; nhu cầu tiêu dùng, mua sắm tăng trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão... là những nguyên nhân chính đưa chỉ số giá tiêu dùng (CPI) toàn tỉnh trong tháng 1/2023 tăng 1,01% so với tháng 12/2022 và tăng 3,65% so cùng kỳ.

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa di sản đối mặt nhiều khó khăn
Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa di sản đối mặt nhiều khó khăn

Được xem là một trong những vùng đất bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa di sản, nhưng thực tế hiện nay Huế vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều bất cập, khó khăn. Từ việc khoanh vùng, cho đến kinh phí tu bổ, tôn tạo và phục hồi di tích cho đến việc huy động các nguồn lực “hồi hương” cổ vật…

Giá trị cửa biển Thuận An
Giá trị cửa biển Thuận An

Hội Khoa học Lịch sử (KHLS) tỉnh Thừa Thiên Huế vừa cho ra mắt cuốn sách: “Cửa biển Thuận An xưa và nay”, do TS. Phan Tiến Dũng chủ biên.