Thứ Hai, 16/06/2008 05:25 (GMT+7)
Thăm Huyền Không Sơn Thượng
Khoảng năm 1995-1997 gì đấy, một người bạn từ Ấn Độ về đã “kỳ kèo” tôi đưa lên Huyền Không Sơn Thượng chơi. Tôi gật đầu, vừa…hoảng vừa hào hứng. Hào hứng bởi cũng đã nghe thiên hạ kháo nhau về cảnh sơn thủy hữu tình của Huyền Không Sơn Thượng (KHKST) mà mình chưa có dịp ghé thăm, còn hoảng là vì nghe đường sá xa xôi, đồi dốc cách trở khó đi, không biết chiếc xe 50 phân khối của mình có đèo nổi ông bạn bự con “đi đến nơi về đến chốn”?
Một góc Sơn Không Thiền uyển
Thôn Chầm thuộc xã Hương Hồ (Hương Trà) là nơi HKST tọa lạc. Hồi ấy chưa có tuyến đường tránh Huế. Chúng tôi theo đường Kim Long ngược lên, qúa chùa Thiên Mụ mấy cây số, vừa đi vừa hỏi đường và cứ đâm sâu vào hướng núi, vượt qua mấy con dốc cao lởm chởm đá. Cuối cùng HKST hiện ra. Chưa có nhiều công trình và hầu hết đều là thảo am đúng nghĩa. Những câu thơ thiền với nét bút phượng múa rồng bay được tạc vào những phiến đá dọc lối dẫn vào chùa, lại thêm những giò phong lan khoe sắc, tỏa hương nhẹ nhàng theo gió…Chừng ấy cũng đủ khiến lòng người cảm thấy bâng khuâng và khát khao hướng thượng. Chợt cảm kích vô cùng, nể phục vô cùng công sức của những người tạo dựng…
Rất nhiều bạn trẻ đã chọn HKST cho những cuộc picnic
Nghe nói, người đã cắm tích trượng lập nên HKST là sư Giới Đức, một nhà sư của Huế rất mực tài hoa trong các lĩnh vực thơ văn, thư pháp, sinh vật cảnh. Từ một vùng đất hoang hóa, cằn khô với những sim mua tràm chổi, sư Giới Đức và chúng đệ tử đã cùng đổ tâm sức, vừa tu học, vừa tăng gia sản xuất, vừa phá đá bạt đồi, đào hồ đắp núi…để tạo nên một HKST như bây giờ. Ngoài gần 50 ha thông, tràm, keo tai tượng, rừng tự nhiên tốt tươi, u tịch đang là chốn vui đùa của chim, gà rừng, thỏ, sóc…HKST còn có cả một không gian chùa viện, vườn cảnh nên thơ như một bức tranh thủy mặc hiện lên giữa chốn núi rừng ở phía Tây thành Huế.
Diên Thống