Nhìn lại các vụ án tham nhũng vừa qua, khi mà số tiền vơ vét của các "quan tham" lên tới hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng mà thấy kinh khủng. Công chức hưởng lương bình thường nghe đã thấy quá lớn, dân lao động nghe tiền tỉ mà cứ như chuyện hoang tưởng. Dân ta nói chung đang nghèo, đời sống còn khó khăn. Công nhân các khu công nghiệp chật vật với cuộc sống thường ngày, tết đến một số không dám về quê chỉ vì tiền tàu xe đã ngốn hết hàng tháng lương của họ. Ngay với công chức lo cho con vào năm học mới với ba, bốn triệu đồng đã phải tính toán chắt bóp các khoản chi thường ngày. Nhìn đến các vùng sâu, vùng xa, miền núi, đời sống có hơn xưa nhưng khi mưa bão ập đến, người dân chỉ còn biết trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước và xã hội.
Đảng, Nhà nước đang nỗ lực xóa dần khoảng cách giàu nghèo của mọi tầng lớp Nhân dân thì có một số cán bộ lại giàu lên một cách nhanh chóng. Họ làm giàu không phải bằng trí tuệ, tài năng, không phải kinh doanh hợp pháp mà từ tham nhũng, bòn rút, hối lộ. Nói như nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan: “Họ ăn không từ một thứ gì”. Hay như đồng chí Phạm Thế Duyệt, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từng lo lắng: Tham nhũng đẩy cán bộ đến suy thoái, mất hết lương tâm. Chỉ mới các vụ án ngân hàng lớn đã làm thất thoát hàng ngàn tỉ đồng, các dự án nhiệt điện, phân bón, thép… bốc hơi hàng chục ngàn tỉ đồng. Lượng tiền thất thoát đó một phần không ít đã chảy vào túi các nhóm lợi ích, các vị chủ tịch, tổng giám đốc, các quan chức trong bộ máy lãnh đạo quản lý các cấp. Đó là chưa kể người ta tiêu “tiền chùa” lãng phí không thương tiếc. Khi các vụ tham nhũng bị phanh phui, đưa ra xét xử thì tiền của Nhà nước, của cải xã hội đã biến thành “của hồi môn” mấy đời cho con cháu các vị. Dân gian có câu: “Hy sinh đời bố, củng cố đời con” cũng phần nào nói lên thực trạng của tham nhũng. Với số tiền 22 tỉ đồng của đối tượng cầm đầu trong vụ game đánh bạc đã đưa cho tướng Nguyễn Thanh Hóa “mượn” (mượn nhưng không trả), nếu quy ra thì lương tướng của ông ta phải trên 100 năm mới có được. Nhìn vào cổ phần 700 tỉ đồng trong công ty của một bà thứ trưởng thì dân lao động nằm mơ cả 3 đời cũng không thấy. Rồi những "biệt phủ" của một số quan chức chắc chắn không phải từ tiền lương hàng tháng, không phải có của hồi môn, lại càng không phải từ lao động. Thông tin về 3 tỉ USD của người Việt mua nhà ở nước ngoài năm 2017, thì ngoài tiền của các nhà kinh doanh, liệu có lượng tiền từ tham nhũng, rửa tiền của những quan chức “chưa bị lộ”?.
Theo thống kê, kê khai thu nhập cá nhân trong những năm qua mới chỉ phát hiện được một số người khai không trung thực. Con số đó chưa phản ánh đúng khách quan những người thuộc diện phải kê khai đã khai đúng tài sản, tiền bạc thực sự của họ.
Trong số đó là những triệu phú, tỉ phú bí ẩn, tài sản không “công bố”. Họ giàu lên bằng cách nào?
Mỗi trường hợp có những phương cách, thủ đoạn riêng nhưng tất cả đều có từ nguồn làm giàu bất hợp pháp. Kiếm được từ “ban phát” dự án, “lại quả” từ các công trình, nhận hối lộ, quà cáp, lợi dụng sơ hở trong quản lý tài chính, cơ chế công vụ chưa chặt chẽ để tìm cách biển thủ công quỹ, trích phần trăm, bảo kê cho những hoạt động phi pháp, chia phần từ các nhóm lợi ích. Một số kẻ lợi dụng chức năng, quyền lực quản lý xã hội bao che, tiếp tay cho tội phạm để chia chác những đồng tiền bẩn. Rồi cả những người như đồng chí Tổng Bí thư chỉ ra là “tham nhũng vặt”, nhưng sức gặm nhấm tiền kéo dài thì không hề “vặt”. Đáng lên án hơn nữa là những kẻ lợi dụng sơ hở trong thực hiện chính sách để trục lợi trên sức khỏe của bệnh nhân, quyền lợi của người có công với nước, bớt xén của người lao động. Nói chung, tuy không phải số đông nhưng những kẻ thoái hóa ấy đã trở thành “con sâu”, “một bầy sâu” gặm nhấm, bòn rút của xã hội để làm giàu bất chính.
NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH