Thứ Năm, 17/10/2019 06:50

Tháo gỡ khó khăn đảm bảo tiến độ dự án

Nhiều gói thầu thuộc Dự án Chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) - tiểu dự án Thừa Thiên Huế phải “dậm chân tại chỗ”, chậm triển khai các hạng mục do vướng công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Ban QLDA đã nhiều lần gửi văn bản cho các địa phương đốc thúc sớm bàn giao mặt bằng nhằm sớm triển khai các gói thầu đúng tiến độ.

Đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư côngKhởi công Dự án Tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh và cầu qua cửa Thuận AnNhiều dự án giao thông trọng điểm chậm tiến độ vì thiếu đất đắp nền

Hạng mục gói thầu số 39 nâng cao độ mặt đường Võ Nguyên Giáp, Tố Hữu đang triển khai thi công

Nhận đền bù nhưng chưa di dời

Nhiều tháng nay, hạng mục kè sông Như Ý (phường Vỹ Dạ, TP. Huế) thuộc gói thầu số 23 (các đô thị xanh) dù đã tập kết vật liệu thi công, máy móc, cấu kiện đúc sẵn nhưng một số đoạn tuyến vẫn chưa triển khai thi công, do còn vướng công tác GPMB.

Ngay khu vực đầu tuyến vẫn còn nhiều hộ dân có nhà tạm, lồng cá nằm trong khu vực xây dựng tuyến kè vẫn chưa chịu di dời, dù các hộ dân này đã được đền bù, hỗ trợ. Được biết, khu vực này có 55 hộ bị ảnh hưởng đất và tài sản trên đất nằm trong phạm vi thi công cần di dời.

Để sớm có mặt bằng thi công, mới đây, Ban QLDA đã có văn bản gửi UBND TP. Huế yêu cầu chỉ đạo UBND phường Vỹ Dạ sớm bàn giao mặt bằng để nhà thầu triển khai thi công.

Ông Võ Văn Việt, Giám đốc Ban QLDA thông tin, hiện nay, hạng mục kè sông Như Ý đang triển khai thi công bê tông móng kè và xây đá hộc thân kè. Tuy nhiên, qua kiểm tra hiện trường cho thấy các công trình nhà tạm, vật kiến trúc và lồng cá trên sông Như Ý vẫn chưa di chuyển ra khỏi phạm vi xây dựng kè và các hạng mục hạ tầng của công trình như đường bê tông, mương thoát nước, vỉa hè gây khó khăn cho đơn vị thi công triển khai gói thầu.

Ban QLDA yêu cầu UBND phường Vỹ Dạ thông báo đến các hộ dân có tài sản trên đất bị ảnh hưởng đã được đền bù, hỗ trợ tiến hành thu hồi tài sản và di dời các lồng cá ra khỏi phạm vi công trình trước ngày 20/4 để đảm bảo tiến độ công trình.

Tại hạng mục kè An Cựu thuộc gói thầu trên, hiện đơn vị thi công đang triển khai đúc bê tông móng và xây dựng chân kè đá hộc được 114m trên tổng chiều dài 460m, đạt tiến độ 25% giá trị các hạng mục.

Ông Nguyễn Quý Trung, cán bộ kỹ thuật công trình kè An Cựu cho biết, hiện nhà thầu đang tập trung triển khai thi công ở đoạn có mặt bằng sạch, hạng mục kè này còn vướng mắc GPMB một số cây xanh, công trình quán sá trên tuyến nên phần nào ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình.

Khó khăn lớn nhất hiện nay tại hạng mục chỉnh trang xây dựng kè dọc bờ sông Đông Ba, thuộc gói thầu số 24 đoạn qua phường Thuận Lộc, Phú Hậu còn một số tài sản trên đất người dân chưa tiến hành tháo dỡ, di dời ra khỏi phạm vi GPMB đã được bồi thường GPMB vào các năm 2005, 2011. Ban QLDA đã 2 lần gửi văn bản đến chính quyền địa phương đề nghị di dời, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Đề xuất tháo gỡ

Các đô thị xanh gồm 10 gói thầu xây lắp, đến nay chủ đầu tư đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu 10 gói thầu. Ban QLDA tiếp tục thực hiện công tác GPMB theo hình thức “cuốn chiếu”, hoàn thành đến đâu bàn giao cho nhà thầu thi công đến đó.

Ông Võ Văn Việt đánh giá, hiện nay, công tác xác minh nguồn gốc đất tại các địa phương còn chậm, ảnh hưởng đến việc trình cơ quan chức năng thẩm định nguồn gốc đất. Do thời gian ban hành thông báo thu hồi đất so với thời điểm kiểm kê cách xa nhau, do vậy bản đồ giải thửa để phục vụ công tác GPMB có nhiều điểm cần bổ sung, dẫn đến việc xác minh nguồn gốc đất, thẩm định đất còn chậm. Tiến độ chi trả tiền GPMB còn chậm, ảnh hưởng đến công tác lập báo cáo xin khởi công xây dựng công trình. Các trung tâm quỹ đất còn lúng túng trong việc đề xuất đơn giá cây trồng nên ảnh hưởng đến việc áp giá, niêm yết công khai phương án bồi thường…

Hạng mục kè An Cựu gặp khó do vướng giải phóng mặt bằng

“Để đảm bảo tiến độ các gói thầu cũng như tiến độ chung của dự án, công tác GPMB rất quan trọng. Ban QLDA đã đề nghị ban chỉ đạo GPMB ở các địa phương quan tâm, huy động cán bộ chủ chốt, tuyên truyền vận động các hộ dân phối hợp trong công tác GPMB, di dời ra khỏi phạm vi công trình khi đã nhận tiền bồi thường”, ông Việt cho biết.

Ban QLDA cũng đã đề nghị UBND tỉnh sớm ban hành hệ số giá đất để tính tiền bồi thường, hỗ trợ đối với các dự án triển khai trên địa bàn tỉnh trong năm 2022.

UBND tỉnh cũng yêu cầu Ban QLDA, các địa phương, sở, ngành phải nỗ lực hơn trong công tác GPMB, khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ. UBND TP. Huế tập trung chỉ đạo công tác GPMB dự án, yêu cầu các phòng ban, đơn vị trực thuộc thực hiện tốt công tác phối hợp, thống nhất giải quyết hồ sơ, thủ tục bồi thường GPMB. 

Riêng đối với gói thầu số 39 về xây lắp tuyến đường Tố Hữu, Võ Nguyên Giáp (phần nâng cao độ mặt đường) và di dời trạm biến áp, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị UBND tỉnh cho phép ngầm hóa các tuyến đường dây trung và hạ thế và bổ sung chi phí xây lắp vào gói thầu này với giá trị bổ sung khoảng 3 tỷ đồng. Trước đó, Ban QLDA đã phối hợp cùng Công ty Điện lực tỉnh lập biên bản làm việc về các đường dây trung, hạ thế ảnh hưởng hành lang an toàn lưới điện khi thi công nâng cao độ mặt đường Tố Hữu, Võ Nguyên Giáp.

Theo Ban QLDA, các đô thị xanh - tiểu dự án Thừa Thiên Huế có tổng mức đầu tư 1.700 tỷ đồng, trong đó vốn đối ứng từ ngân sách địa phương gần 264 tỷ đồng, còn lại vay từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Ngày 23/3, HĐND tỉnh đã có Nghị quyết số 36/NQ- HĐND về việc cho ý kiến điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án này. Theo đó, sẽ bổ sung gần 400 tỷ đồng để thực hiện công tác GPMB. Sở Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn thiện hồ sơ tham mưu UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dự án liên quan chương trình giảm phát thải mang lại nhiều hiệu quả
Dự án liên quan chương trình giảm phát thải mang lại nhiều hiệu quả

Sáng 22/2, Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung, Trường đại học (ĐH) Nông Lâm, ĐH Huế phối hợp các đơn vị, địa phương có liên quan tổ chức hội thảo tổng kết dự án “Thúc đẩy sự tham gia hiệu quả của cộng đồng dân tộc thiểu số (DTTS) trong thực hiện, giám sát và đánh giá Chương trình Giảm phát thải (ER-P)”.