Thứ Bảy, 16/11/2019 14:26

Tháo gỡ khó khăn trong triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới

Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực, giúp người học biết vận dụng kiến thức vào đời sống. Tuy nhiên, bài toán về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và sách giáo khoa để thực hiện tốt chương trình không phải một sớm, một chiều... có thể giải được.

Cái khó khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mớiLịch sử luôn là môn học hấp dẫnThông tin về môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới

Học sinh tham gia các hoạt động ngoại khóa

Ghi nhận bước đầu

Muốn thực hiện tốt chương trình GDPT mới, phải bắt đầu từ người thầy. Do đó, việc bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý về phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh là không thể chậm trễ. So với các tỉnh khác, đội ngũ giáo viên tiểu học ở Thừa Thiên Huế đạt trên chuẩn khá cao (trên 98%). Tỷ lệ đứng lớp là 1,6 giáo viên/lớp ở bậc tiểu học; trong đó, 100% trường học có giáo viên chuyên trách các môn giảng dạy các môn tin học, mỹ thuật, tiếng Anh, thể dục, âm nhạc. Đó là thuận lợi rất căn bản trong triển khai đổi mới chương trình GDPT mới.

Một trong những điểm khác biệt của lớp 6 so với chương trình hiện hành là sự xuất hiện của các môn học mang tính tích hợp của phân môn (như lịch sử, địa lý, vật lý, hóa học, sinh học) khiến cho một bộ phận phụ huynh băn khoăn, lo lắng.

Bà Hoàng Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Chí Diểu (TP. Huế) cho biết: Quá trình thực hiện chương trình GDPT mới  tại đơn vị cũng gặp khó khăn như trình độ của giáo viên chưa đồng đều, giáo viên được đào tạo đơn môn nên tiếp cận chương trình không thuận lợi. Hiện nay, tại nhà trường, tài liệu và học liệu chưa đầy đủ, trang thiết bị chưa cấp kịp thời để đáp ứng nhu cầu dạy học theo chương trình GDPT mới.

Chương trình GDPT mới không gói gọn trong bất cứ bộ sách giáo khoa nào. Áp dụng chương trình GDPT mới, giáo viên phải thực hiện phương pháp dạy học mới, nghĩa là, sẽ phải dạy học tích cực, hướng dẫn học sinh hoạt động, tự tìm tòi kiến thức, phát triển kỹ năng vận dụng vào đời sống. Tuy nhiên, kinh nghiệm của giáo viên trong hoạt động bồi dưỡng thường xuyên chưa nhiều, vì vậy việc xây dựng kế hoạch bồi dưỡng còn lúng túng; giáo viên không đủ thời gian để nghiên cứu chuyên đề. Đặc biệt, việc tập huấn bổ sung giáo viên theo chương trình GDPT mới không phụ thuộc vào sách giáo khoa gặp nhiều khó khăn.

Đối với lớp 10, tinh thần chung của chương trình GDPT mới là học sinh có quyền lựa chọn môn học tự chọn phù hợp với sở thích, nguyện vọng và năng lực của các em. Nhưng nếu để lựa chọn theo ý của học sinh thì nhà trường lại rất khó đáp ứng hết (vì có hơn 100 tổ hợp môn để học sinh lựa chọn). Điều này đã tạo ra sự khủng hoảng lựa chọn của học sinh vì số tổ hợp quá nhiều. Học sinh bị rối còn một số nhà trường thì không thể đủ nhân lực, cơ sở vật chất để thực hiện yêu cầu này. Đặc biệt, với các môn về nghệ thuật có tính đặc thù cao, đòi hỏi trang thiết bị riêng.

Tuy nhiên, Sở GD&ĐT sẽ hướng dẫn cụ thể vấn đề tổ chức cho học sinh lựa chọn môn học tự chọn, không để xảy ra tình trạng một số môn hoặc không có học sinh hoặc quá đông học sinh, vượt quá khả năng đáp ứng của nhà trường. Đồng thời, chương trình cũng quy định, các trường có thể xây dựng các tổ hợp môn học từ ba nhóm môn học và chuyên đề học tập nói trên để vừa đáp ứng nhu cầu của người học, vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường.

Phải nhìn thấy toàn bộ vấn đề

Mới đây, Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT do ông Phạm Văn Sinh, Phó Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất làm trưởng đoàn đi kiểm tra công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tại Thừa Thiên Huế trong thực hiện chương trình GDPT mới. Toàn tỉnh hiện có 2.396 phòng học, trong đó, trường mầm non kiên cố đạt tỷ lệ 73%, tiểu học đạt 83,4%, THCS đạt 91,92% và THPT đạt 95,4 %. Theo đánh giá của đoàn, các cấp học càng cao thì tỷ  lệ kiên cố hóa càng cao. Hiện tại cơ sở vật chất, công trình của các trường học trên địa bàn tỉnh vẫn đang còn chắp vá, một số hệ thống, các phòng thiết bị còn rất khó khăn. Sở dĩ các trường có hiện trạng như vậy là vì không được xây dựng đồng bộ...

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT, để đổi mới chính sách giáo dục 2018, đơn vị đã tham mưu cho UBND tỉnh nhiều kế hoạch liên quan đến nội dung về phát triển giáo dục cũng như triển khai kế hoạch giáo dục trên địa bàn. Đồng thời, Sở cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh cân đối ngân sách đầu tư cho thiết bị dạy học, cơ sở vật chất, cải tạo nâng cấp hệ thống các phòng học và thiết bị phục vụ cho công tác giảng dạy, lồng ghép các nguồn vốn huy động các nguồn vốn xã hội hóa để thực hiện đầu tư. Rà soát, hủy bỏ một số danh mục không cần thiết, ví dụ như đối với cấp mầm non, một số thiết bị không cần thiết sở đã đề nghị hủy bỏ.

Theo Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT, về thiết bị dạy học, tỷ  lệ đáp ứng dạy học tại tỉnh Thừa Thiên Huế chưa cao, trong thời gian tới cần rà soát toàn bộ các danh mục trang thiết bị cũ và những thiết bị còn dùng được tiếp tục sử dụng. Đồng thời, mua sắm bổ sung các trang thiết bị cần thiết cho các cấp, trước mắt thực hiện theo hình thức cuốn chiếu để đầu tư. Thừa Thiên Huế là một trong những khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai lũ lụt, thế nên, cần rà soát, đề xuất kế hoạch đầu tư, cải tạo xây dựng tăng tỷ lệ kiên cố hóa lên.

Bài, ảnh: THU HUẾ

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thực trạng giáo viên nghỉ việc năm học 2021-2022
Thực trạng giáo viên nghỉ việc năm học 2021-2022

Trong bối cảnh thiếu hụt lượng lớn giáo viên, thì cũng có hàng nghìn giáo viên nghỉ việc hoặc chuyển từ trường công lập sang các trường tư thục,... Đây là bài toán “đau đầu” với nhiều địa phương.