Thứ Ba, 16/05/2017 15:00

Thầy cô giáo phải biết “truyền lửa”

Đó là yếu tố quan trọng mà PGS.TS. Lê Anh Phương, Hiệu trưởng Trường đại học (ĐH) Sư phạm, ĐH Huế khẳng định khi trao đổi với Thừa Thiên Huế Cuối tuần về vai trò của những người thầy đào tạo ra thế hệ giáo viên tương lai.

GS. Damien Roche: “Tôi cảm nhận được tình thầy trò từ sinh viên Huế”Nhớ mùa tựu trường

PGS.TS. Lê Anh Phương, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế. Ảnh: HỮU PHÚC

Theo PGS.TS. Lê Anh Phương, người thầy sư phạm cũng có những điểm giống người thầy ở các trường khác, nhưng điểm đặc biệt là họ đào tạo ra những người sẽ làm giáo viên tương lai, vì vậy việc giáo dục nhân cách, đạo đức cho sinh viên (SV) sư phạm quan trọng không kém việc đào tạo kiến thức và kỹ năng. Muốn làm được điều đó, vai trò làm gương của người thầy cực kỳ quan trọng.

PGS có thể nói rõ hơn về nét khác biệt của người thầy ở giảng đường sư phạm?

Nghề giáo là một nghề cao quý và sẽ tồn tại mãi trong xã hội. Giáo dục muốn thay đổi hay không, ngoài đội ngũ những người quản lý, giáo viên đóng vai trò rất quan trọng. Giáo dục ngoài tri thức còn dạy cho con người nhân cách và đạo đức. Chính vì vậy, vai trò người thầy có ý nghĩa rất lớn.

Những điều vừa nói là điểm chung của tất cả thầy cô giáo, dù ở ngôi trường nào cũng phải làm nhiệm vụ trên. Tuy nhiên, tại Trường ĐH Sư phạm, điểm khác biệt là người thầy lại đào tạo ra thế hệ những người thầy trong tương lai nên phải xây dựng, đặt nền móng, định hướng cho các em để họ trở thành những người đứng lớp không chỉ giỏi chuyên môn mà cần có những chuẩn mực nhất định.

Đúng ra, việc đặt nền móng, giáo dục nhân cách con người phải chú trọng từ bậc mầm non. Tuy nhiên, môi trường uốn nắn hiện tại cũng rất quan trọng. Ngoài truyền đạt tri thức, phải giáo dục cho con người một khái niệm nhân văn và đây là nhiệm vụ mà các thầy cô giảng đường sư phạm rất quan tâm. Bởi vậy, từ năm học 2019 - 2020, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế đưa vào môn học đạo đức nhà giáo cho đội ngũ giáo viên tương lai ở tất cả các ngành. Môn học này có cả lý thuyết và thực hành, nhất là các tình huống để SV ứng xử với vai trò là một nhà giáo.

Thêm nữa, trường sư phạm cũng đặc biệt có những hoạt động để tôn lên ý nghĩa, vai trò người thầy trong việc giáo dục. Trước đây người ta thường gọi là người thầy, bây giờ người ta thường gọi là nhà giáo dục, không những truyền đạt kiến thức mà còn đạo đức, nhân cách, phẩm giá để hình thành cho người thầy tương lai những phẩm chất đạo đức, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Sự chăm chỉ và những chuẩn mực đạo đức là điều SV sư phạm cần có. Ảnh: L. HUY

Những điều PGS vừa trao đổi có phải đòi hỏi vai trò làm gương của người thầy rất lớn?

Thực ra, mỗi người thầy đều có vai trò làm gương chứ không riêng người thầy sư phạm, nhưng với vai trò là người thầy đào tạo ra những thế hệ giáo viên tương lai, đòi hỏi tính chuẩn mực, làm gương rất lớn. Vai trò làm gương thể hiện cả trong khi lên lớp, sinh hoạt, các hoạt động kể cả NCKH thông qua thái độ nghiêm túc, trung thực, thẳng thắn và cả cách sống của họ.

Từng trường sẽ có những quy định khác nhau. Tuy nhiên, ở trường sư phạm, nhất là Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế, vai trò người thầy được đẩy lên, thể hiện trong cả các quy định. Điển hình, trường có quy định về tác phong, chuẩn mực, từ trang phục, quy định có những ngày đến trường, giảng viên, SV nữ phải mặc áo dài; cán bộ, giảng viên, SV nam mang áo sơ mi, quần tây, giầy có quai hậu, lên lớp không mặc quần jean, phải đến lớp đúng giờ. Nhà trường xác định rõ, muốn SV tuân thủ quy định thì thầy cô phải làm gương.

Không chỉ riêng về đạo đức nhà giáo, ngay cả khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thầy cô giáo cũng phải biết để truyền lửa. Thầy cô, giảng viên phải đi đầu, từ đó mới định hướng, giảng dạy SV tốt hơn.

Xu hướng thay đổi của giáo dục và tác động mặt trái của kinh tế thị trường có ảnh hưởng vai trò làm gương và việc giáo dục nhân cách cho SV, thưa PGS?

Đối với giảng viên, vừa dạy, vừa nghiên cứu khoa học, nói giàu thì khó nhưng đủ để sống. Giảng dạy không chỉ lên lớp mà thời đại 4.0 có thể dạy mọi lúc mọi nơi và vai trò người thầy rất quan trọng kể cả học online. Tôi nghĩ rằng, đâu đó cũng có người này, người kia, có trường hợp chưa tốt nhưng một bộ phận không thể nói tất cả, người thầy vẫn luôn nhiệt huyết vì đó là đạo đức nghề nghiệp.

Vấn đề đặt ra là thời đại công nghiệp 4.0, hoạt động dựa trên nền tảng máy móc thì yếu tố nhân văn là quan trọng. Nhiều người cho rằng, những vấn đề cuộc sống hay thời đại công nghệ sẽ tạo ra khoảng cách giữa người thầy và người học. Tôi cho rằng điều đó chưa chính xác. Bài giảng do người thầy xây dựng, công nghệ chỉ là công cụ để thể hiện. Trong hệ thống online, ngoài học thì còn tương tác, người thầy chịu trách nhiệm đánh giá. Đừng nghĩ học online là khoảng cách mà có thể làm xích lại gần hơn bởi học mọi lúc mọi nơi thì tương tác giữa người thầy và người trò nhiều hơn cả học trên lớp.

PGS có nghĩ mặt trái trong giáo dục là rào cản để thực hiện phương châm giáo dục đặt nền tảng đạo đức, chuẩn mực lên đầu?

Thực ra, do tính định hướng và truyền thông, có một vụ việc gì đó xảy ra ảnh hưởng cái chung, đến tiếng tăm của nghề và những người làm giáo viên nói chung. Tuy nhiên, theo tôi, đừng tách rời chuyện đó ra, xem đó như là một mô hình để giáo dục học trò. Lấy những cái chưa tốt, đối diện với những thực tế giáo dục để giáo dục, qua đó rèn cho những người thầy tương lai những kỹ năng để xử lý. Kỹ năng cộng với tri thức sẽ cho người giáo viên làm tốt nhiệm vụ của mình.

Thực ra, nhiều người cũng hoang mang trước những vấn đề liên quan đến giáo dục, họ cũng lo lắng cho nghề giáo, cho những người giáo viên nhưng mặt trái trong giáo dục cũng có giá trị làm cho đội ngũ nhà giáo cảnh tỉnh hơn.

Những “nhà giáo” tương lai luôn được truyền dạy những chuẩn mực đạo đức, tác phong gương mẫu. Ảnh: ĐĂNG TUYÊN

Chương trình giáo dục phổ thông mà Bộ Giáo dục và Đào tạo mới ban hành đòi hỏi giảng viên chú trọng ra sao đến đào tạo nhân cách, thưa PGS?

Bộ ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó có 5 phẩm chất và 10 năng lực. Trong 5 phẩm chất đó có yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm. Những phẩm chất đó cho thấy tầm quan trọng trong việc giáo dục nhân cách cho người học. Điều đó đồng nghĩa, giảng viên ĐH sư phạm phải định hướng cho SV (những giáo viên tương lai) những phẩm chất như vậy, vừa đáp ứng những yêu cầu của con người thời hiện đại nhưng cũng lưu giữ những giá trị, nét đẹp tinh hoa văn hóa dân tộc, vừa có tài vừa có đức.

Thực tiễn ở trường có khoa giáo dục chính trị có 2 chương trình mới là giáo dục pháp luật và giáo dục công dân (theo chương trình giáo dục phổ thông mới). Việc mở hai mã ngành mới này để SV ra trường dạy cho học sinh, hai vấn đề đó rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Đặc biệt, trong thời đại công nghiệp 4.0 ứng dụng máy móc, con người làm theo các quy trình thì giáo dục đạo đức rất quan trọng. Đó là cốt lõi trong giáo dục đạo đức hiện nay.

Xin cảm ơn những chia sẻ của PGS!

HỮU PHÚC (Thực hiện)

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

ASEAN và EU nắm giữ vai trò quan trọng trong phục hồi đa dạng sinh học
ASEAN và EU nắm giữ vai trò quan trọng trong phục hồi đa dạng sinh học

Đây là nhận định được đưa ra trong một bài viết được đăng tải trên Tờ The Straits Times, của các tác giả là ông Shawn Lum, Chủ tịch Hiệp hội Tự nhiên (Singapore) và ông Vinayagan Dharmarajah, Giám đốc khu vực châu Á thuộc Hiệp hội BirdLife International (Vương quốc Anh).

Ý thức là yếu tố then chốt
Ý thức là yếu tố then chốt

An toàn giao thông (ATGT) là mong muốn không chỉ của mỗi người tham gia giao thông mà còn là nỗi trăn trở

Nhân tố quan trọng thúc đẩy phong trào học tập
Nhân tố quan trọng thúc đẩy phong trào học tập

Từ thực tiễn các phong trào “Sinh viên 5 tốt”, “Học sinh 3 rèn luyện”… xuất hiện nhiều tấm gương học sinh, sinh viên sống đẹp, sống có ích, đạt thành tích xuất sắc trong học tập, sáng tạo và nghiên cứu khoa học.