Thứ Ba, 02/02/2010 03:20

Thầy học của vua Gia Long

Võ vương Nguyễn Phúc Khoát đặt chức Thị Học, chuyên lo việc học của hoàng tử trưởng và các hoàng tử. Vị thầy này cùng một số thầy được tuyển chọn để trợ giáo, có ảnh hưởng sâu sắc đến các hoàng tử, hoàng tôn của nhà chúa.

Giai đoạn bè đảng quyền thần Trương Phúc Loan thao túng cung đình thời Võ vương và Duệ vương, thứ đến là thời kỳ quân đội Lê Trịnh đánh chiếm Phú Xuân, tiếp theo giai đoạn Tây Sơn truy bức hậu duệ chúa Nguyễn ở Quảng Nam, Qui Nhơn và Gia Định… thì các hoàng tử, hoàng tôn nhà chúa đã tỏ rõ lòng trung nghĩa, hiếu dũng đáng khâm phục. Cách hành xử của Duệ vương Nguyễn Phúc Thuần, Tân chính vương Nguyễn Phúc Dương, Nguyễn vương Nguyễn Phúc Ánh, Quốc thúc Nguyễn Phúc Thăng…trong những ngày đen tối nhất của tộc Nguyễn Phúc (1774-1793), nói lên thành quả giáo dục của các vị thầy của các hoàng tử, hoàng tôn trong cung đình chúa Nguyễn vậy.

Đại Việt Quốc Nguyễn Chúa Vĩnh Trấn Chi Bửu

Một trong những vị thầy tận tụy với việc giáo dục các hoàng tử, hoàng tôn ấy là Thị Học Nguyễn Doãn Thống. Thầy là người huyện Hương Trà, thuộc dòng dõi thế gia vọng tộc của đàng Trong, có văn học và tất nhiên tài đức vẹn toàn. Ban đầu, thầy được Võ vương Nguyễn Phúc Khoát bổ chức Thị Học để lo giáo dục hoàng trưởng tử Nguyễn Phúc Chương. Chương mất sớm, thầy Nguyễn Doãn Thống vẫn tiếp tục lo việc học của các hoàng tử trong cung. Khi quân đội Lê-Trịnh chiếm Phú Xuân, thầy Nguyễn Doãn Thống ẩn ở Phú Xuân và tìm cách đưa gia đình vào Gia Định. Thầy vượt biển vào Gia Định, yết kiến Duệ Tôn tại Tam Phụ ngay năm Ất Mùi [1775]. Duệ Tông Nguyễn Phúc Thuần liền bổ dụng thầy Nguyễn Doãn Thống lo việc học của hoàng tôn Nguyễn Phúc Ánh.

Thầy giỏi mà trò cũng giỏi, lại thêm Duệ Tôn Nguyễn Phúc Thuần rất ưu ái cháu Nguyễn Phúc Ánh, tạo điều kiện để cháu trở thành người hữu dụng. Năm 1777, Duệ Tôn Nguyễn Phúc Thuần và Tân chính vương Nguyễn Phúc Dương bị Tây Sơn giết, thì năm sau Mậu Tuất [1778] Nguyễn Phúc Ánh vào tuổi 17 đã được tướng sĩ tôn phong Đại nguyên súy Nhiếp chánh vương và vương đã bổ dụng thầy Nguyễn Doãn Thống làm Ký lục Phiên Trấn. Đến năm 1780, học trò của thầy Nguyễn Doãn Thống đã được tướng sĩ tôn phong thành Nguyễn Vương, cầm ấn Đại Việt Quốc Nguyễn Chúa Vĩnh Trấn Chi Bửu. Khi Nguyễn Vương qua Vọng Các, thầy Nguyễn Doãn Thống không theo kịp Nguyễn Vương, đành tạm trốn trong dân. Khi Nguyễn Vương tái chiếm Gia Định, tháng 8 năm Mậu Thân [1788], thầy được phục chức Ký lục Phiên Trấn. Thầy rất chăm lo giáo dục, học trò rất yêu mến. Việc học việc thi được quan Ký lục tổ chức chu toàn, đã tuyển dụng nhiều người tài để phò Nguyễn Vương trong công cuộc nhất thống thiên hạ. Thầy Nguyễn Doãn Thống qua đời năm Tân Hợi [1791] ở Gia Định, Nguyễn Vương thương tiếc, truy phong Lại Bộ.

Các hoàng tử, hoàng tôn của Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát đã được các vị thầy như Nguyễn Doãn Thống, Lê Cao Kỷ,… giáo dưỡng rất tốt, khi thời thế xoay chuyển, gia đình nhà chúa hầu như đã “tan gia bại sản” nhưng nhờ biết yêu thương đùm bọc lấy nhau, thu phục được nhân tâm, nhiều người dỏi theo về và kết quả họ Nguyễn Phúc đã làm nên nghiệp đế vậy. Đất nước nào muốn phát triển bền vững thì phải chăm lo giáo dục, phải làm sao “trường ra trường, thầy ra thầy, trò ra trò” thì chắc chắn đất nước ấy sẽ “vững âu vàng” mà thôi.

Lãng Điền

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hà Nội hoàn thành chỉ tiêu “Chỉ số Hài lòng năm 2023 đạt trên 83 ”
Hà Nội hoàn thành chỉ tiêu “Chỉ số Hài lòng năm 2023 đạt trên 83%”

Chỉ số Hài lòng năm 2023 của Hà Nội đạt 83,57%, xếp thứ 21/63 tỉnh/thành phố, tăng 3,41%, tăng tới 9 bậc so với năm trước và đứng thứ 2 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Với kết quả này, Hà Nội đã hoàn thành chỉ tiêu đề ra là Chỉ số Hài lòng năm 2023 đạt trên 83%.

Làng nghề truyền thống trước xu hướng thương mại điện tử
Làng nghề truyền thống trước xu hướng thương mại điện tử

Trong xu thế hội nhập quốc tế, thương mại điện tử (TMĐT) đã và đang trở thành kênh quảng bá mang lại hiệu quả cao, không chỉ đối với thị trường trong nước, mà còn có cơ hội lan tỏa ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, tiềm năng từ ứng dụng TMĐT vào sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề trên địa bàn Thành phố vẫn là một vấn đề cần quan tâm nghiên cứu để có hướng đi thích hợp.

Cần thay đổi tư duy phát triển nhà ở xã hội
Cần thay đổi tư duy phát triển nhà ở xã hội

Dữ liệu nghiên cứu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, kể từ năm 2018 đến nay, nguồn cung nhà ở có xu hướng sụt giảm nghiêm trọng. Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong việc ban hành chính sách nhằm thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển, cải thiện nguồn cung phân khúc nhà ở xã hội. Tuy nhiên, những chính sách này vẫn còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, tạo ra nhiều điểm nghẽn khiến chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc tiếp cận.

Kiến tạo động lực tăng trưởng mới
Kiến tạo động lực tăng trưởng mới

Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2023 với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức ngày 19/9/2023 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia.